Lời tòa soạn: Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra ngày 24/11 có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình mới của cả dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Với tư cách là hệ giá trị định hướng điều chỉnh nhận thức tư duy, hành vi của mỗi cá nhân cả cộng đồng và xã hội, văn hóa có sức mạnh to lớn - nuôi dưỡng tư tưởng đạo đức và nhân cách con người. Là bộ phận cấu thành đặc sắc của văn hóa, văn học nghệ thuật phải gắn bó mật thiết với đời sống, đấu tranh quyết liệt giữa cũ và mới, giữa cách mạng và phản cách mạng; giữa tích cực và tiêu cực.

VietNamNet giới thiệu loạt bài phỏng vấn những chính khách, nhà nghiên cứu văn hoá về kỳ vọng của họ để thông điệp từ Hội nghị này sẽ trở thành động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Dự kiến ngày 24/11 tới, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành. Nhiều người kỳ vọng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về văn hoá. Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có những chia sẻ trước thềm Hội nghị.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Hội nghị có tính chất lịch sử

- Tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc trong bối cảnh như hiện nay có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

2021 là năm đất nước chúng ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước 10 năm mà Nghị quyết Đảng đã xác định.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã hoạch định đường lối phát triển của đất nước đến năm 2030 nhân 100 năm ngày thành lập Đảng, đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước và đặt ra một mục tiêu đất nước ta đến thời điểm đó phải là một đất nước công nghiệp phát triển.

Ngoài ý nghĩa là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đảng, chúng ta cũng nhìn thấy tình hình trong nước và thế giới có những thuận lợi và thách thức ra sao. Đất nước ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19 lan rộng, nhất là từ tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã gây ra những thiệt hại rất lớn trong đó có nền văn hóa thể thao và du lịch. Nhưng được sự lãnh đạo của Đảng cùng với sự đồng lòng đồng sức của nhân dân, đến thời điểm này chúng ta cũng đã từng bước kiểm soát dịch bệnh để đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, kiểm soát linh hoạt hiệu quả.

Thêm nữa, trong quá trình triển khai Nghị quyết phải gắn liền với các sự kiện quan trọng của đất nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Ngày hội văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Theo đó, chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc mà mục tiêu quan trọng nhất của nó là triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của tất cả các tổ chức Đảng dưới sự điều hành lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Vì vậy, hội nghị này có tính chất lịch sử. 

- Hội nghị sẽ bàn tới những mục tiêu gì thưa Bộ trưởng?

Trọng tâm xuyên suốt của sự kiện này là chúng ta dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa. Ngoài việc hệ thống, dẫn luận quan điểm tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa dựa trên đường lối của Đảng ta và đặc biệt là tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lê-Nin về văn hóa, về tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là kim chỉ nam.

Chúng ta nhìn lại sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về lĩnh vực văn hóa xem đã đạt được những thành tựu, khó khăn và yếu kém gì để rút ra được những nguyên nhân bài học kinh nghiệm. Theo chúng tôi, khi chúng ta có một nhận thức đúng sẽ có một hành động đẹp.

Từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm đường lối của Đảng, nhìn lại thực tiễn qua 35 năm thực hiện đổi mới của Đảng ta, dưới góc độ văn hóa, yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới là gì. Trên một trục xuyên suốt là phải phát triển văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Đó chính là yêu cầu cũng như nội dung của Hội nghị.

- Chiến lược văn hoá trong những năm tới của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là gì thưa ông?

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nhận thức, quan điểm của Đảng về văn hóa và việc kế thừa những kết quả đã đạt được. Chúng tôi không có tham vọng vượt ra ngoài mà chỉ cố gắng tìm kiếm, tháo gỡ những vấn đề khó khăn để đưa chiến lược vào hoạt động.

Đầu tiên là nâng cao nhận thức một cách đầy đủ nhất về các quan điểm của Đảng để tuyên truyền, xây dựng, phát triển văn hóa.

Thứ hai, thay vì chúng ta làm văn hóa thì chuyển sang quản lý Nhà nước về văn hóa bằng việc hoàn thiện về thể chế, chính sách và công cụ.

Nền văn hóa phải rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm mà đã thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng để xem ở lĩnh vực nào chúng ta đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện. Chúng ta phải phát hiện những điểm nghẽn trong đó để xây dựng những quy định, rộng hơn là các luật, nghị định, thông tư… Xây dựng luật không phải chỉ là công cụ quản lý mà tạo ra động lực phát triển.

Thứ ba là xây dựng môi trường văn hóa để tạo ra động lực phát triển cho đất nước nhưng phải có điểm nhấn.

Thứ tư là nâng cao chất lượng hoạt động hiệu quả của văn hóa. Trong lĩnh vực hoạt động bao gồm văn học nghệ thuật với tư cách bồi dưỡng, xây dựng những giá trị chân thiện mỹ để hướng con người đi theo một quy luật riêng. Phải tôn tạo, giữ gìn, phát huy bản sắc riêng của dân tộc, của cộng đồng 54 dân tộc anh em, phong phú đa dạng nhưng trong một chỉnh thể thống nhất. Phải nâng cao chất lượng của đoàn nghệ thuật, trung tâm lớn nghệ thuật quốc gia. Suy rộng ra, có những vấn đề nghệ thuật mang tính hàn lâm phải được phổ biến nhưng cũng chú ý đến văn hóa quần chúng. Đó là các phong trào để bổ sung, làm phong phú thêm cho văn hóa và hoạt động nghệ thuật.

Nhiệm vụ tiếp theo là tôn tạo những di sản văn hóa Việt Nam. Đó là những là báu vật quốc gia, do thiên nhiên đã kiến tạo. Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa vùng miền có tính đặc trưng, hun đúc truyền thống ngàn năm của dân tộc chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy. 

Lâu nay có biểu hiện trong nhận thức, đó là văn hóa chỉ là văn nghệ hay văn hóa là nghệ thuật. Điều này đúng nhưng không đủ. Vì vậy chúng tôi cần phải tập trung cho các nhóm ngành văn hóa. Tất nhiên lĩnh vực này chưa đạt được. Nhưng yêu cầu cho chiến lược đặt ra là, sắp tới khi chúng tôi triển khai phải đạt 7% GDP. Nhìn ra các quốc gia, họ đang phát triển văn hóa, Hàn Quốc, Nhật Bản là những điển hình và chúng ta cũng có điều kiện để làm.

Tiếp theo, chúng ta phải hội nhập, tăng cường giao lưu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài mà lâu nay đã làm. Đó là các tuần văn hóa, ngày văn hóa nhưng trong quan điểm hội nhập. Chúng tôi nhấn mạnh nhiều hơn những kiều bào Việt Nam, chính họ mới là chủ thể và thông qua con người Việt Nam cụ thể ở đó. Đồng thời cũng phải biết tiếp thu, chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại. Quan điểm của Đảng nói rất rõ là xây dựng con người sáng tạo, đủ kỹ năng để hội nhập quốc tế và hội nhập nhưng không hòa tan.

Một điểm tiếp theo là tạo nguồn nhân lực. Để làm văn hóa phải có đội ngũ, bao gồm người quản lý văn hóa, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… Xét lại đội ngũ cơ cấu chúng ta chưa hoàn thiện, tất nhiên không chỉ văn hóa mà tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực xây dựng, nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung thực hành tốt công việc, trong đó có yêu cầu với cán bộ giảng dạy trên tinh thần tự soi, tự xử và trên tinh thần đi đầu, thực hiện chủ trương nêu gương của Đảng và Nhà nước.

Phải được đầu tư, tìm kiếm các nguồn lực từ Nhà nước, xã hội hóa, làm sao để huy động sức mạnh của toàn xã hội trong vấn đề bảo toàn văn hóa.

Xác lập hệ sinh thái văn hoá

- Chúng ta có thể kỳ vọng gì từ hội nghị này, thưa Bộ trưởng?

Mong muốn sau Hội nghị, chúng ta phải nhận thức đúng hướng, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm đường lối của Đảng vì chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống, nâng tầm nhận thức của cán bộ Đảng viên mới có điều kiện để thực hiện văn hóa đúng đường lối quan điểm của Đảng, không đi chệch hướng và phát huy được đầy đủ nội hàm, xây dựng nền văn hóa chúng ta đang hướng đến. Đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Chúng ta cần chủ động để khắc phục tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trính diễn biến văn hóa. Sau Hội nghị, chúng ta phải xác lập xây dựng hệ sinh thái văn hóa, bao trùm xuyên suốt, xây dựng môi trường văn hóa. Vì vậy, chúng ta phải tiếp cận chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực, ưu tiên trong vấn đề văn hóa doanh nghiệp, nhân dân.

Khi chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta coi doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vậy phải xây dựng môi trường này như thế nào để đảm bảo văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa? Văn hóa phải bắt đầu từ cơ sở, chúng ta phải phát huy và giữ gìn, phải trở lại để làm chất hơn việc xây dựng văn hóa từ các khu dân cư, đô thị để đó trở thành một môi trường văn hóa, để chúng ta sống trong nó.

Sau hội nghị, chúng ta phải thực hiện triển khai giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết của Đảng đề ra đó là con người yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước và sáng tạo. Nhưng không thể xây dựng con người theo hướng chỉ có một số giải pháp đặt con người trong tổng thể vừa là nhân vật trung tâm, vừa là chủ thể xây dựng văn hóa và ngược lại. Văn hóa hình thành nên những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, con người của thời đại hội nhập, con người giữ được những bản sắc văn hóa. Đó chính là những điểm chúng ta đang kỳ vọng ở Hội nghị này. 

Tình Lê (ghi)

Bài 2: 'Giới trẻ cần trang bị bản lĩnh, sức đề kháng văn hóa tốt'