Phạm Hoài Nam bình thản nói về chuyện chụp nude:

VietNamNet gặp Phạm Hoài Nam vào một chiều mưa, nghe anh nói về âm nhạc của mình – thứ khiến mọi người tranh cãi, hoài nghi nhiều nhất về anh 4 năm nay. Đặc biệt, Phạm Hoài Nam trìu mến khi nhắc về những ‘nàng thơ’ Hà Tăng, Ngô Thanh Vân, Xuân Lan… và cũng đủ điềm tĩnh kể về những người tuyên bố ‘không đội trời chung’ với mình.

Nghề nhiếp ảnh đã đến tuổi

- Người ta đồn đoán chuyện anh nghỉ chụp hình để đi hát rất nhiều. Như là: “Ông Nam già rồi nên chỉ làm những gì mình thích” hay “Ông Nam không tiến xa hơn trong nhiếp ảnh được nữa nên phải đổi nghề”. Vậy sự thật là gì?

Bạn nói đúng, không riêng nhiếp ảnh mà nghề nào rồi cũng sẽ đến tuổi. Chính xác là tôi khá ít show ở thời điểm này. Tôi đi hát khoảng 4 năm, lấy âm nhạc dung dưỡng nguồn cảm hứng nhiếp ảnh và đi chụp ảnh để nuôi lại âm nhạc.

Đôi khi, tôi tự hỏi nên để người ta gọi mình là gì? Tôi muốn hát thì hát, cũng như lúc bắt đầu cầm máy lên là tôi chụp vậy thôi, chẳng có nguyên do gì cả. Gọi là gì thì cứ gọi tên đi, chức danh có khi lại thành vô nghĩa.

Ngày xưa, tôi vì giúp em tôi mà theo nhiếp ảnh. Bây giờ, tôi vì giúp tôi mà đi ca hát. Có khác gì đâu?

- Nhưng cái bóng của “nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam” quá lớn vô hình trung làm mọi người không thừa nhận âm nhạc của anh…

Khán giả đến nghe tôi hát phần nhiều là người trẻ. Hầu như khán giả dưới 35 tuổi không biết tôi từng làm nhiếp ảnh, dù tôi đi chụp 22 năm trời. Họ đến vì từng nghe giọng tôi hát ở đâu đó. Những người trên 40 chủ yếu là bạn bè.

Như vậy, khán giả của tôi không biết tôi là nhiếp ảnh gia, còn những người biết tôi là nhiếp ảnh gia thì không công nhận tôi là ca sĩ. Tôi hiểu và chấp nhận tất cả điều đó.

Tôi vẫn chụp ảnh. Bạn thử nhìn ra đường, những ảnh quảng cáo tôi chụp vẫn dán đầy trên các cửa xe taxi đấy chứ. Tôi chụp ít lại để chắt chiu cảm hứng nhiếp ảnh, chỉ chụp khi thích hợp.

{keywords}
'Ông Nam' không nghỉ chụp, cũng không bỏ nhiếp ảnh để đi ca hát. Chính xác, anh đang dung dưỡng lại nghề đưa mình đến đỉnh cao của sự nghiệp.

- Mang danh nhiếp ảnh gia, anh tự hào ở cống hiến nào của mình cho nghề?

Bạn cầm máy và chụp bằng trái tim của mình, chỉ cần một người yêu thích ảnh của bạn thì bạn đã xứng đáng được gọi là nhiếp ảnh gia rồi. Nghề nhiếp ảnh không nên phân thấp cao, cũng không nên chú trọng kiểu bằng cấp như vậy.

Thú thật, tôi rất yêu tất cả những gì mình đã làm. Nhưng nói về cống hiến cho nghề, tôi không có gì để kể cả. Nếu được, tôi muốn chia sẻ một cảm giác này với bạn. Có một lần khoảng những năm đầu 2000, vào tháng đầu tiên sau Tết, tôi ra sạp báo, ngoại trừ nhật báo thì ảnh bìa các số báo tuần, báo tháng lúc đó ra sạp đều do tôi chụp. Bạn có hiểu cảm giác khi tất cả báo trên sạp lúc đó đều là ảnh của mình không? Tôi đã tự nói với mình rằng: Đây chính là niềm tự hào của mình.

Tôi cũng từng thầm ước tất cả ảnh được chụp ở Việt Nam của tờ Đẹp – báo ảnh số 1 Việt Nam lúc đó, đều do mình chụp. Không lâu sau, trong một số báo của Đẹp xuất bản, chuyện đó đã thành sự thật. Toàn bộ ảnh từ quảng cáo, nhân vật, thời trang, make up… trong cuốn tạp chí dày cộm đó chỉ có ảnh của tôi.

Những điều đó không rõ có phải là cống hiến mà bạn đề cập không? Dù thời của những sạp báo đã đi qua, tôi không còn gì để chứng minh cả nhưng tay vẫn nổi gai ốc mỗi khi kể về. Tôi nghĩ là tôi chỉ giữ lại những cảm giác đó cho mình thôi.

Bố mẹ bắt tôi dẹp studio vì sự cố chụp nude

- Thời gian gần đây, người ta đổ xô chụp nude, chen nhau lên rừng xuống biển chỉ để… khỏa thân. Nhiếp ảnh gia như anh nói gì?

Người ta biết đến Phạm Hoài Nam đầu tiên qua chụp nude đấy! Khoảng những năm 1997 – 2000, khi tôi đang còn tìm hiểu nhiếp ảnh, không đến trường học nên tôi tự ra đề bài và giải quyết chúng.

Nude là một trong những bài tập đó. Tôi chụp xong, thấy đẹp nên đăng lên website riêng. Và tôi gặp rắc rối.

Có người đã đưa chuyện tôi đăng hình nude lên website ra giữa buổi họp giao ban của Sở. Sau đó, tôi bị 'đập' nhiều.

Thời điểm đó, cách xã hội chúng ta nhìn ảnh nude khác bây giờ nhiều lắm. Hồi tôi còn nhỏ, ngay tại Sài Gòn, từng có người vì chụp nude mà đi tù. Ba mẹ bắt tôi dẹp studio. Họ nghiễm nhiên coi đó là chuyện cấm nên tôi cũng không tự bảo vệ mình được.

Tôi phải khoá phần ảnh nude trên website đó lại để tránh rắc rối. Còn nhớ sau đó trả lời với VietNamNet, tôi có nói: Từ khỏa thân nghệ thuật sang khiêu dâm chỉ cách một lằn ranh rất nhỏ, làn ranh ấy trong cảm nhận của người xem chứ không phải do nhà nhiếp ảnh quyết định.

Cho đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn chụp nude như một phần không thể thiếu của việc sáng tạo, nhưng không dễ để trưng ra cho ai đó xem. Tôi không muốn số phận tác phẩm của mình bị phụ thuộc vào người khác như vậy.

Tôi không thấy lạ khi xã hội nở rộ việc chụp nude. Mọi thứ đã thay đổi, không như 20 năm trước nữa. Thế giới luôn rộng mở, nếu không có luật lệ nào quy định thì xã hội sẽ phát triển tự do theo cách mà nó vận hành.

Như ảnh cưới nude, bên Trung Quốc đã làm từ rất lâu, thậm chí in báo. Tây Âu thì khỏi nói, họ nhìn theo cách đó từ thời Phục Hưng. Tôi tự hỏi thuần phong mỹ tục là gì khi cả thế giới đều làm, riêng chúng ta không được làm?

Cơ thể trần trụi của con người là tạo vật hoàn hảo của tự nhiên. Già hay trẻ, mập hay ốm... chỉ cần là chính họ đều đã rất đẹp rồi, không cần lớp áo quần nào cả.

Hồi xưa, tôi chụp nude rất nhiều nhưng luôn tránh chụp bộ phận sinh dục. Có lần, tôi xem ảnh chụp bộ phận sinh dục nữ của một nhiếp ảnh gia người Nhật, trông như một bông hoa, đẹp kinh khủng.

Tôi lớn lên trong một gia đình có hơn 30 họa sĩ, nên cách tôi nhìn cơ thể trần trụi của con người như vậy. Cuối cùng, vấn đề chỉ là do người nhìn có đủ thẩm mỹ để thấy sự trần trụi ấy là đẹp hay không mà thôi.

Ngay cả ở những bảo tàng nhiếp ảnh nổi tiếng trên thế giới, rất nhiều ảnh nude được phủ rèm, ai muốn xem thì tự giở lên. Có nghĩa rằng ở Việt Nam hay trên thế giới, bây giờ hay mai sau nữa, tranh cãi về ảnh nude cũng không bao giờ dứt.

{keywords}
"Hồi xưa, tôi chụp nude rất nhiều nhưng luôn tránh chụp bộ phận sinh dục. Có lần, tôi xem ảnh chụp bộ phận sinh dục nữ của một nhiếp ảnh gia người Nhật, trông như một bông hoa, đẹp kinh khủng", nhiếp ảnh gia gạo cội kể về một trải nghiệm ảnh nude.

Thương Tăng Thanh Hà nhất

- Trong những ngôi sao mà anh từng góp phần làm nên thành công của họ, anh ấn tượng ai nhất?

Tăng Thanh Hà. Cho đến bây giờ, khi tôi không còn chụp và Hà cũng không hoạt động nghệ thuật nữa thì cô ấy vẫn là ngôi sao sáng. Chúng tôi đi cùng nhau từ những bước đầu tiên. Tôi vẫn nhớ hồi đầu đi xin bìa cho Hà, may mà xin được ngay.

Chúng tôi là gia đình. Giờ, Hà vẫn hay bế con sang tôi chơi. Vượt lên trên cả sự thành công là tình cảm giữa người và người – điều chúng ta không dễ tìm thấy trong cuộc sống này.

Nếu được kể thêm, tôi nghĩ đó là Nguyên Thảo. Cô ấy có thể không thành công theo tiêu chí thị trường và lâu lâu mới xuất hiện nhưng luôn tỏa ra thứ năng lượng đặc biệt đến mọi người, trong đó có tôi. Dù tôi chỉ chụp vài tấm cho bài phỏng vấn thôi nhưng chụp Thảo rất thích.

Tôi kể chuyện vui này: có một thời, nhiều ca sĩ tìm đến ông Nam chụp ảnh hoặc bìa đĩa vì tin rằng ông Nam chụp hên đấy! Bạn tin không? Có thể, sau thành công của những Mỹ Linh, Mỹ Lệ, Đoan Trang, Thu Minh, Hiền Thục, Nguyễn Phi Hùng… đều ‘qua tay’ ông Nam mà người ta nhìn tôi theo cách như vậy. Hay là do tôi chụp hên thật thì sao?

- Vậy anh thương ai nhất?

Vẫn là Tăng Thanh Hà! Kế đến là Ngô Thanh Vân, Xuân Lan. Tôi thương Vân vì Vân đẹp, giỏi, vì Vân đi cùng tôi từ những ngày đầu làm nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Vân và Mỹ Linh là hai nghệ sĩ đầu tiên ekip chúng tôi thể nghiệm việc tạo dựng hình ảnh nghệ sĩ. Tôi, Nam Trung và Cường Hoàng Lệ đã khơi mào trò cắt tóc giả gắn lên tóc thật, về sau tạo thành phong trào nối tóc mà dịch vụ đó đến bây giờ vẫn còn.

Tôi quen Xuân Lan lúc cô ấy ở xuất phát điểm của nghề, lên cao rồi xuống đến tận cùng khi không có show, phải đi đóng kịch trước khi lên cao trở lại. Cô ấy đã chia sẻ với tôi những điều không ai có.

Tôi thương họ chính là thương ở hành trình chúng tôi đi cùng nhau quá dài, quá nhiều kỷ niệm. Tôi vẫn hay nói Vân: “Cô có làm gì đi nữa, nếu cần, bác vẫn còn ngồi đây chờ”.

{keywords}
Phạm Hoài Nam trìu mến nhắc về các 'nàng thơ' trong nghiệp cầm máy.

- Ngôi sao nào từng ‘chảnh’ với Phạm Hoài Nam?

Người đầu tiên tôi nhớ là một ngôi sao trễ giờ. Chúng tôi hẹn 1 giờ trưa nhưng 5 giờ cô ấy mới đến.

Người thứ 2 mà tôi biết khi nhận một job chụp sự kiện nhãn hàng vào buổi sáng sớm. Cô ấy nói với BTC nếu Phạm Hoài Nam chụp thì cô ấy không làm nữa. Thế là BTC xin lỗi tôi và tìm một photo khác thay thế.

Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu vì sao cô ấy nói như vậy. Nhưng sau này có người nhắc lại chuyện tôi từng để cô ấy chờ ở nhà. Hôm đó, tôi đang đi chụp ở ngoài và có sự cố nên không về được. Cô ấy chờ tôi khoảng 2 tiếng rồi bỏ về. Từ đó, chúng tôi không làm việc với nhau nữa.

Có một sao nam từng làm việc với tôi rất vui vẻ, nhưng sau đó bỗng ngó lơ tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn không biết nguyên do chuyện này. Lần gần đây nhất, tôi gặp lại, bạn ấy có chào xã giao một cái rồi thôi.

Đó là một nỗi buồn của nghề. Thật ra, tôi chỉ muốn làm tốt nhất việc của mình thôi. Tôi đã tự bào mòn sự gai góc của mình đi nhiều để sống trọn vẹn hơn với nghề này.

- Tôi cứ tưởng nếu ai đó ghét anh thì hẳn do tính gai góc của anh chứ?

Hồi xưa, tôi gai góc, khó chịu lắm. Tôi từng có kiểu hễ ai làm trái ý là “tát nát mặt” để sửa lại cho đúng ý mình. Có lần, tôi đuổi thẳng cổ một stylist ra khỏi studio trong buổi chụp Ngọc Anh vì bạn ấy chỉ đứng nói mà không làm.

Tôi từng làm kênh “Ông Kẹ report” để bình luận các sự kiện trong showbiz. Tôi làm khoảng mười mấy video, được mọi người thích lắm, đến giờ vẫn còn. Khi xem lại, tôi thấy mình đang làm quá, đang cố tỏ ra gai góc nhưng tôi không phải như vậy. Nhận ra điều này, tôi cho dừng kênh đó lại.

Trong việc góp ý, tôi thẳng thắn thật, nhưng sự thẳng thắn không phải là điều đầu tiên mà người ta nhìn thấy trong lời góp ý. Tôi muốn mình nói sao vẫn thẳng thắn mà người nghe cảm nhận được và sửa, thay vì họ để bụng hoặc phản ứng lại mình.

Nói nhiều sẽ nói sai, và tôi đã sai trong lúc đó. Nói đến cùng, Phạm Hoài Nam không gai góc như mọi người vẫn nghĩ.

Tôi rất thích câu nói của Trịnh Công Sơn: “Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng”. Khi chúng ta gieo vào người đối diện tình yêu thương, họ sẽ nhớ lâu hơn. Chính xác đó là điều tôi mong muốn.

Gia Bảo
Ảnh, clip: Minh Tuyền

Chụp ảnh nude 100% tại Đà Lạt: Dung tục hay có thể chấp nhận?

Chụp ảnh nude 100% tại Đà Lạt: Dung tục hay có thể chấp nhận?

 - Sau khi đăng tải trên mạng, bộ hình cưới khỏa thân của cặp trai gái chụp tại Đà Lạt gây tranh cãi về nghệ thuật và tục tĩu. Chúng tôi đăng tải bộ ảnh cùng quá trình thực hiện để bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá.