Từ giữa tháng Chạp, Mai bắt đầu suốt ngày nài nỉ chồng: “Hay mình đi du lịch vào dịp tết, coi như đi nghỉ bù tuần trăng mật đi anh”.
Nói ngược nói xuôi, từ nài nỉ đến dỗi hờn chồng Mai đều không đồng ý: “Đây là năm đầu tiên em ăn tết nhà chồng, phải về quê chứ em?”.
Mai sinh ra và lớn lên ở thành phố còn chồng Mai xuất thân từ một miền quê nghèo tỉnh lẻ. Hai người vừa cưới nhau hồi tháng Mười, đúng vào dịp gần cuối năm, công việc nhiều nên chưa thu xếp được thời gian để đi nghỉ tuần trăng mật. Chồng Mai nói, anh sẽ đưa cô đi nghỉ bù, nhưng vào dịp tết thì nhất định là phải về nhà.
Thực ra Mai không thiết tha chuyện đi du lịch, chỉ là cô có chút e ngại khi phải về quê chồng vào dịp tết, dù là tết đầu tiên.
Mai là con một, từ nhỏ đã được bố mẹ nuông chiều, chỉ biết ăn, biết học và chơi. Cô chưa từng phải lo lắng chuyện bạc tiền, cũng không giỏi việc tề gia nội trợ. Mẹ Mai thường bảo “làm thân con gái chỉ sướng khi ở với mẹ cha”, vậy nên bà không cho Mai đụng tay làm việc gì.
Hôm cưới ở quê, Mai đã rất khó khăn khi phải nhớ tên nhớ mặt từng người. Trời ạ, họ hàng anh em gì mà đông, gặp ai cũng giới thiệu anh em, gặp ai cũng họ hàng thân thích. Mà người ở quê thì hay trách móc, họ câu nệ lễ nghĩa chứ không phóng khoáng như người thành phố. Quên một câu chào, nói một câu sai cũng bị bắt bẻ, đặc biệt là dâu mới.
Thứ nữa, Mai sợ mẹ chồng. Mẹ chồng cô qua lời kể của chồng là người phụ nữ yêu chồng thương con, đảm đang nhưng cũng nghiêm khắc vô cùng. Nhìn chồng cô cũng đủ biết anh đã được bà nuôi dạy vô cùng tử tế. Chính vì thế nên Mai càng sợ khi thấy mình quá khờ dại và vụng về.
Từ nhỏ đến lớn, mỗi khi tết đến xuân về là Mai lại chuẩn bị váy áo đi chơi, đi du xuân. Giờ đây phải đón tết ở một gia đình mới với vai trò nàng dâu khiến Mai có chút lo lắng và sợ hãi dù chồng cô hết lời động viên và giải tỏa tâm lý cho cô suốt những ngày qua.
Cuối cùng thì tết cũng về. Ngày hai vợ chồng lên đường về quê, mẹ cô dặn dò nhiều thứ. Mai có cảm giác như mẹ còn lo lắng hơn cả mình. Có lẽ mẹ Mai cũng xót cô con gái bà cưng như hoa như trứng năm đầu tiên làm dâu chắc sẽ nhiều khó khăn vất vả. Mẹ khóc và Mai cũng khóc.
Vừa về tới nhà, Mai đã được bố mẹ chồng đón bằng những lời hỏi han và một mâm cơm nóng hổi. Em gái chồng chạy ra kéo hộ va ly, còn mẹ chồng thì giục “hai đứa rửa mặt mũi chân tay mà vào ăn cơm kẻo đói”. Đây là lần thứ ba Mai về đây. Lần đầu tiên là lần về ra mắt, lần hai là ngày cưới, và lần này là về đón cái tết đầu tiên. Cảm giác xa lạ không còn nhưng cũng không quá thân thuộc.
Tết ở quê đúng là bận rộn chứ không nhẹ nhàng như ở phố. Ở phố, tết đến chỉ cần một ngày ra chợ, ra siêu thị là khuân cả cái tết về nhà, đủ hoa, đủ lễ, đủ giò chả, bánh chưng, kẹo mứt. Còn ở quê, cận tết vẫn là đi chợ từ sáng sớm để chọn những nguyên liệu ngon, là thịt, là đậu xanh để gói bánh gói giò.
Lần đầu tiên Mai biết bánh chưng gói bằng lá dong còn giò thì gói bằng lá chuối. Lần đầu tiên Mai trực tiếp được nhìn thấy quá trình một cái bánh chưng ra đời. Chồng Mai dạy vợ ngồi cắt lá dong để anh gói bánh.
Thi thoảng anh liếc nhìn vợ và bật cười vì vẻ cẩn thận đến chậm chạp của cô. Thỉnh thoảng nhà lại có khách, là các ông bà hàng xóm sang chơi hoặc hỏi mượn cái này cái nọ. Luôn tiện họ buông lời trêu chọc nàng dâu mới, lời lẽ suồng sã như đã quen biết từ lâu. Mai không biết nói gì, chỉ cười.
Bánh gói xong, mẹ chồng bỏ vào chiếc nồi nước lã thật to ngâm đến tối rồi bắt đầu đặt lên bếp củi. Đó là một buổi tối đầy ấm áp vui vầy khi mọi người ngồi bên nhau, bố chồng Mai kể về những ngày xa xưa thiếu thốn, mẹ chồng nhắc lại chuyện có tết chồng Mai cháy hết tóc vì vừa canh bếp lửa vừa lúi húi nướng hành. Cô em chồng ngồi cạnh chị dâu, thi thoảng lại vuốt vuốt mái tóc xoăn của chị rồi cười hóm hỉnh.
Mai từng nghĩ, lần đầu tiên ăn tết xa nhà chắc sẽ buồn và nhớ mẹ cha lắm. Nhưng sự bận rộn ấm áp ở gia đình chồng đem lại cho cô cảm xúc thật khó tả. Tối ba mươi, mẹ chồng bắt đầu nhào bột để làm bánh trôi. Bà bảo con dâu băm thịt băm hành để cuốn nem, không quên sai chồng cô làm thịt gà để cúng giao thừa.
Trong lúc ngồi cuốn nem, Mai nhớ đến những đêm giao thừa trước đây, năm nào Mai cũng cùng nhóm bạn thân đi xem bắn pháo hoa ở trung tâm thành phố, rồi đến chùa hái lộc, chơi đến tận sáng hôm sau mới về nhà. Về nhà rồi bạn gọi điện í ới lại đi, mấy ngày tết cứ vèo vèo trôi qua không giữ nổi.
Vậy mà năm này Mai đang ngồi ở một nơi xa, một gia đình mới, cẩn thận cuốn từng chiếc nem, tập làm vợ hiền dâu đảm. Mẹ chồng Mai sợ con dâu nhớ nhà, bà ngồi cùng rồi kể chuyện hồi bà đi làm dâu với một câu an ủi:
“Ngày xưa mẹ đi làm dâu khổ lắm, vậy nên mẹ hiểu tâm lý của các con bây giờ. Con cứ coi nhà chồng là nhà mình, bố mẹ chồng như bố mẹ mình. Cái gì không biết thì hỏi, không làm được thì thôi, không phải cố. Nhà mình cũng neo người, nhà bên thông gia cũng neo người. Các con ăn tết ở đây, qua mồng hai thì lên ăn tết với bố mẹ con. Nhà có mỗi cô con gái, chắc ông bà cũng nhớ lắm”.
Đó là lần đầu tiên Mai ngồi gần mẹ chồng đến thế, gần đến nỗi có thể nhìn thấy rõ những sợi tóc trắng lấp ló trong búi tóc đen ở trên đầu, nghe rõ nhịp thở của bà và cảm nhận rõ cả những yêu thương từ trong đó.
Đồng hồ đánh chuông báo giao thừa đã điểm, chồng Mai bê mâm cỗ đặt lên ban thờ. Bố chồng Mai đã đứng sẵn ở đó, với nén nhang trên tay thì thầm khấn vái. Tiếng nhạc chào mừng năm mới với ca khúc “Happy new year” quen thuộc từ nhà bên vọng sang.
Mùi hương trầm thơm dịu lan tỏa cả không gian gợi cảm giác vô cùng ấm cúng. Ngay sau đó là màn cụng bia chúc mừng năm mới của cả nhà. Bố chồng cô thường ngày kiệm lời nhưng nay niềm vui như hiện rõ trên khuôn mặt gầy của ông: “Nào, cả nhà mình cùng nhau chúc mừng năm mới, chúc mừng nhà mình có thêm thành viên mới”. Lúc đó, Mai cảm giác bia có vị ngọt chứ không đắng như nó vốn có.
Nơi góc sân, những chiếc đèn màu nhấp nháy trên cành đào khiến không gian thêm chộn rộn. Mai và chồng ngồi ở hiên nhà, cảm nhận không khí lạnh lúc trời đất giao hòa. Rồi anh hỏi “Em có nhớ nhà không?”. Mai tựa đầu lên vai anh, tay siết chặt tay:“Đây cũng là nhà của em mà”.
Chính Mai cũng không nghĩ tết đầu tiên ở nhà chồng lại nhẹ nhàng đến thế. Rõ ràng đón tết ở quê rất vui, rất ấm áp, đúng nghĩa là tết sum vầy, tết đoàn viên.
Chắc anh nghĩ Mai cố giấu nỗi buồn liền vội vẽ kế hoạch cho tết năm sau: “Năm sau vợ chồng mình sẽ đón giao thừa ở nhà ngoại rồi sau đó về nội ăn tết nhé”. Mai lắc đầu: “Không được, mình quanh năm ở thành phố rồi, em cũng được ở gần bố mẹ mình nhiều rồi. Cả năm được làm con gái, tết đến phải làm con dâu chứ. Vả lại về quê ấm áp vui vẻ như này, không về tiếc lắm”. Mai cảm nhận rõ nhịp tim của chồng mình đang hân hoan nhảy múa khi anh vòng tay kéo sát Mai vào gần mình. Lời anh thì thầm, rất nhỏ: “Em biết không, em chính là mùa xuân của anh”.
Theo Dân trí