Chiều 30/9, báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách mới Trường học hay trường đời của tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cũng là người viết sách cho nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có TS Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; diễn giả hàng đầu Việt Nam), TS Alok Bharadwaj (Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách chiến lược của Canon châu Á)... Anh là người phụ trách các dự án truyền thông giữa báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC)…  

{keywords}
Nhà báo Tuấn Anh ký tặng sách độc giả.

 

Bằng kinh nghiệm có được trong suốt quá trình làm nghề và được đi nhiều nước, được tiếp xúc với nhiều bậc thầy về nhân sự, marketing, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tự tin rằng, cuốn sách của mình không giáo điều. Mà nó chỉ là những cóp nhặt thực tế anh đã trải qua và từ đó rút ra được những quan điểm nhìn nhận sự vật, hiện tượng xảy đến xung quanh mình và đưa ra được lời khuyên phù hợp.

Trường học hay trường đời có 8 chương: Trước ngưỡng cửa tự lập; Trường học hay trường đời?; Những câu hỏi có giá nghìn tỉ đồng; Uống rượu, đọc sách, xem phim và bóng đá; "Di sản" của người quê; Học từ những người giỏi nhất; Những bài học từ TS Lê Thẩm Dương; Thắng được mình thì hết kẻ thù. Đặc biệt, một số nội dung trong cuốn sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công 2 sắp ra mắt của TS Lê Thẩm Dương được trích đăng trong cuốn sách này.

Trong cuốn sách, nhà báo Tuấn Anh cũng đã trích lại công thức 10:20:70 của TS Alok Bharadwaj (Nguyên Phó chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược của Canon châu Á; Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á): "Những gì học tập được ở trường lớp chính quy chỉ chiếm 10% kiến thức của mỗi người. 20% kiến thức còn lại đến từ các tương tác xã hội. 70% kiến thức đến từ trải nghiệm".

Với việc coi học ở trường chỉ chiếm 10%, nhiều người sẽ nghĩ rằng nhà báo Anh Tuấn cổ suý cho việc coi nhẹ học ở trường. Tuy nhiên, nhà báo giải thích: "Thực ra, 10% kiến thức thu nạp được ở trường, tưởng nhỏ mà không hề nhỏ. Bởi chúng ta không có 10% đó, chắc chắc sẽ không có 20% tiếp theo và càng không có 70% còn lại. 10% ở trường tuy nhỏ mà có võ".

"Trường học hay trường đời, trường nào thì cũng phải học. Nhưng nếu biết cách học và được học từ những người phù hợp nhất thì sẽ thành công nhanh hơn. Đây cũng là “kim chỉ nam” để chúng tôi xây dựng nội dung cuốn sách này", nhà báo Tuấn Anh giải thích.

{keywords}
Trường học hay trường đời, trường nào thì cũng phải học.

 

Nhận xét về sách Trường học hay trường đời, PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế - Trường Đại học Ngoại thương, cho biết: “Trường học hay trường đời thì đều phải học. Và để học tốt không có cách nào khác là học thường xuyên và tự học. Chúng ta sống trong một thời đại mới, một không gian sống mới - giao thoa giữa thực và ảo. Kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đang làm đảo ngược cuộc sống của con người. Con người đang bị số hoá mà không hề biết. Nghề nghiệp vì thế sẽ chịu nhiều thay đổi lớn, nếu không nói là sắp diễn ra một cuộc cách mạng trong chuyển đổi nghề nghiệp. Cuốn sách của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, một chuyên gia trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp sẽ giúp bạn đọc chuẩn bị tốt những hành trang cần thiết thích ứng với thời cuộc. Tự học, học liên tục, học ở trường, học ở đời, học để làm chủ cuộc đời mình - đó là thông điệp chính của Trường học hay trường đời”.

Nhà báo Lê Thanh Hà - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên, cho rằng: "Lâu nay nhiều người vẫn nhầm lẫn rời trường học đồng nghĩa với bỏ học. Những người thành công nhưng không qua giảng đường Đại học như Bill Gate hay Mark Zuckerberg…thực ra chưa bao giờ bỏ học. Họ học hỏi hằng ngày, theo những cách khác nhau, để có thể khởi sự và xây dựng một sự nghiệp lẫy lừng và đóng góp to lớn cho nhân loại. Cuốn sách này của tác giả Nguyễn Tuấn Anh có thể giúp bạn nhìn ra điều quan trọng, là dù đến trường hay không, dù trường học hay trường đời, bạn vẫn phải không ngừng học hỏi, từ bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào. Học để thích ứng với những đổi thay. Học để nắm bắt cơ hội khi nó đến. Học để đón trước những điều mà hôm nay thậm chí còn chưa hình dung ra được. Học để làm chủ vận mệnh của chính mình trong cuộc chuyển đổi long trời lở đất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Tại buổi ra mắt sách, nhà báo Nguyễn Huy Lộc – Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò cho biết cùng với việc ra mắt sách Trường học hay trường đời, một chuỗi chương trình toạ đàm hướng nghiệp cùng tên “Trường học hay trường đời” sẽ được tổ chức tại nhiều trường đại học lớn với sự tham gia của tác giả cuốn sách và nhiều diễn giả, nghệ sĩ nổi tiếng.

Tình Lê

Cuộc đời thăng trầm của ngôi sao khoa học sáng giá bậc nhất Stephen Hawking

Cuộc đời thăng trầm của ngôi sao khoa học sáng giá bậc nhất Stephen Hawking

Trong cuốn sách “Stephen Hawking – Một trí tuệ không giới hạn”, các tác giả đã phác họa cuộc đời của ngôi sao khoa học nhiều bất hạnh.