Mới đây, Đàm Vĩnh Hưng gây sóng gió dư luận khi "đăng đàn" với giọng điệu ngoa ngoắt, đe dọa một người phụ nữ có tên Lê Hoài Anh bởi người này đã đăng bức hình thân thiết của nam ca sĩ với Nguyễn Hữu Linh - người vừa bị cơ quan công an quận 4 (TP.HCM) ra quyết định khởi tố trong vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy với chú thích: "Trong bức ảnh này, giờ ai nổi tiếng hơn ai nhỉ?".

Trong bài đăng, Đàm Vĩnh Hưng viết, fan của anh rất hùng hậu và ở khắp mọi nơi. Họ sẵn sàng làm tất cả vì thần tượng của mình.

{keywords}
Câu chuyện lùm xùm gây tranh cãi về ứng xử của Đàm Vĩnh Hưng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên Mr. Đàm khiến công chúng phản ứng lại với cách hành xử và những lời nói được cho là phản cảm, không phù hợp. Và đây cũng không phải lần đầu anh nhấn mạnh rằng, mình sức mạnh của lượng fan đông đảo ở khắp mọi nơi. Thế nhưng, những lời nói và hành động này lại được một số lượng đông đảo fan cuồng tung hô và ủng hộ.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long - người sáng lập Trăng đen nói: Trong cuộc sống của nhiều mối quan hệ. Mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã giao... Tôi không cho rằng, một mối quan hệ giữa người hâm mộ và thần tượng là một mối quan hệ sẽ gắn bó cả đời. Có thể, nhiều người nổi tiếng là cả một thời thanh xuân tươi đẹp với nhiều người. Thế nhưng, sau này, họ sẽ nghĩ về việc, thần tượng đã khiến mình tốt lên hay xấu đi như thế nào?'.

Fan bênh vực thần tượng một cách cực đoan

Văn hóa cuồng nộ của nhiều người với những thần tượng của mình không phải là điều mới mẻ mới được bàn đến. Câu chuyện ranh giới về fan chân chính và fan cuồng đã được đặt lên bàn tranh cãi không ít lần.

Nhiều người thể hiện sự mù quáng khi luôn luôn ủng hộ một cách bất chấp tất cả những gì thần tượng của mình nói hoặc làm. Sự yêu thích của họ đã làm mờ đi lý trí phân biệt phải trái, đúng sai. Câu chuyện đó không mới và cũng không phải chưa bao giờ gặp.

{keywords}
Không phải lần đầu Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố có sức mạnh từ lượng fan hùng hậu khắp nơi.

Nói về sự việc của Đàm Vĩnh Hưng, ngay sau khi anh đăng đàn đe dọa sẽ “xử” những người nói nhiều điều không hay về mình rất nhiều những người yêu mến nam ca sĩ bày tỏ sự ủng hộ với thần tượng. "Xử lý hết chúng nó đi anh", "Chất luôn anh ơi, khóa mõm hết lại lũ dơ dáy, bẩn tưởi đi"... là những bình luận kém văn minh và lịch sự mà những người mến mộ Đàm Vĩnh Hưng đưa ra khi anh lên tiếng chỉ trích người phụ nữ có tên Lê Hoài Anh.

Đọc đến đây, nhiều người chợt giật mình bởi tại sao những lời nói mang tính chất không lịch sự, văn minh, thậm chí được cho là kém văn hóa lại được nhiều người ủng hộ và tung hô đến vậy. Chỉ vì những điều đó xuất phát từ những người mà họ yêu quý?

Liên hệ xa hơn, Bigbang có thể nói là một “đế chế” trong âm nhạc Kpop, là tuổi thanh xuân của hàng triệu fan khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, mới đây, vụ bê bối liên quan tới chất kích thích và môi giới gái mại dâm của Seungri – em út và cũng là cựu thành viên của nhóm nhạc gây không ít tranh cãi cũng chỉ vì xuất phát từ tâm lý bảo vệ thần tượng mù quáng của nhiều fan cuồng.

Vẫn có không ít một lượng fan đông đảo ngày ngày động viên và bảo vệ cho Seungri. Họ có một niềm tin không thể lung lay vào thần tượng.

“Dù anh ấy có làm gì thì vẫn là thanh xuân của tôi, tôi vẫn luôn yêu anh ấy”, “Các bạn đúng là những người hâm mộ không chân chính khi không lên tiếng bảo vệ thần tượng của mình”, “Em sẽ luôn đứng về phía anh dù anh có làm gì đi nữa”…là những bình luận rất dễ thấy mỗi khi chúng ta vào những trang fanpage yêu thích của nhóm nhạc này.

Vậy tại sao nhiều fan lại có tâm lý bất chấp mọi giá trị xã hội, luật pháp như vậy chỉ để bảo vệ thần tượng? Liên quan tới việc này, nhà thơ Phong Việt bày tỏ, câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng giống như một trường hợp "giọt nước tràn ly", mọi người khi nhìn vào sẽ đặt vấn đề nghiêm túc và kỹ lưỡng hơn về việc họ sẽ xử lý như thế nào khi rơi vào những trường hợp tương tự.

{keywords}
Một fan nữ để thần tượng ký tên lên ngực.

“Fan của Đàm Vĩnh Hưng nói riêng và của nhiều nghệ sĩ nói chung luôn ở trạng thái cực đoan. Họ sẽ luôn bảo vệ thần tượng mọi giá có thể ngay cả khi họ nhận thức được việc thần tượng của mình chưa đúng ở chỗ này, chưa hợp lý ở chỗ kia.

Đó cũng là câu chuyện của đám đông. Nhiều người ủng hộ quan điểm của mình vô hình chung khiến cả một đám đông thấy đúng và a dua theo nhau. Trong câu chuyện này, cái họ đang bảo vệ nghiêng về cảm xúc, không nghiêng về lý trí. Họ chỉ biết họ yêu người đó nên sẽ làm mọi thứ để bảo vệ”, nhà thơ Phong Việt bày tỏ.

Cũng theo anh, phần lớn fan của nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam vẫn ở trong độ tuổi chưa chín chắn và nhận thức đầy đủ về những gì mình đang làm và bảo vệ. Sự phân tích rạch ròi sai đúng của đa phần trong số họ vẫn chưa đủ rõ ràng. “Họ sẵn sàng chửi bới, miệt thị ai đó có những lời nói hay việc làm ảnh hưởng xấu tới thần tượng của mình”.

Nhà thơ Phong Việt đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Ngọc Long khi cho rằng, có thể sau này đến một độ tuổi hay một thời điểm nhất định, nhiều fan hâm mộ sẽ nhận ra được những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực mà thần tượng của họ tác động tới mình. Việc fan quay lưng với thần tượng cũng là một khả năng rất lớn có thể xảy ra.

Khiến nghệ sĩ ảo tưởng sức mạnh

Một số người đã ví von việc fan cuồng bảo vệ thần tượng giống như câu chuyện một người mẹ thương con. Họ bằng mọi cách bảo vệ đứa con của mình mà không nhận ra sự bảo bọc, yêu thương mù quáng đó làm hại chính con của mình.

Rõ ràng, sự mù quáng, bất chấp mọi giá trị của xã hội của fan để bảo vệ thần tượng cũng như vậy. Và vô hình trung, sự bảo vệ đó khiến nhiều nghệ sĩ bị ảo tưởng sức mạnh.

{keywords}
Đàm Vĩnh Hưng là một người có lượng fan đông đảo.

“Sự cuồng nộ của fan với thần tượng là một tác nhân rất lớn khiến nhiều nghệ sĩ bị ảo tưởng bởi khi bạn làm điều gì đó mà không có người ủng hộ thì bạn sẽ rất hoang mang, lo lắng. Khi bạn được ủng hộ thì đó là một động lực rất lớn”, nhà thơ Phong Việt bày tỏ.

Theo chuyên gia truyền thông Phan Khôi, rất ít những trường hợp nghệ sĩ muốn lấy sự say xỉn, chửi bậy của mình ra để gây sự chú ý. Ở Việt Nam hơi khác một chút so với thị trường quốc tế vì có lượng công chúng đa dạng và khác biệt. Chính bối cảnh đó khiến công chúng sẵn sàng chấp nhận thần tượng theo cách của mình. Ở Việt Nam, khi fan thích một người nghệ sĩ, họ sẽ theo một cách chân thành.

Cũng theo nam chuyên gia, nghệ sĩ và fan có mối quan hệ bắt buộc, nương tựa vào nhau. "Nghệ sĩ lớn mạnh hay không nổi tiếng là phụ thuộc vào fan. Khi có fan thì tác phẩm của họ mới được lan tỏa, họ cũng dễ dàng được bảo vệ hơn trong những cuộc tranh cãi. Người nghệ sĩ cũng có thể tạo ra một xu hướng riêng nhờ fan.

Nhiệm vụ có người nghệ sĩ là phải nuôi dưỡng lượng fan lớn mạnh. Fan tạo nên phong cách người nghệ sĩ và người nghệ sĩ cũng góp phần thỏa mãn phong cách của người hâm mộ. Trong mối quan hệ này, nghệ sĩ cần fan hơn. Tôi nghĩ, Đàm Vĩnh Hưng đã luôn như vậy hoặc na ná như vậy rồi nhưng lượng fan của anh ta vẫn không thay đổi. Có lẽ, sẽ có những người quay lưng nhưng số lượng là rất nhỏ", ông Phan Lê Khôi bày tỏ.

Rõ ràng, nhiều người nhận thấy đây không phải câu chuyện gì mới mẻ về cách ứng xử của Mr Đàm. Nhà thơ Phong Việt xem đây là một cách ứng xử quen thuộc của Đàm Vĩnh Hưng nên không quá bất ngờ.

Vậy tại sao lại có sự lặp lại đó trong khi có không ít lần dư luận bày tỏ sự không đồng tình? Rõ ràng, người phát ngôn sẽ có cảm giác chiến thắng trong cuộc tranh luận, đấu khẩu đó bởi phía sau họ được rất nhiều người a dua, ủng hộ quan điểm.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng: "Ở trường hợp này, có thể họ đang bị quá ảo tưởng về bản thân. Bởi những phát ngôn đó chưa có hậu quả nhất định và chịu sự trừng phạt ở một cấp độ nào đó".

Yêu sao cho sáng suốt?

Để hạn chế bớt sự a dua của fan, nhà thơ Phong Việt đưa ra 2 giải pháp. Đầu tiên, chính những người nghệ sĩ phải có một chuẩn mực nhất định về những phát ngôn hay việc làm của mình.

Bởi đã là người của công chúng, người nổi tiếng thì lại càng phải có trách nhiệm với sự yêu mến của mọi người dành cho mình. Nếu nhiều người nghệ sĩ có chuẩn mực trong ứng xử thì sẽ là một sự tác động tích cực tới những fan của mình.

Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, tại sao, người nổi tiếng không dùng lượng fan hùng hậu ấy để lên án những điều xấu xa, kêu gọi nhiều điều mang lại giá trị tốt đẹp, tích cực cho xã hội. Điều đó có lẽ tốt hơn nhiều lần và khiến họ sống mãi trong lòng khán giả hơn là việc gây chú ý từ những cuộc tranh cãi, chửi bới.

Thứ hai là câu chuyện về giáo dục. Nhiều người hiện nay chưa có cách ứng xử chuẩn mực trên mạng xã hội, thoải mái bộc lộ những điều họ nghĩ mà không tính đến việc bị xử phạt bởi chế tài xử phạt với những phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội

“Việc áp dụng mạnh mẽ chế tài với mạng xã hội sẽ khiến nhiều người sẽ phải dè chừng những gì mình nói và làm trên mạng xã hội chứ không riêng gì những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trước công chúng”, nhà thơ Phong Việt bày tỏ.

Hà Lan

Hãng hàng không nói gì về thông tin Đàm Vĩnh Hưng là đại sứ thương hiệu?

Hãng hàng không nói gì về thông tin Đàm Vĩnh Hưng là đại sứ thương hiệu?

 - Trước thông tin tẩy chay hãng hàng không mời Đàm Vĩnh Hưng là đại sứ thương hiệu, hãng này cho hay họ chưa có bất kỳ hợp đồng “đại sứ thương hiệu” hay “đại sứ hình ảnh” dưới mọi hình thức với bất kì nghệ sĩ nào.