Tiểu thuyết kể về chàng trai Triều ở làng An Vĩnh, cù lao Ré (ngày nay là đảo Lý Sơn) từ ngày đầu tiên đứng vào đội hùng binh Hoàng Sa đến ngày chàng thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Hoàng Sa, trở về với biển.

Qua đó, tác giả khắc họa những khó khăn, vất vả mà đội hùng binh Hoàng Sa phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ triều đình giao. Hiểm nguy và cái chết luôn rinh rập quanh mình, chỉ cần sơ sẩy, hoặc sự thịnh nộ của thiên nhiên, hoặc sự xâm lấn bất hợp pháp, âm mưu của kẻ thù, những người trong đội hùng binh sẽ phải gửi thân mình cho mình cho biển cả bao la.

{keywords}
Tác giả Đặng Ngọc Hưng bên cuốn sách đạt giải B Sách Quốc gia lần 2. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những chất liệu của câu chuyện chứa đựng rất nhiều thông tin thú vị, từ việc tuyển mộ người vào đội hùng binh Hoàng Sa đến việc sinh tồn trên biển như thế nào: cách ăn rau, cách đánh bắt, hay cả cách bó người chết trên biển... Qua đó có thể thấy rằng tác giả đã bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu và tra cứu.

Tác giả Đặng Ngọc Hưng chia sẻ: "Tôi viết cuốn tiểu thuyết này trên cơ sở thực tiễn từ những điều kiện khí hậu, đến địa chất địa mạo và kể cả là thủy hải sản ngoài đó. Tôi chỉ dám nhận mình là tác giả nghiệp dư, nhưng đây là cuốn thứ hai tôi viết về chủ đề biển đảo. Cuốn đầu tiên là tôi viết và được NXB Văn Học xuất bản năm 2011 là cuốn Bạch Đằng dậy sóng .

Năm 2018 tôi xuất bản cuốn thứ hai -  Hùng binh tuy nhiên từ năm 2011 khi viết cuốn đầu tiên nghiên cứu về nhà Trần, tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ về thủy quân của nhà Nguyễn cộng thêm việc anh em bạn bè động viên nên tôi lại cầm bút viết. Tôi viết vì đam mê chứ thực sự viết về lịch sử đã khó, đối tượng người đọc còn khó kiếm hơn. Không phải riêng tác phẩm của tôi mà rất nhiều các tác phẩm đề tài lịch sử khác cũng vậy.  Phải thực sự là một người yêu thích đặt bút viết chứ chỉ biết trông cậy vào độc giả thì chắc cũng hiếm người viết, hoặc viết rồi chán nản và sẽ không tiếp tục theo đuổi".

Tác giả chia sẻ, anh viết vì muốn mang lại lợi ích cho xã hội, cho thế hệ mai sau biết được những giá trị của cha ông để lại chứ không vì mục đích nhận bút hay kinh tế.

"Cuốn này tôi viết cho mọi lứa tuổi có thể đọc không có yếu tố giật gân câu khách. Cuốn sách có rất nhiều kiến thức tự nhiên và vấn đề chủ quyền biển đảo. Tôi cũng không dám nói cuốn sách của mình quá hay, quá tốt để mọi người có thể ào ào mua. Một cuốn sách dày 600 trang như vậy đối với một người dành thời gian ra đọc rất khó. Tôi chỉ mong bằng cách nào đó để cuốn sách lan tỏa nhiều người đọc được để biết được công sức và chủ quyền của nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", tác giả Đặng Ngọc Hưng chia sẻ.

{keywords}
Qua 20 chương của Hùng binh, có lúc ta lâng lâng xúc động với cái tang chung của cả làng An Vĩnh, với những ngôi mộ gió tưởng nhớ những hùng binh; với hào hùng của dặm dài lịch sử khai thác, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của cha ông.

Tác giả cũng chia sẻ, điều khó nhất khi viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử vẫn phải là cốt truyện có đủ hấp dẫn lôi kéo người đọc hay không từ trang đầu tới trang cuối. Viết gì thì viết quan trọng nhất là nội dung câu chuyện, những cái khác theo tác giả chỉ là thêm thắt để lồng ghép lôi cuốn hơn mà thôi.

"Đọc Hùng binh, ta càng thêm cảm cái nghĩa cả của những dân chài chân chất. Ở quê thân làm ngư phủ mưu sinh, nhưng khi nhận lệnh triều đình, thì đã thân mang mệnh lớn với xã tắc, dù nơi này, nơi kia của Hoàng Sa, sản vật tự nhiên, của cải tàu đắm, hay cả sự hối lộ của bọn thương nhân phương Bắc… vẫn không làm lay chuyển lòng trung với triều đình. Bởi cái suy nghĩ của họ giản đơn, mà cao khiết lắm", tác giả Trần Đình Ba nhận xét.

Tình Lê

Giá trị đồ sộ về lịch sử, văn hóa, chính trị của 'Vùng đất Nam Bộ'

Giá trị đồ sộ về lịch sử, văn hóa, chính trị của 'Vùng đất Nam Bộ'

Vùng đất Nam Bộ do cố GS.NGND Phan Huy Lê làm chủ biên cùng các diễn giả, học giả có uy tín vừa đạt giải A Sách Quốc gia lần 2.