Bình Tinh diễn trích đoạn "Xử án Phi Giao"
Đến nhà Bình Tinh trong khu dân cư bên hông cầu Ông Lãnh (TP.HCM), nghệ sĩ gây ấn tượng với trang phục trẻ trung, tóc nhuộm xanh khác hẳn hình ảnh áo dài tóc búi quen thuộc trên sân khấu.
Nữ nghệ sĩ sinh năm 1987 có nghệ danh độc, lạ nhưng sự thật đằng sau không có ý nghĩa đặc biệt nào. Bình Tinh kể, khi mẹ (soạn giả Bạch Mai) mang bầu vẫn đi diễn, lăn lộn trên sân khấu nên khi sinh cô ra bị lộn ngược đầu, thành ra khó nuôi. 1 tuổi, Bình Tinh được mẹ gửi vào chùa. Cô để tóc 3 chỏm, quét lá sân chùa, cuộc sống không khác gì bao chú tiểu khác.
“Vì tôi khó nuôi nên sư thầy đặt tên xấu là Bình Tinh cho ba mẹ dễ nuôi. Tướng tinh của tôi khác người, chân mày tướng, sinh ra cốt cách như con trai. Tôi lên sân khấu hát ai cũng tưởng bé trai. 6 tuổi, tôi được về nhà, gia nhập đoàn Đồng Ấu Bạch Long thì cái tên Bình Tinh chỉ có một trong khi các tên Thảo, Linh, Hoa, Trang… lúc nào cũng “đụng hàng”, cô tâm sự.
Đến tuổi đóng đào, Bình Tinh từng có ý định đổi tên thì số phận giữ lại cái tên này cho cô. Đó là sự kiện NSND Phùng Há từ Chùa nghệ sĩ đến nhà thờ Tổ nghệ sĩ (số 133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM) cúng cho nghệ danh Bình Tinh, xin Tổ trao lại duyên của mình cho cô. Với Bình Tinh, đó là điều thiêng liêng, phúc phần không gì bằng.
Những ngày không quên
Sự nghiệp của Bình Tinh bắt đầu từ năm lên 4 với các vai quần chúng chuyên trị cảnh ngã chết, kêu la. 6 tuổi, vào đoàn Đồng Ấu Bạch Long, cô chính thức có vai ca diễn là vị quân sĩ trong vở Cóc kiện trời. Hơn 10 tuổi, cô phải rời đoàn để quay lại trường hoàn thành việc học văn hóa. Tuy nhiên, đến đầu học kỳ 1 lớp 12, Bình Tinh vì mê hát nên nghỉ học theo nghề.
Sinh ra là con nhà nòi với ba là nghệ sĩ Đức Lợi, mẹ là nghệ sĩ/soạn giả Bạch Mai nhưng Bình Tinh lại không được học nghề từ ba mẹ. Cặp nghệ sĩ nổi tiếng dạy nên nhiều tên tuổi lớn như NSƯT Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm nhưng với con gái, họ theo cách nghĩ người xưa: để con vào nghề tự lăn lộn cho người khác dạy. Bình Tinh không được đào tạo bài bản, hầu như chỉ học lỏm, học mót. Hồi bé, cô học lỏm ba mẹ từ sau cánh gà; sau này vừa làm vừa học mỗi người một ít mà tu bổ nghề cho mình.
Bình Tinh khắc cốt ghi tâm cố NSND Phùng Há đã ban duyên cho mình; biết ơn ba mẹ cho cô hình hài, tố chất; và tôn kính người thầy duy nhất là nghệ sĩ Bạch Long. Cô nhấn mạnh, nếu không có thầy không có Bình Tinh hôm nay. Đến khi vào nghề, Bình Tinh có thêm hai người quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến mình là ba nuôi Vũ Linh và ba nuôi Kim Tử Long.
Năm 2005, biến cố đầu tiên xảy ra khi ba Bình Tinh là nghệ sĩ Đức Lợi qua đời trong một tai nạn xe. Ông bị hai người tông trúng trên đường đi hát ở quán ăn. Cố nghệ sĩ nằm bệnh viện 24 ngày, dù Bình Tinh ở bên chăm sóc nhưng ông vẫn bỏ cô ra đi.
“Ba mất khi tôi mới 20 tuổi chưa biết gì về cuộc đời. “Còn cha gót đỏ như son”… phải nói là tôi rất khổ và chông chênh giữa đời. Bây giờ, hễ nhìn thấy ai hát quán xá là tôi thương vì nhớ tới hoàn cảnh của ba”, Bình Tinh nghẹn ngào tâm sự.
10 năm sau, khi nỗi đau mất cha đã nguôi ngoai thì cô lại đối diện với mất mát tiếp khi anh Chinh Nhân của mình qua đời. ''Nỗi đau dồn dập, hai người đàn ông duy nhất trong đời biến mất, tôi trở thành đàn ông từ đó, thay mặt ba và anh gánh hết trách nhiệm” - Bình Tinh nhớ lại.
Bình Tinh thay anh quá cố nuôi cháu, từ 1 tháng tuổi đến bây giờ là 22 tuổi. Người cháu gọi cô bằng mẹ, ra đường ai cũng hỏi sao Bình Tinh còn trẻ mà con lớn quá. Cô gồng gánh gia đình nhưng không thấy mệt. Trái lại, Bình Tinh tự hào vì “mình có thể đói nhưng gia đình thì không bao giờ”. Mỗi lần muốn gục ngã, cô lại nghĩ đến người thân cần mình và đứng dậy bước tiếp.
Bình Tinh luôn khóc khi nhắc về ba và anh trai. |
Từ hát trong bóng tối đến 'công chúa sân khấu cải lương'
Bình Tinh nói đời cô rất gập ghềnh. Ba mẹ ly hôn khi mới mười mấy tuổi, nghệ sĩ đã thay ba mẹ gánh nợ. Gia đình kiệt quệ kinh tế, nghèo khó, Bình Tinh chấp nhận việc người đời không coi trọng mình như một lẽ cố nhiên rồi tự vươn lên bằng sức mình.
Đó là một thời gian dài Bình Tinh gần như mất tích: không hát ở sân khấu lớn, không xuất hiện trên truyền hình, khán giả và báo chí quên lãng; ký ức về Bình Tinh chỉ còn là cô bé thần đồng cải lương năm nào chứ không ai biết cô hiện tại ra sao.
“Những biến cố của gia đình tưởng như nhấn chìm luôn cuộc sống và đam mê của mình. Năm tháng đó, tôi đi hát ở đình, miếu, hát đám ma đám cưới. Mình là con nhà nòi mà cứ lay lắt như hoa dại bên lề, sống không thấy ánh mặt trời. Tôi chưa bao giờ ngại nhắc mà còn trân trọng từng show hát đám ma, đám cưới. Chỉ là lắm khi, tôi xem tivi thấy bạn bè cùng trang lứa được hát trên sân khấu mà tủi thân”, Bình Tinh tâm sự.
Bình Tinh chưa bao giờ phải làm thêm nghề nào khác ngoài đi hát vì cô rất đắt show hát cúng đình. “Việt Nam có bao nhiêu mái đình, miếu, nếu đã từng mời nghệ sĩ hát không nơi nào Bình Tinh chưa từng tới. Cát-xê tôi kiếm được đủ nuôi mẹ, nuôi em”, cô hãnh diện. Đó cũng là động lực để cô nuôi ý chí, chờ đợi một cơ hội.
Quả nhiên, năm 2015, cuộc thi Sao nối ngôi xuất hiện, Bình Tinh tự nhủ: “Đây là cơ hội duy nhất trong đời. Hoặc bước ra ánh sáng mặt trời, hoặc mãi mãi im lặng, vô hình như vậy”. Cô tham gia sân chơi này với lo lắng so với mọi người thua thiệt về thân thế, tài chính.
“Tôi chỉ thi bằng thực lực và “máu” nghề. Tôi bung hết nội lực bị dồn nén quá lâu rồi. Từ trong bóng tối, tôi bước ra diện kiến khán giả như một con người mới xuất hiện. Khi đã bước lên sân khấu, tôi sống chết với nghề, bất kể xung quanh là ai hay có gì xảy ra. Tôi thi không chỉ cho mình mà còn cho gia đình, dòng họ và những vị ân nhân của mình”, nghệ sĩ cho hay.
Rồi Bình Tinh chiến thắng chung cuộc Sao nối ngôi năm đó. Cô thừa nhận ngoài thực lực, có thêm không ít may mắn, cơ duyên. Thi xong vòng 2, Bình Tinh được một khán giả tặng một chiếc xe ô tô nhưng dùng không bao lâu đã bán chiếc xe để lấy tiền thi tiếp. Đúng ngày Bình Tinh thi tập 8, vị khách tới tận trường quay đưa đủ 450 triệu đồng để lấy xe. Cô liền cầm tiền vào hậu trường trả “nóng” cho vũ đoàn tại chỗ.
Cuộc đời sang trang mới, Bình Tinh có tất cả những thứ cô mong muốn bấy lâu. Nghệ sĩ biết tên tuổi mình không bằng ai nhưng cô rất mãn nguyện, ra đường ai cũng nhận ra mình. Bình Tinh cũng thử sức với nhiều công việc mới như HLV gameshow, lấn sân kịch nói, quay sitcom,… Khi quay lại sân khấu hát cúng đình, cát-xê Bình Tinh từ vài triệu lên 20 – 30 triệu.
“Đúng là vị trí của tôi có khác xưa, cát-xê cũng cao hơn nhưng con người Bình Tinh thì không bao giờ thay đổi. Kiếm nhiều tiền hơn, tôi chia sẻ lại cho những cô chú nghèo, cát-xê thấp. Nhiều show, tôi vừa nhận tiền xong đưa lại ông bầu 2 – 3 triệu, chia cho các anh chị em hậu đài”, cô kể.
Nữ trưởng đoàn kiêm đào chính, đạo diễn và… bán vé
Hiện tại, Bình Tinh là trưởng đoàn tuồng cổ Huỳnh Long. Trong lịch sử bộ môn, chưa từng có trưởng đoàn nào kiêm đào chính, đạo diễn sân khấu và bán vé.
“Tôi là trưởng đoàn nhưng bên cạnh còn có anh Hoàng Đăng Khoa và Thái Vinh – đều là con nuôi của mẹ. Chúng tôi chia nhau quản lý các vấn đề nội ngoại. Đằng sau chúng tôi còn có mẹ, bà viết hầu hết kịch bản cho đoàn và tham gia đào tạo thế hệ mới. Đoàn Huỳnh Long giờ chỉ còn tôi nối nghiệp, không xông xáo thì ai sẽ làm?...
Đoàn chúng tôi đang hoạt động tốt, được khán giả yêu thích. Mỗi 1-2 tháng, chúng tôi cho ra một kịch bản rồi tôi cùng hai anh nuôi lại đi bán từng chiếc vé. Khán giả thích ai thì mua vé của người đó, vui nhất là hầu như tuồng nào cũng bán hết vé.
Tôi vực dậy đoàn Huỳnh Long, giữ đoàn cũng là giữ cải lương cho văn hóa Việt Nam. Cải lương bây giờ đang tiến triển tốt, khán giả trẻ mê cải lương rất nhiều. Chúng tôi cũng đang nuôi dưỡng tài năng nhí như bé Trọng Nhân, Bảo Ngọc để tương lai các em có thể nối gót anh chị đi trước làm nghề”, Bình Tinh trải lòng.
Gia đình nhỏ của Bình Tinh. |
Suốt mùa dịch Covid-19, không có show dù thèm hát nhưng Bình Tinh chưa bao giờ nản chí. Cô bảo tình yêu với cải lương đã ngấm vào máu và tự dặn lòng không bao giờ được bỏ cuộc. Phải luôn trau dồi và truyền đi những năng lượng tích cực cho bạn bè cùng làm nghề. Bởi cải lương dù không được săn đón như nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhưng nó là cốt cách, là văn hoá, là giá trị mà bao đời nay được truyền lại qua các thế hệ.
Không chỉ là một nghệ sĩ cải lương tài năng, yêu nghề, Bình Tinh và ca sĩ Nhật Minh có với nhau một con gái là bé Bella. Hỏi Bình Tinh có muốn con nối nghiệp mình sau này? Cô cười bảo: ''Bella dù còn nhỏ nhưng đã bộc lộ năng khiếu. Bé học tuồng nhanh và lên sân khấu cũng rất dạn dĩ dù mới 5 tuổi. Tuồng Ngũ biến báo phu cừu, bé đóng vai con gái công chúa Cao Loan Anh – đúng vai của tôi ngày xưa diễn với Thanh Thanh Tâm”.
Bình Tinh bảo mẹ cô - soạn giả Bạch Mai năm nay 73 tuổi. Bà ở riêng, sống an nhàn, ngày ngày viết kịch bản.
Hiện tại, Bình Tinh đã khẳng định vị trí của mình trong mảng cải lương Hồ Quảng. Cô cố gắng giữ đoàn Huỳnh Long chứ không dám mơ xa chuyện sở hữu rạp hát riêng.
“Tôi sống với nghề thì sẽ chết với nghề. Tôi tôn thờ chỉ một Tổ, một nghề và nếu được tham, tôi xin kiếp sau vẫn được làm nghệ sĩ, mà nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng, tôi mới chịu!”, Bình Tinh nói.
Bình Tinh trong trích đoạn "Tích Phật chuẩn đề"
Gia Bảo
Con nuôi Kim Tử Long: Từ hát đám ma, đám cưới đến nổi tiếng được tặng xe hơi
- Bình Tinh cho biết, dù giờ là ngôi sao nhưng cô về nhà vẫn sống giản dị như bình thường. Với người chồng đã đi cùng cô trong gian khó, nữ nghệ sĩ cải lương luôn dành sự trân trọng nhất cho anh.