Mấy ngày hôm nay nhà chị Lê Thị Thắm (Hà Đông, Hà Nội) chẳng ai nói với ai một câu nào. Vợ chồng chị Thắm đi làm về lầm lũi, cơm dọn ra mà 4 người chia 3 cữ ăn. Bố chồng và anh Minh (chồng chị Thắm) ăn uống một cữ, mẹ chồng một giờ và cô con dâu ăn một giờ, có khi còn bỏ bữa.

Tất cả chỉ vì tính suy diễn của mẹ chồng, mà bố chồng và anh Minh đã khổ sở vì bị bà suy diễn thành những ý khác, góp ý mãi bà vẫn "chứng nào tật ấy" nên hai bố con đành chào thua bằng cách im lặng, hoặc về phòng mình để bà tự do suy diễn. 

Khi Thắm về làm dâu, cô thông minh, nhanh nhẹn thoáng tính nên hai bố con anh Minh thoải mái hơn. Biết tình mẹ chồng hay suy diễn nên Thắm cẩn trọng lời ăn tiếng nói, hạn chế bình phẩm, bông đùa... vậy mà vẫn không thoát khỏi tật suy diễn cố hữu của mẹ chồng.

Đỉnh điểm là khi chị Thắm về quê thăm bố mẹ đẻ, mang ra rất nhiều rau quả, trứng gà, gạo nếp sạch làm quà cho bố mẹ chồng. Nhưng cả nhà chưa kịp vui mừng thì mẹ chồng đã quát váng lên rằng: "Nhà tôi không thiếu tiền để cô phải đi ăn xin từng mớ rau, quả trứng nhé!", rồi bà cầm các túi quà vứt luôn vào thùng rác.

Chị Thắm uất ức gào lên, nói bà làm mọi người khó chịu với cái tính suy diễn, để cả nhà khổ sở. Rồi chị lao vào phòng ngủ đóng sập cửa lại khóc, mặc mẹ chồng suy diễn tiếp.

Không chỉ phụ nữ, mà cả đàn ông cũng có tật suy diễn làm khổ mọi người xung quanh mình. Chồng chị Nguyễn Thị Mai cũng có tính suy diễn làm chị khổ sở. Mỗi lần chị đi công tác chồng gọi điện mà chị không bắt máy là anh dằn dỗi, sau đó chị có gọi lại, thì giải thích thế nào anh cũng suy diễn theo kiểu của anh khiến chị rất mệt mỏi.

Có lần mẹ anh ở quê lên chơi, anh dặn chị ra bến xe đón mẹ. Chị Mai đã căn giờ để đón mẹ chồng đúng giờ, nhưng gần đến bến xe thì có vụ tai nạn giao thông nên tắc đường, chị đã gọi điện báo và mẹ chồng phải chờ 30 phút sau mới đón được. Chồng chị biết chuyện đã nổi xung ầm ĩ, mắng chị không coi trọng gia đình chồng, bắt mẹ chồng đi hàng trăm cây số lên thăm con cái mà phải chờ đợi lâu ở bến xe.

Cả chị và mẹ chồng đã giải thích nhưng anh phớt lờ, cứ một mực suy diễn là vợ coi thường mẹ con anh. Những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày ấy khiến chị Mai vô cùng khó chịu, chán chường và muốn kết thúc cuộc hôn nhân sau 1 năm chung sống.

Đó là nỗi niềm của hai gia đình lâu nay khổ sở vì phải sống chung với người hay suy diễn - tật xấu khó bỏ khiến cho mọi người xung quanh rất bí bách, thậm chí... sợ ở bên cạnh họ. Nhất là phụ nữ phần lớn không dám chia sẻ cùng ai chuyện nhà - khiến những vết thương lòng ngày càng loét ra, tổn thương, biến chị em trở thành tự ti, so sánh, ghen tị, trách móc, ghét bỏ chính mình. Và một ngày nào đó có cơ hội được nói hết ra thì trái tim như vỡ vụn.

Tật suy diễn ít nhiều ai cũng có, nhưng đừng để nó tự do phát triển để không trở thành người suy diễn, hành hạ người thân và xung quanh mình. Muốn vậy, bạn hãy rèn cho mình thói quen là: Trước mỗi một sự việc xảy ra, hãy học cách nghĩ đơn giản, đừng cố "dán nhãn" và làm phức tạp hóa vấn đề lên khiến tâm mình lo nghĩ, bất an. Hãy buông bỏ lo âu để thảnh thơi vui sống, bởi cuộc đời ngắn ngủi lắm, nên thương yêu nhau khi con có thể. Cụ thể: 

1. Vợ/ chồng về muộn thì đừng nên nghĩ ngày rằng chồng đi nhậu (hay vợ chơi bời), hoặc đi với bồ... Bởi suy diễn như thế hàng giờ sẽ làm bạn ngày càng khó chịu, bực tức. Và nếu bạn cứ nghĩ như vậy thì lâu ngày tưởng như thật - do đã tự ám thị chính bạn.

2. Khi vợ/ chồng/ người thân quên quà dịp quan trọng thì hãy khoan suy diễn, buồn phiền, giận dỗi... Việc cần làm là chia sẻ, hỏi han xem do nguyên nhân gì, bởi đôi khi vì quá bận rộn, hoặc muốn mang cho bạn một bất ngờ nào đó chăng?

3. Đi làm về thấy vợ/ chồng ôm tivi, hay mê mải chơi game... hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng hỏi han nhau đã, bởi mọi chuyện không hẳn là vô tâm, bỏ bê gia đình như đang biểu hiện trước mắt bạn.

4. Vợ/ chồng mua thuốc bổ cho bố mẹ là vì đối phương muốn quan tâm, báo hiếu bố mẹ, nhưng có lý do nào đấy, hoặc quên mà chưa kịp nói với bạn. Vì vậy đừng suy diễn quá lên là "vợ/chồng đã không tôn trọng mình", hay "phân biệt bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ"...

"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", để có được một gia đình hạnh phúc, một tổ ấm đúng nghĩa để trở về sau những áp lực ngoài xã hội, thì vai trò của phụ nữ là rất quan trọng. Bên cạnh rèn thói quen không suy diễn, cần làm những việc sau để gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc:

Hãy vun đắp mối quan hệ vợ chồng, tôn điểm mạnh của nhau lên và thường xuyên dành thời gian chất lượng ở bên nhau trò chuyện, quan tâm tới nhau bằng sự chân thành, tâm ý thật sự muốn để vun đắp mối quan hệ vợ chồng.

Đừng kiểm soát nhau quá nhiều (qua điện thoại, mạng xã hội...), vì ai cũng cần sự riêng tư và làm những việc cá nhân. Đừng đẩy nhau vào cảm xúc ngột ngạt vì cuộc sống bị kiểm soát gắt gao.

Nuôi dưỡng tâm hồn giàu có bằng cách bổ sung kiến thức để có một tâm hồn đẹp, nói chuyện thông minh và hành xử khéo léo, giúp đối phương luôn thấy vui vẻ khi ở bên bạn. Vì vậy cần phải nuôi dưỡng và vun đắp cho phần tâm hồn của chính mình.

Đã là con người thì ai cũng có khuyết điểm, ai cũng từng phạm sai lầm. Nhưng nếu như người đó đã nhận ra lỗi lầm và muốn sửa chữa thì bạn hãy bao dung, tha thứ để tiếp tục cùng nhau kiến tạo một gia đình hạnh phúc.

Theo Gia đình & Xã hội

Chê vợ tẻ nhạt, chồng kiên quyết ly hôn để đến với tình mới

Chê vợ tẻ nhạt, chồng kiên quyết ly hôn để đến với tình mới

Trong sự nghiệp của mình, tôi không bao giờ thừa nhận thất bại, nhưng tôi không ngờ rằng mình lại thua trong cuộc sống gia đình và đây là điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.