Đỗ Bích Thúy là một nhà văn có duyên với điện ảnh. Lặng yên dưới vực sâu là tác phẩm thứ ba của chị được chuyển thể thành phim sau hai truyện ngắn xuất sắc Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và Sau những mùa trăng. Nhưng xung quanh tiểu thuyết và cả bộ phim cùng tên có rất nhiều câu chuyện thú vị.

Lặng yên dưới vực sâu vốn là một truyện dài được đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội cách đây vài năm. Sau khi được đạo diễn Đào Duy Phúc và Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam đề nghị chuyển thể tác phẩm văn học này thành kịch bản phim truyền hình, dài hơn ba mươi tập, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã quyết định phát triển tác phẩm này từ một truyện dài thành tiểu thuyết.

Ngoài viết văn và làm báo, Đỗ Bích Thúy còn là một biên kịch. Với phim Lặng yên dưới vực sâu, đây là lần đầu tiên nhà văn đích thân chuyển thể tác phẩm của mình thành kịch bản phim. Mới đây, nhân sự kiện ra mắt tiểu thuyết, nhà văn Đỗ Bích Thúy và đoàn làm phim đã có buổi giao lưu với khán giả.

{keywords}
Nhà văn-biên kịch Đỗ Bích Thúy (phải) và nam diễn viên Nguyễn Đình Tú (giữa) giao lưu với độc giả.

Không gian của tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu là vùng cao U Khố Sủ, nơi đây có nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Tác phẩm là câu chuyện tình yêu đầy ngang trái giữa bốn nhân vật: Vừ, Súa, Phống và Xí. Vừ yêu Súa nhưng Súa lại bị Phống cướp về làm vợ. Xí một lòng yêu Vừ nhưng lại muốn cố chấp giữ lấy người mình yêu mình yêu khi trong tim anh còn hình bóng người yêu cũ.

Trong quá trình tìm bối cảnh cho để quay Lặng yên dưới vực sâu, đoàn làm phim đã khảo sát rất nhiều địa điểm có đông người dân tộc Mông sinh sống như: Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang…, nhưng cuối cùng, đạo diễn Đào Duy Phúc đã quyết định chọn Đồng Văn, Hà Giang để làm bối cảnh cho phim. Vì theo anh nơi đây có nhiều điểm tương đồng với bối cảnh được miêu tả trong tác phẩm văn học.

Theo Nguyễn Đình Tú, nam diễn viên thủ vai Vừ, cảnh sắc ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang đã tái hiện được sự khắc nghiệt mà hùng vĩ của vùng cao U Khố Sủ, nhưng cũng gây rất nhiều khó khăn cho cả đoàn làm phim. Những mỏm đá tai mèo sắc như dao đã khiến anh nhiều lần bị thương. Những ngày phim mới khởi quay anh phải rất vất vả để làm quen với địa hình nơi đây.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ rằng chị cảm thấy rất vui khi thấy các nhân vật của mình hiện lên bằng xương bằng thịt, sống động trên màn ảnh. Chị muốn thông qua tác phẩm này chuyển tới người đọc những cái nhìn khác về cuộc sống của người Mông. Gần đây, khi một số đoạn clip về tục cướp vợ của người dân tộc Mông được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
{keywords}

Tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu.

Bằng sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn của một người nghệ sĩ, Đỗ Bích Thúy muốn người đọc, người xem cảm nhận phong tục này dưới một góc nhìn khác, đầy nhân văn. Có nhiều đôi nam nữ Mông yêu nhau nhưng vì tiền thách cưới quá cao mà họ có thể sẽ chẳng thành vợ, thành chồng. Nên để được ở bên nhau trọn đời, các chàng trai Mông đành phải cướp vợ.

Như vậy, cướp vợ không chỉ là một hủ tục như mọi người vẫn nghĩ. Tục lệ này đã gián tiếp tác thành cho nhiều đôi lứa nên duyên. Lặng yên dưới vực sâu cũng đem tới cho công chúng bức tranh hoàn toàn mới về cuộc sống của đồng bào dân tộc trong thời buổi kinh tế thị trường. Sức mạnh của đồng tiền đã làm những tâm hồn vốn hoang sơ, hồn nhiên như cây tam giác mạch chịu nhiều chấn động.
{keywords}

Phim cùng tên đang được phát sóng trên VTV3 trong khung giờ Rubic8 cuối tuần.


Theo nhà văn-biên kịch Đỗ Bích Thúy, việc cho ra mắt tiểu thuyết khi bộ phim truyền hình cùng tên đang được trình chiếu là thử nghiệm mới mẻ đối với chị. Tác giả hy vọng điện ảnh và văn chương sẽ là “bộ đôi nghệ thuật” nâng đỡ và phối hợp nhịp nhàng cùng nhau. Công chúng sẽ cảm nhận được trọn vẹn tình yêu, sự đau khổ và cả những giằng xé trong nội tâm của nhân vật bằng cả hai loại hình nghệ
 thuật.

Theo Zing