“Tiếng lành đồn xa”, không ít bà mẹ đã rỉ tai nhau câu chuyện nếu không có sữa cho con bú thì có thể đi làm lễ tại một ngôi miếu cổ rồi lấy nước dưới một chiếc giếng gần đó mang về uống là sữa sẽ “về”.

Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng rõ ràng đây là thông tin được nhiều bà mẹ có con nhỏ thấy hữu ích. Thế nhưng sự việc có thật sự đúng như vậy?

Mất sữa về giếng Đường Lâm

Để tìm hiểu sự việc này, chúng tôi đã có mặt tại “giếng sữa”, thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Trên thực tế, chiếc “giếng thần” này cũng không khác gì những chiếc giếng cổ ở những vùng quê khác, đó là một giếng nhỏ và nông được xây bằng đá ong, loại đá cổ nổi tiếng ở xứ Đoài.

Giếng nằm trên vùng được tương truyền trước đây là đất của vua Ngô Quyền. Bên cạnh giếng là một ngôi miếu nhỏ rất thiêng thờ “mẹ sữa”.

{keywords}

Nước bên trong “giếng sữa” lúc nào cũng trong vắt.

Chị Thoa, một người dân thôn Cam Lâm cho biết, ở đây chúng tôi gọi chiếc giếng này là “giếng sữa” hay “giếng sữa Chuông Sa”. Dù khẩu giếng nhỏ nhưng không bao giờ cạn nước, và đặc biệt nước trong giếng luôn trong vắt, có vị ngọt mát lành hết sức đặc biệt.

Lòng giếng có những sợi rễ cây đâm ngang rũ xuống trắng phau như những sợi vải. Giếng nằm bên cạnh một sườn đồi và một ngôi miếu cổ.

Khi tìm hiểu về gốc tích của chiếc giếng cổ này, cụ Thân đã ngoài 70 tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn, cho biết: “Không biết từ bao đời nay, các cô đang có con nhỏ trong giai đoạn còn bú mẹ, nếu chẳng may bị tắc sữa hay ít sữa, thậm chí không có sữa, thì đều tìm về đây.

Các cô thành kính dâng vào miếu một mâm lễ vật nhỏ gồm hoa quả, bánh trái và một ít tiền lẻ, rồi chắp tay xưng rõ họ tên quê quán, tên mẹ, tên con cùng lời cầu nguyện được thần ban cho dòng sữa ngọt lành.

Khấn xong, mọi lễ vật phải để lại chứ không được mang về. Sau khi xin âm dương, được phép thì thiếu phụ sẽ đến bên giếng này múc nước bằng cái gáo dừa uống mấy ngụm. Rồi các cô sẽ lấy một chum nước mang về dùng để nấu cơm hoặc đun lên làm nước uống”.

Cụ Thân cũng chia sẻ thêm, để có được điều linh ứng đó người đi lễ cần có vận may, bởi khi họ ra về nếu có lũ trẻ đến miếu chia nhau vật lễ tạ thì chắc chắn lời xin sữa sẽ linh nghiệm. Có lẽ cũng vì thế mà hàng ngày có không ít trẻ nhỏ tập trung quanh chiếc “giếng sữa” này, thậm chí có nhiều người lễ tạ từ phương xa đã bỏ tiền ra thuê đám trẻ này để chúng chia nhau những vật lễ tạ khi họ mang nước giếng ra về.

Không ít người dân tại Đường Lâm khẳng định đây là chuyện có thật và việc nhiều người thập phương tới đây để “xin” sữa đã chứng minh cho điều đó.

Chị Thành, quê ở tỉnh Thái Nguyên sau khi nghe lời mách của người thân đã quyết định tới đây để thử vận may và quả thật sau lần xin sữa tại “giếng sữa”, đứa con của chị đã được hưởng những dòng sữa mẹ ngọt ngào. “Làm lễ khấn vái ở miếu rồi uống nước dưới giếng có thể giúp người phụ nữ căng đầy bầu sữa để nuôi con, tránh được việc khan, thiếu hoặc mất sữa sau khi sinh...”, chị Thành tâm sự.

{keywords}

Ngôi đền gần “giếng sữa” là nơi để những người tới đây xin sữa lễ tạ.

Theo những người dân địa phương thì hàng ngày, có không ít bà mẹ đến “xin” sữa cho con. Họ là những người trong vùng và lân cận, thậm chí còn có người ở các tỉnh xa nhưng nhiều nhất vẫn là ở Hà Nội. Trên đường vào “giếng sữa” phải đi qua đền thờ Phùng Hưng và đền thờ vua Ngô Quyền. Người dân Đường Lâm cho rằng, chiếc giếng và ngôi miếu nhỏ rất linh thiêng.

Cần lời lý giải

Chị Loan, ở Láng Hạ, Hà Nội, sau khi sinh con không có sữa đã đến đây “xin” sữa cho biết: “Tôi sinh con được 7 tháng nhưng tắc sữa 3 tháng nay, không có tí sữa nào. Khi cháu bú, ngực không có sữa thì cháu đẩy ra và khóc. Lúc đó nhìn con khóc, mẹ cũng chỉ biết khóc. Nhờ mọi người mách bảo, tôi đã đến xin nước giếng mẹ ở Đường Lâm. Và kỳ lạ đến ngày hôm sau tôi thấy bầu sữa ở ngực đã căng, cho con bú thì cháu bú được”.

Cũng giống như trường hợp của chị Loan, vợ chồng anh Thành, ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, ai mách cho phương thức nào để “thông sữa” cũng đều thử qua nhưng không thành công, buồn vì vợ không có sữa, thương con vì đã 3 tháng sau sinh không hề được hưởng một giọt sữa ngọt ngào của mẹ.

Thế rồi nghe lời bạn bè mách thử về Đường Lâm xin sữa, ban đầu anh Thành không tin việc uống nước giếng là sữa có thể về, thế nhưng vợ nài nỉ thử một lần xem sao, nếu không được thì coi như cái số của con không được biết mùi sữa mẹ. Vậy là anh Thành đưa vợ về Đường Lâm để xin nước “giếng sữa”, quả thật chỉ 2 ngày sau khi uống nước ở giếng sữa, vợ anh Thành đã có sữa cho con bú. Hàng tháng cứ vào ngày rằm là anh Thành lại cùng với vợ về “giếng sữa” để tạ ơn.

{keywords}

Giếng thần nơi được cho là có khả năng giúp những phụ nữ mới sinh nhanh chóng có sữa.

Có lẽ những câu chuyện như của vợ chồng anh Thành, chị Loan,… không phải hiếm gặp nếu như ai từng một lần ghé qua “giếng sữa” Đường Lâm. Cứ thế ngày càng nhiều hơn những câu chuyện đồn thổi của người dân về “giếng sữa” có thể chữa được bệnh mất sữa của sản phụ.

Dù những lời đồn về “giếng sữa” ngày càng nhiều, nhưng không ai có thể lý giải được tại sao nước trong “giếng sữa” không bao giờ cạn, luôn trong vắt và có tác dụng “gọi” sữa về cho những người mẹ không có sữa. Theo những người dân địa phương, vào năm 1965 đã có một đoàn các nhà khoa học về đây để nghiên cứu hiện tượng lạ này nhưng sau đó thì không thấy có thêm thông tin gì nữa.

Nhận định về những sự lạ này, nhà phong thủy Nguyễn Thế Thụ cho rằng, trong tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều huyền bí, đặc biệt là những chuyện bắt nguồn từ lòng đất. “Trên thực tế chuyện những giếng nước không bao giờ cạn không phải là hiếm. Tôi từng gặp và biết rất nhiều giếng nằm trên triền đồi cao nhưng nước vẫn luôn cao tương đương thành giếng”.

Đồng quan điểm trên, nhà ngoại cảm Nguyễn Thành Hưng, ở TP Yên Bái người không ít lần về “giếng sữa” Đường Lâm cho rằng, cái gì được tạo ra và tồn tại đến ngày nay đều có lý do riêng mà đôi khi con người chưa thể lý giải được. Có thể chiếc giếng cổ này nằm đúng long mạch của vùng nên quanh năm lúc nào cũng có nước. Bởi lý giải theo cách hiểu thì mạch nước cũng như mạch máu trong cơ thể con người, vì thế khi một chỗ nào bị mất máu, máu ở các chỗ khác sẽ truyền đến lấp đầy và mạch nước ở “giếng sữa” cũng vậy.

Trên thực tế cũng có không ít trường hợp về “giếng sữa” Đường Lâm đã “xin” sữa không thành công. Chị Thủy, ở Láng Hạ, Hà Nội người cũng từng tới Đường Lâm “xin” sữa khẳng định: “Tôi cũng đã từng tới “giếng sữa” để xin sữa nhưng sữa vẫn không thấy “về”, ở cơ quan tôi có 4 chị khác cũng tới đây để xin sữa nhưng cũng chỉ có 1 người đạt được nguyện vọng”.

Theo ông Thụ thì chuyện uống nước ở “giếng sữa” vào là có sữa, phụ thuộc vào tâm lý, ý muốn chủ quan của người dân. Có thể nước trong “giếng sữa” chứa một số thành phần có tác dụng hỗ trợ cho việc sản sinh sữa ở những người phụ nữ mới sinh, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Giả thuyết nước trong “giếng sữa” là nguồn nước từ long mạch thì việc nước giếng tốt cho sức khỏe con người là điều có thể hiểu được. “Việc người dân thể hiện sự tín ngưỡng tại “giếng sữa” là điều không xấu, nhưng việc làm này cần thể hiện tín ngưỡng tâm linh có văn hóa, không nên biến điều này trở thành sự mê tín mù quáng, bởi không phải trường hợp nào đến đây xin sữa cũng được”, nhà phong thủy Nguyễn Thế Thủy cho biết.

(Theo Pháp luật xã hội)