Thế giới hiện tại với nhiều bất ổn từ biến đổi khí hậu đến khủng bố, đặc biệt khi công nghệ bùng nổ, có thể “đọc” được suy nghĩ của con người. Chúng ta đối mặt với những vấn đề này như thế nào? Câu trả lời nằm ở hai từ: Nhận thức.

Yuval Noah Harari, nhà sử học người Do Thái đúc kết và gợi mở nhiều vấn đề nóng của thời đại mới qua cuốn 21 bài học của thế kỷ 21. Nếu 2 cuốn sách trước đó của ông là Sapiens: Lược sử loài người và Homo Deus: Lược sử tương lai đề cập đến quá khứ thì 21 bài học thế kỷ 21 nói về tương lai. Ông đưa ra các tiểu điểm của xã hội loài người ở hiện tại và tương lai gần: Điều gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay và đâu là ý nghĩa sâu xa của các sự kiện đó?

Đối đầu chưa từng có trong lịch sử: Sự hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học

Chúng ta không tìm thấy 21 bài học của Harari mà thực chất chỉ có 2 bài học lớn và 19 lời cảnh tỉnh. Đó là cảnh tỉnh về thế giới, những mối nguy của nhân loại, những vấn đề tưởng như cũ kỹ vẫn đang bị hiểu lầm hoặc cố tình lợi dụng. 2 bài học lớn ở đây là cách thức giáo dục và ý nghĩa cuộc đời của chúng ta. Tựu trung của hai vấn đề này nằm ở THAY ĐỔI NHẬN THỨC.

Theo Harari, thế giới đã chuyển mình sang thời đại của công nghệ thay vì đi kiếm tìm “công thức tự do”. Ông đưa ra một loạt dẫn chứng từ thập niên 1990 và 2000, tự do được coi là “thần chú”. Năm 1997, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tự tin chỉ trích chính phủ Trung Quốc, nói rằng việc từ chối tự do hóa nền chính trị Trung Hoa đã đặt nước này “đi ngược trào lưu lịch sử”. Nhưng đến năm 2008, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thế giới vỡ mộng với câu chuyện tự do. Năm 2016, sự vỡ mộng tiếp tục đánh dấu bằng cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh và sự nổi lên của Tổng thống Donald Trump. Đến năm 2018 là con số 0 tròn trĩnh. 

{keywords}

Harari cũng kể câu chuyện của chính mình vào năm 2015, ông đi khắp thế giới nói chuyện với nhiều tầng lớp từ thành viên chính phủ, doanh nhân đến học sinh về “trạng huống của loài người”. Ông đề cập nhiều đến trí tuệ nhân tạo, thuật toán Big Data và công nghệ sinh học. Ông đặc biệt nhấn mạnh và gây sự chú ý với đám đông bằng hai chữ: việc làm. Cuộc cách mạng công nghệ có thể sớm đẩy hàng tỷ người ra khỏi thị trường lao động và tạo ra một “tầng lớp vô dụng” khổng lồ mới, dẫn đến những biến động xã hội và chính trị mà không một chủ thuyết hiện hữu nào biết cách giải quyết. Tất cả những cuộc chuyện trò về công nghệ và ý thức hệ có thể nghe rất trừu tượng và xa xôi, nhưng viễn tưởng rất thật về tình trạng thất nghiệp hàng loạt, hoặc thất nghiệp đơn lẻ, khiến bất cứ ai cũng phải quan tâm.

Đặc biệt, Harari đề cập đến thách thức lớn nhất và chưa từng có trong lịch sử chính là sự hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Sự lớn mạnh của công nghệ tác động vào mọi lĩnh vực từ hệ thống chính trị đến những mặt đời thường nhất trong xã hội. Harari nói về tác động của công nghệ trong lĩnh vực tài chính: “Khi AI phát triển, sớm thôi, sẽ không ai còn hiểu nổi nền tài chính nữa. Việc này sẽ ảnh hưởng ra sao đến tiến trình chính trị? Bạn có thể tưởng tượng một chính phủ “gò lưng” chờ một thuật toán xét duyệt ngân sách hay bản cải cách thuế mới cho mình không? Trong khi đó, cách mạng blockchain ngang hàng (P2P) và các đồng tiền mã hóa như Bitcoin có thể hoàn toàn tái cơ cấu hệ thống tiền tệ khiến các cải cách thuế triệt để là không tránh khỏi….”. Khi công nghệ đã ảnh hưởng đến thể chế thì theo tác giả phải đưa ra những giải pháp phù hợp, chẳng hạn như trong trường hợp ông vừa nêu nên phát minh ra một loại thuế mới…

Đề cập đến mỗi cá nhân trong thời đại công nghệ, Harari cho rằng cuộc cách mạng kép trong công nghệ thông tin và công nghệ sinh học không những cải cách nền kinh tế, chính trị, xã hội mà còn cải cách chính chúng ta từ thể chất đến tâm hồn. “Trong quá khứ, con người đã học cách kiểm soát thế giới bên ngoài, nhưng chỉ kiểm soát được rất ít thế giới bên trong. Chúng ta biết cách xây một cái đập và ngăn dòng một con sông, nhưng không biết làm thế nào để ngăn cơ thể khỏi lão hóa. Chúng ta biết làm sao để thiết kế một hệ thống tưới tiêu nhưng không biết làm thế nào để thiết kế một bộ não. Nếu một con muỗi vo ve bên tai và phá giấc ngủ, chúng ta biết làm thế nào để diệt con muỗi; nhưng nếu một ý nghĩ vo ve trong đầu và làm trằn trọc thâu đêm, hầu hết chúng ta không biết làm gì để diệt ý nghĩ đó”, ông viết.

Những câu chuyện, những dẫn chứng lịch sử của Harari cho thấy trục xoay của thế giới đã thay đổi. Vậy chúng ta phải làm gì?

Thế kỷ mới đòi hỏi ở con người không chỉ là kiến thức mà là kỹ năng để nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi bao gồm: Tư duy phản biện (critical thinking), Giao tiếp (communication), Hợp tác (collaboration) và sáng tạo (creative). Việc giáo dục con người sẽ cần chuyển trọng tâm từ việc nhồi nhét kiến thức sang phát triển các kỹ năng thích nghi trong thời đại mới, kỹ năng chọn lọc những thông tin có ích mà chúng ta được tiếp cận. Đó là những gì con người cần để tìm được ý nghĩa cuộc sống của bản thân.

Chúng ta cần trả lời một số vấn đề: Chúng ta là ai? Chúng ta nên làm gì trong đời? Những loại kỹ năng nào là cần thiết? Với tất cả những gì chúng ta biết và không biết về khoa học, Chúa, chính trị, tôn giáo, chúng ta có thể nói gì về ý nghĩa của cuộc đời ngày nay?

Những câu hỏi này được gói gọn trong tư tưởng mà ông đúc kết: “Loài người đang mất lòng tin vào câu chuyện tự do đã thống trị nền chính trị toàn cầu trong vài thập kỷ gần đây, chính xác là từ sự hợp nhất của công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, bắt ta đối đầu với những thách thức lớn nhất mà loài người từng phải đối mặt”.

Bởi thế, không còn cách nào khác, con người phải thay đổi nhận thức, làm khác đi trong một xã hội nhiều biến động mà công nghệ là trục xoay chính, tác động lên mọi vấn đề từ thể chế đến đời sống của từng cá nhân.

Chúng ta suy ngẫm như thế nào về nhận định này của Harari?

“Nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới giữa thế kỷ 21 nghe như khoa học viễn tưởng thì mô tả đó có thể sai. Nhưng nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới giữa thế kỷ 21 mà nghe không giống khoa học viễn tưởng thì mô tả đó chắc chắn sai”. 

Hoài Thương

'21 bài học cho thế kỷ 21': Con người chi phối công nghệ hay công nghệ thao túng con người?

'21 bài học cho thế kỷ 21': Con người chi phối công nghệ hay công nghệ thao túng con người?

"21 bài học cho thế kỷ 21" là sự tiếp nối cho hai cuốn sách thuộc hàng kinh điển khác trước đó của nhà sử học người Israel, Yuvah Noah Harari.