Trước tiên cần phải xác định nghệ thuật là một nghề, giống như bao nghề nghiệp khác. Nghệ sĩ cũng giống như bác sĩ - đều phải có bằng cấp, phải được đào tạo chuyên môn cao và bồi dưỡng nghiệp vụ không ngừng.
Nghề nào cũng cần chăm chỉ nhưng nghệ sĩ lại cần thêm một điều kiện tiên quyết - đó là năng khiếu. Không có điều đó bạn có chăm chỉ bao nhiêu cũng khó thành công.
Nhạc sĩ Quốc Trung. |
Tuy nhiên điều đáng buồn xã hội chúng ta ngày nay lại có nhiều trường hợp chỉ có duy nhất chút năng khiếu (tạm gọi là tài năng) lại rất thành công. Có lẽ trong thời đại 4.0 với sự giúp đỡ của công nghệ, nhạc sĩ không cần biết nốt nhạc hay đánh đàn, ca sĩ thậm chí không cần giọng hát... Phải chăng chính bởi những điều này dẫn tới câu chuyện khán giả đang “nuôi” nghệ sĩ? Có rất nhiều show diễn vé được tặng miễn phí và ca sĩ thì hát nhép đấy thôi. Nghệ sĩ không có được sự tôn trọng thì khán giả ban phát cũng là điều đương nhiên.
Nếu bác sĩ là những người trị liệu cho cơ thể thì nghệ sĩ cũng làm điều đó nhưng là với tâm hồn. Cơ thể nếu trị liệu sai có thể dẫn đến bệnh tật thậm chí tử vong, còn tâm hồn yêu nghệ thuật nếu sai lại rất khó nhận biết.
Khi họ vẫn yêu âm nhạc nhưng bằng cách tra tấn karaoke hàng xóm hằng đêm. Họ yêu hội họa nhưng chọn mua những bức tranh lậu treo khắp nhà thì chẳng ai kết luận người đó có vấn đề. Chính vì vậy công chúng vẫn thường hồn nhiên giao phó cho rất nhiều “lang băm” trị liệu cho chính mình như thế mà không hay biết.
Nếu những thầy thuốc nói bạn đang nuôi sống họ, tức là bệnh tình của bạn tỷ lệ thuận với thu nhập của họ thì bạn sẽ nghĩ gì? Nó giống như thông tin họ sẽ lấy % hoa hồng từ việc kê đơn thuốc hay việc các hãng dược phẩm đang làm giàu trên bệnh tật của bệnh nhân.
Thật may là tôi và rất nhiều người nghĩ khác. Chúng tôi vẫn tin rằng có rất nhiều bác sĩ đang làm tất cả khả năng để cứu chữa bệnh. Các phòng thí nghiệm vẫn ngày đêm nghiên cứu để tìm ra những liệu pháp chữa trị bệnh cho nhân loại.
Hàng trăm năm trước, những nhà quý tộc giàu có yêu nghệ thuật Châu Âu đã bảo trợ cho những nhạc sĩ để họ chuyên tâm sáng tác âm nhạc. Họ đưa nhạc sĩ về sống trong lâu đài của mình, trả lương cho dàn nhạc để biểu diễn không chỉ cho riêng mình mà còn đưa tác phẩm lưu diễn ở nhiều nơi. Nhờ họ mà nhân loại đã có biết bao những tác phẩm âm nhạc bất hủ.
Ngày nay cũng có nhiều tỷ phú tài trợ hàng tỷ đô la cho các phòng thí nghiệm để nghiên cứu mang lại những giá trị cho đời sống của cộng đồng. Nhưng những người đó chưa bao giờ nói là họ “nuôi sống” nhạc sĩ này hay những viện sĩ kia. Bởi đơn giản họ mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội và con người, trong đó có chính mình.
Nhạc sĩ Quốc Trung và Diva Thanh Lam trên sân khấu. |
Tôi chợt nhớ trong thời bao cấp, Nhà nước ta đã cử rất nhiều nghệ sĩ đi đào tạo tại nước ngoài, rồi họ được trả lương để làm việc, để sáng tạo nghệ thuật. Những người ấy đã đền đáp bằng tác phẩm mà rất nhiều trong số đó đã trở thành di sản âm nhạc, nghệ thuật của Việt Nam. Đôi khi, họ còn trả bằng cả tuổi thanh xuân và đời sống của mình mà điển hình là nhạc sĩ Hoàng Việt - tác giả bản Tình ca nổi tiếng.
Tất thảy họ đều kiêu hãnh với những tác phẩm của mình cho dù đa phần mỗi người đều có một đời sống khó khăn, nếu không muốn nói là nghèo khổ. Với họ, nguồn sống có lẽ chính là mạch nguồn văn hoá của dân tộc và tình yêu cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam.
Tôi nghĩ trước khi tính đến những thứ cao siêu, tác phẩm để đời thì hãy coi nó như một mặt hàng, một sản phẩm giải trí để thấy rõ quan hệ giữa khán giả với nghệ sĩ, giữa người mua và người bán hàng.
Ngày nay khán giả có rẩt nhiều lựa chọn. Những người làm nghệ thuật không dễ gì lôi được họ đến nhà hát và bỏ tiền (rất nhiều) ra mua vé dù là chỉ để chiều lòng bạn gái hay người vợ của mình.
Cũng chẳng có nghệ sĩ nào đi diễn hay làm nghệ thuật chỉ vì muốn “mang tiếng ca cho đời” vì dù không cần tiền thì họ cũng chắc chắn muốn danh tiếng hay chỉ đơn thuần là “nghiện” tiếng hoan hô của khán giả.
Người mua có nhu cầu về tinh thần, giải trí và người bán là nghệ sĩ - vốn là những người có năng lực đặc biệt để giải quyết được điều đó. Quan hệ này bình đẳng, không ai bắt khán giả đi xem nếu họ không thích và xem nó như một thứ thưởng lãm, cảm nhận.
Rõ ràng bạn đã mang đến cho rất nhiều người cảm xúc trong cuộc đời, từ những giọt nước mắt, tiếng cười hay thậm chí cả những tiếng hò hét vui sướng tột độ. Điều đó không phải ai và không nhiều người làm được.
Vì vậy nghệ sĩ cần kiêu hãnh với sản phẩm của mình. Các bạn cần đánh giá đúng giá trị của nó và công sức lao động để tự tin với phần thưởng mà khán giả mang lại. Nếu bạn lao đông cật lực với trách nhiệm cao nhất thì cho dù công chúng có không thích nó bạn vẫn ngẩng cao đầu tự hào về những gì đã vất vả làm ra. Hãy nhớ rằng, bạn đang nuôi chính bạn và gia đình bằng sức lao động, tài năng và cả năng khiếu trời cho chứ không phải ai khác.
Bạn sẽ không và không thể xin khán giả mua vé hay đi xem tác phẩm cẩu thả của mình chỉ vì bạn đang có hoàn cảnh khó khăn. Nếu không mang lại những cảm xúc đắt giá như vậy, bạn sẽ không bao giờ có được sự coi trọng từ mọi người.
Khán giả cũng cần ý thức rõ ràng việc mình đến nhà hát, sân khấu để xem gì, chờ đón điều gì thay vì đến đó chỉ vì chiều lòng ai đó hay đơn giản vì lỡ một cuộc hẹn. Khán giả thường chỉ mua vé xem những nghệ sĩ mà họ đã nghe, đã yêu thích nhưng cũng cần đôi khi mạo hiểm đi nghe những nghệ sĩ trẻ hay những tác phẩm mới bởi nếu không bạn chỉ đóng khung những “bài ca đi cùng năm tháng” hay nghệ sĩ được “khán giả mến mộ” mà đôi khi không dành cho mình.
Nếu bạn đi dự một concert mà chỉ để ngắm nhìn một body sexy hay một bộ quần áo loè loẹt thì khác nào bạn cần chữa tai mà lại gặp bạn trai bác sĩ mắt của ca sĩ Thanh Lam.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cần có cái nhìn khách quan, công bằng trong mối quan hệ nghệ sĩ - khán giả. |
Nghệ sĩ cũng cần ý thức rõ về con đường mà mình theo đuổi vì không phải loại hình nào cũng được số đông chào đón. Thậm chí những loại hình đi trước thời đại thường đến khi người sáng tạo nó qua đời mới được đánh giá đúng giá trị.
Nhưng nếu người làm nghệ thuật chỉ đi theo thị hiếu, vuốt ve chiều chuộng khán giả mà không có sự mới lạ thì bạn cũng sẽ bị lãng quên một cách nhanh chóng và trở về thành một “thợ đàn, thợ hát” lỗi thời.
Sản phẩm nghệ thuật lỗi, dở thưởng khó có thể trả lại nhưng cũng không có nhiều mặt hàng trong đời sống mà người mua sau khi bỏ tiền ra lại thấy mình quá may mắn. Đó là nghê thuật đỉnh cao, với những tài năng đích thực. Chẳng phải rất nhiều người vẫn mong ước được một lần trong đời xem Hồ Thiên Nga ở Nhà hát Bolshoi hay rất nhiều bạn trẻ dành dụm để đi rất xa để dự show của các ban nhạc Coldplay, The Beatles đó sao?
Tất nhiên lựa chọn thế nào vẫn là quyền riêng của mỗi người. Làm thợ hay làm nghệ sĩ thì vẫn sống bằng mồ hôi và sức lao động của chính mình. Hơn thế, một người nghệ sĩ đích thực trên cả cần đề cao tình yêu thương, sự ủng hộ bằng những tấm lòng. Điều này đáng quý và trân trọng hơn những giá trị tiền bạc nhất thời như mua vé, xem video, mua sản phẩm.
Nhạc sĩ Quốc Trung
Nghệ sĩ nói được 'khán giả nuôi' có tự hạ thấp mình?
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long phân tích chuyện khán giả và nghệ sĩ: Ai nuôi ai?