- Những bản hợp đồng chi hàng trăm triệu mua tác quyền thơ, nhạc giải quyết chuyện bên lề hay báo hiệu môi trường kinh doanh văn hóa đang lành mạnh hơn?

NGƯỜI QUAN SÁT

Phim Tết 2013: "Cỗ" ê hề nhưng coi chừng vẫn đói
Cảm ơn… scandal
“Khó đỡ” các giải thưởng nhạc Việt
Quản lý văn hóa chạy đua với scandal

100 triệu đồng là số tiền mà một doanh nghiệp từng bỏ ra mua tác quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan. Câu chuyện từng khiến người ta ngạc nhiên cách nay 9 năm chưa dừng lại đó, khi cũng chính doanh nghiệp này chi tiếp 100 triệu đồng mua 10 nốt nhạc đầu tiên trong bản “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy vào hai năm sau đó.

Bản quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” được bán với giá 300 triệu đồng

Trong tuần này, người ta sẽ lại chứng kiến một câu chuyện như vậy. Một doanh nghiệp khác bỏ số tiền lên tới 300 triệu cho tác quyền bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” của nhà thơ – nhà báo Trần Đình Chính, từng được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.

Ba sự kiện diễn ra trong chừng chục năm nhưng được truyền thông đặt cạnh nhau, cái mới gợi liên hệ với cái cũ, dễ khiến người ta có ảo giác về một ngành công nghiệp giải trí mà các giá trị sáng tạo hoàn toàn được trân trọng và ứng xử đúng mực. Nhưng dường như sự ngạc nhiên của công chúng đang mách bảo với chúng ta điều ngược lại. Bởi nếu sự tử tế đã thành thói quen, nó đã chẳng gây ngạc nhiên đến vậy.

Tính bất thường của các hợp đồng bản quyền nói trên có lẽ nằm trước hết ở số tiền rất lớn mà doanh nghiệp bỏ ra để mua một món hàng, mà ngay chính họ cũng mơ hồ về khả năng khai thác thương mại.

Tuy nhiên, nói chuyện động cơ kinh tế và đong đếm tiền bạc ở những trường hợp này dường như là không phải đạo, thậm chí có phần xúc phạm, bởi gương mặt đạo đức của bản hợp đồng đã toát lên qua các chi tiết bên lề được công bố.

Chúng là số tiền cần thiết và đúng lúc giúp người nghệ sĩ sáng tạo trong cảnh tuổi già neo đơn hoặc bệnh tật. Số tiền ấy còn như một lời tỏ lòng kính trọng của người mua đối với tác phẩm sáng tạo đã vượt qua thử thách của thời gian và chinh phục nhiều thế hệ người Việt.

Thiện tâm ấy khiến chúng ta cảm thấy thật đáng quý và hết sức trân trọng, nhưng đồng thời cũng đem lại băn khoăn: Cớ gì, vì để tránh cảm giác thương hại, gây tổn thương đến người được nhận và những người yêu quý tác phẩm, mà các hành động thiện tâm phải “núp bóng” dưới một hợp đồng kinh tế?

Và bởi chúng đã diễn ra dưới hình thức một thương vụ bản quyền, người ta có quyền hoài nghi về động cơ của người mua. Mà cụ thể ở đây là bài toán xây dựng và quảng bá hình ảnh tốt đẹp cho thương hiệu. Nhất là khi hành động này xảy ra trong một lĩnh vực mà tình trạng vi phạm bản quyền khá phổ biến, dễ bùng nổ thành các vụ kiện cáo ồn ào như người ta đã thấy gần đây.

Trong rất nhiều vụ kiện cáo tác quyền bài phối karaoke, thật khó nói họ là tác nhân, nạn nhân hay là cả hai? Chưa kể, chuyện mua bán xảy ra đột ngột, nhằm vào những cái tên tác phẩm, tác giả rất nổi tiếng.

Những thương vụ bản quyền trăm triệu nói trên có lẽ đã hoàn thành những nhiệm vụ không được ghi trên hợp đồng của nó. Điều còn lại khiến người ta tự hỏi nó có giúp ích được gì cho môi trường sáng tạo ở VN hay không, dù chỉ như một hành động cổ vũ?

Thật khó có câu trả lời xác đáng. Nhưng rõ ràng, chẳng vì dăm ba hành động không chính danh như thế này mà sáng tạo văn thơ, âm nhạc bớt rẻ rúng hơn, người nghệ sĩ được trân trọng hơn, và ngành công nghiệp sáng tạo được vận hành với một chuẩn mực cao hơn, văn minh hơn.

Minh Chánh

Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ minhchanh.dang@vietnamnet.vn