Giống như chính tên gọi, “Chuyện lạ Phi châu” theo chân tác giả Hảo Phạm Fiori và gia đình đa quốc gia của chị sẽ chỉ kể cho độc giả những câu chuyện họ chưa bao giờ nghe, vẽ ra trước mắt độc giả những khung cảnh họ có thể chưa bao giờ thấy và mang lại cho họ những cảm xúc chưa từng trải qua về châu lục này.

{keywords}
“Chuyện lạ Phi châu” của tác giả Hảo Phạm Fiori mang đến cho độc giả một góc nhìn rất khác về châu Phi - lục địa vẫn được mệnh danh là cái nôi của loài người.

Những bức chân dung “Phi châu”

Thị dân châu Phi là những con người như thế nào? Họ giống với những bộ lạc thổ dân du mục ta từng thấy trong “Thượng Đế cũng phải cười”, hay sẽ “na ná” chúng ta – những người đang tò mò quan sát họ qua trang sách? Tác giả Hảo Phạm Fiori đã giải đáp thắc mắc này của độc giả bằng hàng loạt những bức chân dung đầy cảm xúc được vẽ nên bằng chính những trải nghiệm khi chị tiếp xúc với người dân bản xứ ở những quốc gia chị đã đi qua. 

Nếu anh thợ mộc với phát ngôn trứ danh “Trời đang mưa!” hay chàng thợ sắt và bài toán làm thế nào để cái cửa anh làm vừa với cái khung nhà gia chủ hoặc câu chuyện đi thi lấy bằng lái xe… vừa hài hước vừa đáng thương theo lối dở khóc dở cười; thì câu chuyện về người mẹ làm thợ may trong khu chợ ổ chuột hay quang cảnh đám tang của một người phụ nữ chết vì HIV sẽ để lại trong lòng bạn đọc một cảm giác vừa chua chát vừa buồn thương. 

Những bức chân dung riêng biệt ấy, tựu chung lại, đều mang dáng hình của đói nghèo và cần lao, của tâm tính chân chất và thô mộc, của một lối làm việc “phiên phiến” đi ngược lại những quy chuẩn về sự hoàn hảo. Một kiểu tính cách, mà như chính Hảo Phạm Fiori đã viết, nhờ có nó, người dân châu Phi lúc nào cũng khoẻ mạnh và vô lo.

“Tổ chức” – những con người sống để phụng sự

Phi châu hiện lên trong “Chuyện lạ Phi châu” không đơn thuần chỉ là một lục địa đói nghèo và bị cả thế giới bỏ lại đằng sau. Vẫn có hàng trăm ngàn con người, không phân biệt màu da, đang chung tay giúp đỡ những người dân bản xứ kiến thiết mảnh đất ấy từng ngày. Đó là các bác sĩ, các kĩ thuật viên làm việc trong các tổ chức hỗ trợ nhân đạo. Họ tạo thành một cộng đồng đa sắc tộc nho nhỏ mà Phạm Hảo Fiori vừa là một thành viên, lại vừa là một người quan sát. 

Liệu bạn có bao giờ tự hỏi, những con người rời bỏ quê hương, sống cuộc đời phiêu bạt, sẵn sàng đối mặt với cái chết để cứu lấy mạng sống của những con người xa lạ khác ấy, họ là những con người như thế nào?

{keywords}
Phi châu hiện lên trong “Chuyện lạ Phi châu” không đơn thuần chỉ là một lục địa đói nghèo và bị cả thế giới bỏ lại đằng sau.

Câu trả lời: họ cũng giống như bất kì ai. Họ cũng sống và làm việc, cũng có những câu chuyện, những nỗi niềm của riêng mình. Nhưng điều biến họ trở thành những người anh hùng không mặc áo choàng – cũng đồng thời là thứ dày vò và huỷ hoại họ, chính là những điều đôi tay họ đã làm, đôi mắt họ thấy và đôi tai họ đã nghe. Đó là sự mong manh của sinh mệnh con người trước bạo lực phi nghĩa, là cảm giác tuyệt vọng khi nhận ra sức vóc của họ là hữu hạn trong khi có vô vàn những nhiệm vụ ngoài kia đang cần đến họ… 

Và cái chết của những người bản địa bị kẹt giữa cuộc chiến, của cả những người đồng nghiệp của họ. Những người đã chết, và những người họ buộc phải bỏ lại chờ chết… Khía cạnh đầy đớn đau của công việc tưởng chừng như chỉ mang lại những điều tốt đẹp này đã được Hảo Phạm Fiori thuật lại một cách chi tiết và khách quan hết sức có thể. 

Độc giả chậm rãi để câu chuyện về những gương mặt, dù khác nhau về diện mạo và giới tính, nhưng cùng chung một nỗi kiệt quệ, bất lực và đớn đau ấy thấm vào mình, cảm nhận nó, và rút ra những kết luận cho riêng mình. Một quá trình riêng tư của riêng mỗi người mà Hảo Phạm Fiori không cảm thấy mình nhất thiết phải xen vào, dù ở vị thế là người viết, chị hoàn toàn có thể.

Gia đình nhỏ là niềm đam mê bất tận

Đôi khi ta vẫn thấy chị, trong vai trò người kể lại câu chuyện đời sống thường nhật của chính mình, thêm thắt vào đâu đó trong cuốn sách những lời bình luận hài hước và duyên dáng. Những bữa tối kỉ niệm ngày cưới dẫn đến kết luận từ sau hai vợ chồng nên hẹn hò gần bệnh viện một chút, hay việc cắt bao quy đầu cho con trai khiến hai vợ chồng đến phút cuối vẫn chẳng kết luận được thế là dại hay khôn, hay “trận chiến” giữa các vị phụ huynh của ba nền văn hoá khác nhau được tường thuật như ba hồi của một trận đấu trí căng thẳng… 

Chúng tuy không gây tò mò như chuyện đời những người dân châu Phi mà Hảo Phạm Fiori đã tiếp xúc, không đắng ngắt và ám ảnh như những câu chuyện của đồng nghiệp chồng chị đã trải qua, càng không nghẹt thở và sợ hãi như những trải nghiệm của chị về khủng bố và chiến tranh, nhưng chúng lại rực lên thứ ánh sáng của hạnh phúc bình dị. Niềm hạnh phúc của một người phụ nữ có trong tay một gia đình.

Gia đình là niềm đam mê bất tận với Phạm Hảo Fiori. Từ những ngày yêu nhau, đám cưới chóng vánh tại Hà Nội, chuỗi ngày sống đời vợ chồng son với anh chồng người Ý… Rồi tới ngày em bé đầu tiên chào đời, em bé thứ hai, rồi em bé thứ ba… Lúc nào ta cũng thấy chị nhắc đến gia đình nhỏ với một tình yêu và sự thích thú không hề suy giảm. Nhưng song song với tình yêu ấy, là nỗi lo lắng đến xé lòng của người làm mẹ, làm vợ khi nuôi lớn những đứa con của mình ở một châu lục xa lạ, giữa những hiểm nguy luôn cận kề. Ngày hôm nay gia đình họ còn ở chung với nhau dưới một mái nhà, nhưng ngay ngày hôm sau thôi, họ hoàn toàn có thể bị chia cắt ở ba đất nước khác biệt. Và trên thực tế, điều này đã từng xảy ra với gia đình chị.

Chiến tranh không phải chủ đề chính của “Chuyện lạ Phi châu”, nhưng nó vẫn ở đó, trong dáng vẻ một câu chuyện kể kéo dài nhiều trang sách, đột ngột nhảy xổ ra giữa một câu chuyện mới phút trước còn bình yên… Đó có thể là cách mà Hảo Phạm Fiori tái hiện lại tình thế chông chênh, bất an về chính trị ở các nước châu Phi; là cách mà chị gián tiếp cho độc giả của mình biết, rằng súng vẫn nổ trên lục địa này. Và vì thế, những người như chị, như chồng chị và những người đồng nghiệp của anh vẫn phải ngày ngày đối mặt với hiểm nguy để hỗ trợ khắc phục hậu quả của những xung đột ấy.

“Chuyện lạ Phi châu” không phải một cuốn sách du lịch, càng không phải một cuốn bách khoa toàn thư về văn hoá châu Phi. Nhưng nó là những ghi chép chan chứa yêu thương và gắn bó của một cô gái Việt, người vợ của một người chồng phục vụ trong tổ chức tình nguyện, người mẹ của ba đứa con về vùng đất Phi châu đầy rẫy những mặt đối lập đã trở thành một phần tâm hồn chị

Anh Phan

Khám phá lịch sử kỳ thú của Việt Nam qua câu chuyện về 3 dòng sông

Khám phá lịch sử kỳ thú của Việt Nam qua câu chuyện về 3 dòng sông

Bộ sách dẫn người đọc hành hương về ba dòng sông tiêu biểu cho ba miền Bắc - Trung - Nam, là nguồn mạch gắn bó với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt