Sinh viên ngày nay khá lười và thực dụng khiến tôi mất lửa

- Từ khi mở trường riêng, công việc giảng dạy của anh ở ĐH KHXH&NV thế nào?

Trước khi chuyển sang nghề ca sĩ, tôi đã cắt cơ hữu với trường, hiện chỉ là giáo viên thỉnh giảng. Tôi nghỉ dạy học kỳ này để cân nhắc thêm. Phần vì thời gian không cho phép, phần vì thế hệ sinh viên ngày nay khá lười và thực dụng khiến tôi mất lửa. Các môn tôi dạy gồm Ngôn ngữ học Đức, Phiên dịch Đức-Việt và Giáo học pháp đều là môn khó. Không kể số lượng sinh viên, quan trọng là thái độ học của các bạn.

Tôi đi dạy vì nợ tiếng Đức, quý khoa Ngữ văn Đức và quý trường chứ không nợ ai cả. Lương giảng viên rất thấp nhưng điều tôi muốn là góp phần đào tạo ra những giáo viên tiếng Đức giỏi cho TP.HCM. Khi không còn thoải mái, tôi sẽ nghỉ không áy náy.

Quan hệ giữa tôi với khoa và trường rất tốt. Các sinh viên rất thông cảm thầy Dũng là ca sĩ. Những tháng cuối năm, các bạn đã quen chuyện thầy Dũng cho nghỉ để đi diễn rồi dạy bù. Giáo viên khác nghỉ 1 - 2 ngày đã bị trường mời làm việc rồi đấy! Ban giám hiệu xếp lịch tốt nhất cho tôi, từng gợi ý tôi quay về trường dạy cơ hữu lại khi nghỉ hát.  

{keywords}
 

- Thú thật, 4 năm sinh viên của tôi chưa từng có “diễm phúc” trải nghiệm tiết học của “giảng viên nghệ sĩ”…

Sinh viên vào lớp tôi vì tò mò, hâm mộ hoặc chẳng quan tâm ông thầy. Từ phía mình, tôi cũng không quan tâm họ đăng ký lớp tôi vì điều gì. Sinh viên hay fan đến với mình đã tốt, tôi sẽ chinh phục họ sau. Tôi dạy sao để họ thấy tôi là thầy chứ không phải ông ca sĩ đến ba hoa. Bên cạnh kiến thức, điều tôi truyền đạt là tác phong. Tôi phải quy củ hơn người khác mới cho họ thấy điều đó.

Từng có một bạn sinh viên đến lớp tôi sinh sự. Tôi đặc biệt thích trị những ca như thế. Sau vài buổi, bạn đổi thái độ, chịu học và ngày càng giỏi. Buổi cuối cùng, bạn ở lại đến khi không còn sinh viên nào nữa thì thú tội. Tôi biết chuyện ấy từ đầu! Câu kết của bạn là: Khi thầy không còn đi hát, hãy quay lại trường dạy nhé. Nếu không sẽ tiếc cho các bạn sinh viên sau em.

- Sinh viên, cả nam lẫn nữ, có ai theo đuổi thầy Dũng không?

17 năm trước, thời tôi mới ra trường đi dạy là “ghê gớm” nhất! Sinh viên theo đuổi tôi khá nhiều, có bạn công khai tán tỉnh; có bạn viết nhật ký dạng thư tay trong 2 năm, đến khi tốt nghiệp gửi cho tôi một lần; bạn thì nhắn tin qua điện thoại… Bây giờ vẫn có nhưng thỉnh thoảng thôi vì tôi già rồi! 

Những điều ấy rất dễ thương. Tình cảm sinh viên dành cho thầy hoặc fan đối với ca sĩ vốn không có thật mà thiên về sự ngưỡng mộ, thần tượng. Họ yêu hình tượng mà họ tạo ra chứ không phải con người thật của mình. Vì vậy, tôi trân quý nhưng không nghiêm túc đáp lại. Sinh viên lớp tôi đã quen với việc bị nhìn ngó, thậm chí là tụ tập trước cửa.

Mỗi mùa 20/11, sinh viên khoa Đức có truyền thống bày tiệc, mời giáo viên dự. Tôi thường bị các bạn bắt làm hề trong tiệc mừng ấy. Tuy nhiên tôi hiện có trường riêng nên khó dành thời gian qua cho khoa Đức, chưa kể tháng 11 cũng là mùa chạy show của nghệ sĩ.

Tôi đang có người yêu

- Cuộc sống của anh vẫn bình lặng nhỉ...

Tôi hài lòng về cuộc sống. Bật mí nhé tôi đang hạnh phúc, khoảng 1 năm nay. Có người hỏi tôi: Má mất lâu, ba vừa mất, độc thân, ít bạn, liệu sống có vui không? Thật ra, tất cả là lựa chọn của tôi. Dĩ nhiên, tôi chọn vì thấy hạnh phúc. Tôi chủ động cắt bỏ nhiều mối quan hệ không cần thiết lại tốn thời gian. Nếu bạn ưu tiên mọi thứ, bạn kỳ thực chẳng ưu tiên thứ gì.

Công việc của tôi rất bận. Tôi kiếm tiền nhiều nhưng chi cũng nhiều. Mở trường, duy trì trường, làm sản phẩm… đều rất tốn kém. Nghệ sĩ kinh doanh rất lỗ, chẳng hạn như trình độ C1 (trình độ tiếng Đức cao nhất – PV) chỉ 4 – 5 học viên nhưng tôi vẫn mở lớp, lỗ nhưng dạy rất sướng!

Tôi đầu tư nhiều nhất cho bất động sản. Tôi mua bất động sản cũng rất nghệ sĩ, mua vì thích chứ không vì nhìn thấy tiềm năng. Gần đây, tôi mua miếng đất ở Đà Lạt vì thấy dễ thương, quyết định mất một ngày, sang tuần chồng tiền. 

Nhiều căn nhà được tôi mua lại, sửa sang, thiết kế để ở nhưng rốt cuộc lại bán. Nhiều khách nước ngoài tưởng tôi là kiến trúc sư. Tôi làm gì cũng tùy hứng nhưng không nói trước. Biết đâu về già, tôi sẽ làm dịch giả, kiến trúc sư hoặc mở shop nội thất?...

{keywords}
 

- Người yêu có thoải mái với việc anh là nghệ sĩ?

Bạn ấy rất tự tin, thoải mái. Tôi chỉ bị thu hút bởi người thân thiện, thông minh và tự tin. Nếu cứ để ý, bạn ấy sẽ làm cả hai mệt mỏi. Người yêu của tôi có nụ cười đẹp, nhân hậu, sống nguyên tắc và khá nghĩa hiệp. Dĩ nhiên, bạn ấy cũng “khùng khùng” giống tôi để cả hai còn chịu đựng nhau chứ!  

- Nghệ sĩ tính cao nên anh chọn người yêu hơi “gắt”?

Không, chọn là hoạt động của tư duy mất rồi! Tôi yêu bằng trái tim, nhiều lần đâm đầu yêu khi chưa kịp hiểu về người đó nên thất bại là dễ hiểu. Hồi xưa, tôi từng lụy một người vì nghĩ mất người đó sẽ không tìm lại được. Tôi khó yêu nhưng đổi lại, đã yêu thì khó chán.

- Anh sẽ tính xa với người yêu chưa vì tuổi của anh nên vội rồi đấy?

Cần phân biệt tính xa và kết hôn. Tôi luôn yêu với tâm thế lâu dài, như thể đã kết hôn với người đó nên việc kết hôn thật chỉ là hình thức. Trên giấy tờ, tôi vẫn độc thân nhưng về cảm xúc, tôi đã ly dị vài lần. Tôi không loại trừ việc làm đám cưới nhưng có cưới vẫn sẽ giấu kín thôi.

Năm tháng cuối đời, ba tôi như đứa trẻ

- Động lực nào để anh vẫn theo đuổi Jazz sau ngần ấy năm?

Tôi hát Pop nhiều hơn Jazz và hát Jazz chủ yếu pha Pop. Gu đọc, nghe, xem ở Việt Nam rất một màu, một người bạn nước ngoài hỏi tôi: Vì sao khán giả Việt thích nghe ballad đến thế? Không chỉ Jazz, nhiều thể loại khác chỉ chiếm thị trường rất nhỏ. Dù vậy, khán giả nghe Jazz của tôi khá nhiều nhưng họ chìm và im lặng. Album SAIGON FEEL tôi in đợt đầu 2000 đĩa xong đã phải in đợt 2 thêm 1500 đĩa. Đó là vì sao tôi rất im ắng nhưng show đều đều.

- Anh có nghe nhạc trẻ chứ?

Tôi thích Uyên Linh, Vũ Cát Tường và Phan Mạnh Quỳnh. Thời chưa biết Quỳnh là ai, tôi đã thích bài Vợ người ta. Chỉ một câu vào đề “Tấm thiệp mời trên bàn / Thời gian, địa điểm rõ ràng…” gãy gọn, thẳng thắn mà rất thông minh, đau đớn pha lẫn hài hước. Cái thông minh của Quỳnh, tôi không làm được.

{keywords}
 

- Nghe như anh từng ở trong cảnh "Tấm thiệp mời trên bàn…"?

Đặc ân của nghệ sĩ là cảm được những thứ chưa từng trải qua. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa tôi và ba không tốt nhưng một trong những bài được thích nhất của tôi là Những ô cửa xanh. Mường tượng của tôi về ba là sự xa cách, tôi chưa từng trải qua cảm xúc như bài hát ấy bao giờ. Ba tôi mất cách đây vài tháng, khi 81 tuổi. Tôi chỉ thông tin ngắn khi ông đi tròn 100 ngày.

Những năm cuối cùng, tôi vẫn thỉnh thoảng thăm ông. Mối quan hệ giữa tôi và ba về sau không căng thẳng nữa nhưng dường như chúng tôi mất kết nối quá lâu để tìm lại rồi. Về già, ông như trở về là một đứa trẻ, tôi thấy vậy nên xóa đi tất cả kỷ niệm không đẹp. Tôi nhìn mọi thứ gói trong một chữ “đời”.

- Mẹ mất rồi đến ba, đó là lúc anh thấy chỉ còn một mình trên cõi đời?

Chính xác là cảm xúc khi má mất năm tôi 21 tuổi, người là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho mình. Đêm má mất, tôi từng tự hỏi liệu mình sẽ sống ra sao? Và tôi biết mình đã bơ vơ giữa cuộc đời. Vì vậy, khi ba mất, tôi đã qua nhiều năm để quen với cảm xúc ấy. Đó cũng là lý do khi yêu ai, tôi đều xác định họ là gia đình của mình. Tôi đã tìm kiếm gia đình mình từ năm 21 tuổi đến nay.

Hồ Trung Dũng hát 'Những ô cửa xanh':

Đón đọc bài 2: 

Người đẹp Ngân Anh vượt qua thi phị để trở thành 'nữ giảng viên sành điệu nhất'

Gia Bảo

Ảnh: Bảo Hòa

Hồ Trung Dũng sống một mình trong căn hộ gần 10 tỷ đồng

Hồ Trung Dũng sống một mình trong căn hộ gần 10 tỷ đồng

 - VietNamNet có buổi thăm không gian sống của Hồ Trung Dũng, với ngập tràn vang, ánh sáng và Jazz.