Trích đoạn vở “Tiền là số 1?”:
Sau thời gian dài im ắng, sân khấu kịch 5B trở lại với không khí náo nhiệt, rộn ràng của những tác phẩm mới. NSƯT Mỹ Uyên, tên tuổi của ‘bà trùm’ gắn liền với sân khấu 5B, bận đến không kịp thở. Thật khó tin người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn này đã tham gia hầu hết những khâu tập, dựng đến tổ chức công diễn. Cô cùng cả ekip đã làm ráo riết mọi thứ để các vở mới kịp ra mắt đúng ngày ấn định.
Mỹ Uyên – linh hồn của sân khấu 5B
“Tiền là số 1?” là tác phẩm mới của đạo diễn Công Danh, kể về đôi trai gái Phèn (Hoàng Ngọc Sơn) và Lúa (Mỹ Uyên). Cả hai yêu nhau, lấy nhau, từ quê ở Sa Đéc lên Sài Gòn lập nghiệp, cái đói nghèo vẫn đeo bám họ. Phèn đi hát rong còn Lúa bán vé số. Bước ngoặc xảy ra khi 5 tờ vé ế của Lúa trúng độc đắc, hai vợ chồng chính thức đổi đời. Phèn mua nhà mới, mở một khách sạn trên Đà Lạt, sống giàu sang “không thiếu thứ gì”.
10 năm sau, khi lên Đà Lạt giám sát, Phèn đổ gục trước nhan sắc của Hồng (Phương Linh). Anh ngoại tình, ngày càng lạnh nhạt với vợ. Khi bị phát hiện, Phèn đuổi Lúa ra khỏi nhà để thoải mái ở bên người mới. Nghe lời Hồng dỗ ngọt, Phèn sang tên khách sạn và căn nhà cho vợ mới. Khi Hồng bất ngờ lật lọng, Phèn mới biết tất cả là âm mưu của cô và người bạn thân tên Tửng (Quốc Thịnh) ngay từ đầu.
Mỹ Uyên diễn hay, tinh tế. |
90% thời lượng của vở diễn ra khá tốt dù dễ đoán. Motif “sang đổi vợ” không có gì mới, kịch bản từ đầu đến gần cuối vở đều đi theo đúng hình dung thông thường. Tuy nhiên, diễn xuất của Mỹ Uyên làm nhân vật Lúa trở nên đặc sắc.
Mỹ Uyên là số ít diễn viên có tuổi có thể vào ‘ngọt’ vai thiếu nữ 16. Ngoài đời, nữ diễn viên sắc sảo, thậm chí thét ra lửa nhưng đóng vai gái quê lại rất ‘phèn’.
Lúa là nhân vật kiểu mẫu phụ nữ Việt tự đưa cổ mình vào tròng bất hạnh. Mở màn, cảnh Lúa cầm hai con cào cào lá, ngây ngô nói: “Con râu dài bay cao, con râu ngắn bay thấp” như ngầm dự đoán về đường đời của mình và Phèn sau này. Nếu tinh ý, khán giả sẽ thấy Phèn “sang đổi vợ” chứ không “giàu đổi bạn”, vì Tửng thích nghi nhanh sau bước ngoặt đổi đời của vợ chồng Phèn, tỏ ra hữu ích với Phèn để được ở cạnh và hưởng sái sự giàu sang.
Trong khi đó, 10 năm sau, Lúa vẫn ngốc nghếch, ngây ngô. Cô không thay đổi gì ngoài chiếc váy đẹp, không cập nhật thêm gì cho mình dù điều kiện sống đổi khác. Chi tiết Lúa nấu súp măng cua đợi chồng về hoặc tặng chồng hai con cào cào lá đều cho thấy rõ điều đó.
Ở phân cảnh Phèn chán chường đá tung bát súp và hai con cào cào lá, NSƯT Mỹ Uyên diễn xuất thần. Cô không khóc ngay mà nhìn trơ trơ vào hư không một lúc, khi hai tay vẫn quơ quào dọn bát súp, nhặt lại con cào cào. Lúa khóc không ra tiếng vì sợ Phèn thức giấc nghe thấy và cách Mỹ Uyên diễn cảnh khóc câm dường như không thể đạt hơn.
Một phân cảnh khác là khi Lúa bị đuổi khỏi nhà, cô sững ra, nhìn quanh quất mái ấm 10 năm lần cuối rồi mới thất thểu bước đi. Không rõ đây là sáng tạo riêng của Mỹ Uyên hay dụng ý tác giả nhưng những chi tiết nhỏ này lại tạo nên sức hút riêng biệt cho vai diễn.
Cái kết hụt hẫng
Bên cạnh Mỹ Uyên, Quốc Thịnh cũng diễn xuất ‘nặng ký’ không kém. Miếng hài từ cử chỉ, lời nói của Quốc Thịnh tự nhiên như thể hài từ trong máu ra. Nhưng lối diễn của anh nhiều phần khiến khán giả nhớ tới danh hài Minh Nhí.
Hoàng Ngọc Sơn và Phương Linh phong độ chưa ổn định. Chẳng hạn, Hoàng Ngọc Sơn diễn vai trai quê cộc tính lại chưa đủ ‘quê’, nhưng khi trở thành “người nghèo tập làm sang” lại lố lăng khá duyên dáng.
10% thời lượng cuối dành cho kết vở khá hụt hẫng khi tất cả ân oán tình thù 10 năm chỉ là một giấc mơ giữa ban trưa của Phèn. Trong thơ ca, “giấc mơ ban ngày” hàm nghĩa viễn vông, thường để mô tả khoảng cách quá xa giữa những khát vọng sâu thẳm nhất trong tâm khảm của con người (như giàu sang, vĩ đại…) và cuộc sống thực tại.
Giấc mơ ban ngày của Phèn phản ánh thông điệp: sự giàu sang không do lao động mà có vốn phù phiếm, không vững bền. Ngay cả hiện nay, trong đời thực, kiểu giàu “trên trời rơi xuống” chưa bao giờ thuần túy là một món hời, niềm hạnh phúc vẹn toàn, mỹ mãn.
Để gói câu chuyện vào giấc mơ như vậy, tác phẩm khai thác sâu, khéo và tinh tế hơn. |
Tuy nhiên, đổi lại một thông điệp thì cái kết này chưa thực sự đắt. Sau khi kéo màn, Mỹ Uyên có nói thêm: “Cả ekip chúng tôi đã làm ráo riết để kịp ra mắt đúng dịp mùa mưa một vở kịch vui vui”. Có thể, kết thúc như vậy giúp vở kịch vui đúng nghĩa, nhưng vô hình trung phủi sạch những bình bàn trong 90% thời lượng trước đó. Nếu 10 năm của vợ chồng Phèn – Lúa chỉ là một giấc mơ thì vô thưởng vô phạt, không có gì để rút ra hay chiêm nghiệm.
Buồn cười hơn, khi thức giấc, Phèn sợ hãi với những gì gợi nhắc đến giấc mơ. Anh kêu lên mình không cần giàu sang, có trúng số cũng không thèm. Khi nghèo, Phèn oán trách Trời. Khi giàu, Phèn đổ lỗi cho đồng tiền trong khi cốt lõi của câu chuyện là chính tư duy, thái độ sống của con người. Phèn cũng là một nhân vật điển hình cho những người nghèo với tư duy đổ lỗi thường gặp.
Kết cấu vòng lặp khi Lúa lại trúng số; rồi một cô gái quê có gương mặt giống Hồng đến nhà Phèn – Lúa xin ở nhờ mở ra nhiều viễn cảnh để khán giả thỏa sức tưởng tượng về cái kết mở. Cảnh náo loạn kết vở khiến người xem cười, nhưng là cười gượng.
Gia Bảo
Huyền tích dân gian về vua Lý Công Uẩn lên sân khấu kịch
Ngày 17/6, Sân khấu Lệ Ngọc chính thức khởi công vở kịch “Huyền thoại gò Rồng Ấp” - vở diễn kể về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn.