Đọc bài tâm sự “Cháu 9 tuổi đến chơi 1 tháng, vợ yêu cầu phải đóng tiền ăn”, hàng trăm độc giả đã gửi bình luận thể hiện sự đồng cảm với người vợ và cho rằng, người chồng và gia đình chồng trong bài viết đã quá vô tâm.
Sức chịu đựng của con người là có giới hạn
“Đọc mà thương cô vợ quá, sức chịu đựng giỏi. Cuộc sống nợ nần, vất vả mà phải gồng gánh cả gia đình nhà chồng. Ai cũng có cuộc sống riêng phải lo toan, hai đứa con đã đủ vất vả, chị của anh thật vô tâm và không tự trọng. Anh thì ích kỷ chỉ nghĩ cho gia đình mình. Anh nên ly hôn để cô ấy tìm được người thực sự yêu cô ấy hơn nhé”, độc giả Thuy Nguyen viết.
Đồng tình với Thuy Nguyen, độc giả Phuongthao phân tích: “Người phụ nữ lập gia đình là để có hạnh phúc, không phải để chịu đựng, hầu hạ, phục vụ gia đình chồng mà gia đình đó không trân trọng gì cô ấy. Vợ bạn đang phải chịu 1 gánh nặng, một sự ức chế kinh khủng. Không có chồng đỡ đần, chợ búa, cân đối tiền bạc cho bao nhiêu con người, trong khi không dư dả gì.
Khi nào bạn làm tiền tiêu không cần nghĩ, cần gì có nấy thì mới nói vậy được. Cần giải tán ngay ai về nhà đấy, không có quyền làm khổ cô ấy nữa. Vụ cháu 9 tuổi như là chiếc áo làm khụy ngã con lừa trong truyện ngụ ngôn. Người già và trẻ nhỏ chế độ ăn uống đặc biệt, tốn gấp mấy lần người lớn đấy, không phải là nửa chén cơm và chút xì dầu mà no lòng rồi lớn đâu”.
Độc giả Việt Hà cũng cho rằng, vì người chồng và gia đình chồng trong bài viết đã vô tâm, trong khi cuộc sống quá khó khăn, mệt mỏi nên người vợ mới bị đẩy đến bước đường cùng, yêu cầu chị chồng phải đóng tiền ăn cho con.
“Tôi thấy buồn vì sự vô tâm của bạn, của anh chị bạn và sự thiếu cảm thông của mẹ bạn. Anh chị bạn khó khăn, thế các bạn nợ nần, con cái ai lo thay. Cuối tuần kéo đến ăn uống, ngủ lại. Bạn có nghĩ vợ mình cần nghỉ ngơi, đi làm cả tuần mệt cuối tuần phục vụ anh chị, anh chị vô tâm mặc vợ bạn dọn dẹp, không giúp. Lương chậm, cắt, bạn có nghĩ chi tiêu khó khăn? Cô ấy nên ly hôn người ích kỷ, vô tâm, gia trưởng như bạn chứ không phải bạn cho cơ hội. Bạn, anh chị và mẹ bạn nên xem lại cách sống trước đã. Tự tay phá hạnh phúc đừng đổ lỗi cho vợ. Cô ấy cũng bị dồn tới đường cùng mới phải bảo đóng tiền ăn. Nếu là tôi, tôi đưa cháu, anh chị tôi tới cho bạn phục vụ một tháng cho bạn tự kiểm điểm ý thức phát ngôn. Xong cho bạn chọn ly hôn hay thay đổi”.
Đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu vợ
Bên cạnh những ý kiến chê trách người chồng và gia đình chồng, nhiều độc giả khuyên người viết nên bình tĩnh, đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu vợ. Từ đó tìm ra cách xử lý để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Độc giả Hiền viết: “Bạn nên đặt mình vào vợ để bạn có thể hiểu hơn mọi chuyện, bạn chỉ có gánh nặng kiếm ra tiền, còn vợ bạn phải chịu gánh nặng kiếm ra tiền, gánh nặng tiêu tiền, gánh nặng nuôi con. Chị chỉ có 1 điều không đúng trong câu chuyện này là không bàn với bạn trước. Nhưng có thể chị đã nghĩ là, có bàn với bạn thì cũng bế tắc thôi vì bạn quá gia trưởng luôn cho mình là đúng và mọi sự sắp xếp phải theo ý bạn”.
Độc giả Thanh có phần gay gắt: “Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của vợ bạn để xem bạn sẽ xử lí thế nào? Vợ bạn đang lo nghĩ cho gia đình nhỏ của bạn trong khi bạn chỉ lo nghĩ cho gia đình lớn mà không hề nghĩ cho gia đình riêng. Bạn nên li hôn để lo cho gia đình lớn và đừng kết hôn nữa vì không người vợ hoặc chồng nào chấp nhận kiểu của bạn”.
“Anh thương gia đình anh, có lẽ anh không sai, nhưng anh có nghĩ cho chị chưa nhỉ, anh bảo chị quá ích kỷ, hơi phũ phàng đấy. Nếu anh lo được đầy đủ, mà chị còn hơn thua với gia đình anh thì hãy trách. Còn khi cả 2 còn phải còng lưng làm việc thì nên hiểu dùm cho nhau, khó khăn không chia sẻ, không hiểu nhau thì cưới làm gì”, độc giả Hồng Vân đặt câu hỏi.
Trước tình huống rắc rối khiến một cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ, nhiều độc giả đã góp ý để người chồng có thêm phương án xử lý sự việc sao cho êm thấm, giữ lại hạnh phúc gia đình thay vì nghĩ đến hai từ ‘Ly hôn”.
“Đọc bài viết của anh xong tôi thấy thương vợ anh đã giỏi nhẫn nhịn. Cô ấy mất đi quyền riêng tư ngay chính trong ngôi nhà của mình. Anh gia trưởng. Mẹ anh sao có thể vì thương chị anh mà không thương vợ anh. Cả nhà anh bao gồm mẹ, chị, và anh thật quá vô tâm. Tôi nghĩ chị ấy sẽ ly hôn với anh nếu tình trạng trên còn kéo dài. Tốt nhất, chị gái anh nên đón con về tự nuôi, anh có thể hỗ trợ chị mình”, độc giả Leanhthu viết.
Đồng tình với độc giả Leanhthu, Nguyễn Hà cũng cho rằng, người chồng nên xin nghỉ phép ít ngày, ở nhà phụ vợ đi chợ, nấu cơm, chăm sóc 2 con và 2 cháu để hiểu những điều vợ đã trải qua. Từ đó, nói chuyện lại với vợ, động viên vợ cố gắng. Khi con 2 tuổi thì xin phép mẹ rồi gửi con đi nhà trẻ. Lúc đó, chị chồng sẽ phải đón con về. Có như thế, hạnh phúc gia đình mới được bền lâu, hạnh phúc.
Cháu 9 tuổi đến chơi 1 tháng, vợ yêu cầu phải đóng tiền ăn
Sau 6 năm chung sống, trải qua chuyện này, tôi mới hiểu, vợ tôi hẹp hòi và ích kỷ đến mức nào. Bây giờ, tôi chỉ muốn ly hôn.
Linh Giang