Không uống nước để khỏi phải đi vệ sinh
- Thời gian qua chỉ thấy chị đăng Facebook, liên hệ lại không dễ, vì sao vậy?
Tôi đăng cho có rồi tắt điện thoại ngay. Mặc đồ bảo hộ sử dụng điện thoại rất nguy hiểm, chỗ tôi lại nhiều F0. Mấy hôm nay, chúng tôi "cày" bệnh viện dã chiến rất thích!
Tôi đi tình nguyện hơn 1 tháng nay, hiện không ai còn đếm ngày. Nhóm chúng tôi 50 - 60 người: Nguyễn Phi Hùng, Mâu Thủy, Hoàng Phi Kha, Hoàng My,... Quỳnh Hoa như bà bầu phụ trách bốc "show" và sắp xếp lịch trình. Mỗi "show" mười mấy nghìn người, có ngày chúng tôi chạy 6 "show".
Tuần đầu đi tình nguyện run nhất vì chưa quen. Chúng tôi phải đi bộ 10 tiếng/ngày. Hát thì dễ chứ cầm phiếu hay điều phối là lọng cọng. Tôi hay tiếc đồ bảo hộ nên không uống nước để khỏi phải đi vệ sinh. Vậy mà chúng tôi - những tình nguyện viên (TNV) nghiệp dư, giờ chẳng khác gì TNV chuyên nghiệp.
Hiện tại, chúng tôi không còn biết vất vả là gì. Công việc của TNV rất quan trọng vì vòng ngoài mất trật tự kinh khủng. Chúng tôi điều phối tốt vòng ngoài thì bác sĩ làm việc hiệu quả, nhanh chóng.
Ca hát, tặng quà, hớt tóc,... tình nguyện viên có gì làm nấy.
- Chị về nhà mỗi đêm, có lo ảnh hưởng cho người thân?
Tôi ở nhà với mẹ già, ngủ cùng con nên hết sức cẩn trọng quy tắc làm việc, từ xịt khử trùng đến không sử dụng điện thoại.
Tháng đầu tiên bận nhất, tôi thường đi lúc 2h chiều và kết thúc công việc lúc 12h đêm, đôi khi là 1h sáng hôm sau, gục tại chỗ! Tôi thường phải ngủ tới 9h sáng mới dậy nổi. Ai cũng định đi 1 ngày, nghỉ 1 ngày nhưng rốt cuộc ngày nào cũng đi.
Tôi lạ lắm, càng đi càng khỏe. Đi tình nguyện làm tôi nhớ đợt ra đảo hát phục vụ chiến sĩ liên tục 14 ngày. Phương Thanh có máu binh nghiệp nên rất thích chinh chiến.
Có đi tình nguyện thực tế mới thấy khủng khiếp, khác xa lời nói. Người không biết lại hay nói nhiều chứ chúng tôi không biết diễn tả thế nào cũng chẳng biết nói gì.
- Chẳng trách người ta vẫn bảo Phương Thanh là "ca lạ" của showbiz Việt?
Các bạn trẻ hay nhìn tôi rồi nói: "Chị Thanh lớn tuổi, thôi thì...", tôi cắt ngay: "Lớn gì? Ai lớn? Ở đây không có tuổi tác. Các bạn đi đâu tôi đi đó, chưa chắc các bạn đi lại tôi, đừng đùa!". Sau này, các bạn ai cũng công nhận tôi "đầu gấu", lì đòn, người trẻ cũng chào thua.
Làm tình nguyện bị chửi té tát
- Mẹ chị và bé Gà nói gì với chị?
Mẹ tôi bị "bệnh" tự hào bạn ạ! (cười lớn) Cả nhà tôi đều là lính, bố tôi lái xe Điện Biên Phủ không biết sợ chết là gì, anh tôi đi lính biên giới Tây Nam nên tôi sinh ra đã mang dòng máu lính.
Mẹ tôi cứ đúng 11h trưa là chuẩn bị tất tần tật đồ để con gái đi tình nguyện, tôi xong cơm nước là lên đường. Bà rất hãnh diện với hàng xóm khi con gái xung phong như vậy. Bà sống vì mọi người như xưa nay, có bao nhiêu đem cho thiên hạ hết.
Bé Gà ít nói nhưng tình cảm. Mẹ đi thì cứ đi, bé không cản nhưng bé luôn thức đến 1h sáng đợi mẹ về. Có hôm 12h đêm bé gọi: "Mẹ ơi, sao mẹ chưa về?", tôi tỉnh rụi: "Cho mẹ 1 tiếng với cô chú nữa con nhé".
Mẹ và con tôi giống nhau lắm, luôn tự hào và im lặng. Nhà 3 người phụ nữ 3 thế hệ đều "gấu" như nhau!
- "Người kia" hẳn cũng không ít lo lắng?
(cười lớn) Ôi, quanh tôi đều là máu binh nghiệp cả. Nên khi tôi xung phong, những người quanh tôi chỉ có tự hào và hãnh diện thôi! Nghĩ cũng lạ, nhà tôi có truyền thống đi lính, tới đời Phương Thanh đáng lẽ cũng đi bộ đội thì tự dưng lại làm nghệ sĩ...
Phương Thanh điều phối tại điểm xét nghiệm. Cô mặc đồ bảo hộ nhưng nhiều người dân vẫn nhận ra ca sĩ. |
- Có ai nhận ra chị là ca sĩ không?
Nghệ sĩ mặc đồ xanh TNV nên ai trông cũng như ai. Nhiều khi đang điều phối, tôi bị dân chửi vì để họ đợi lâu. Tôi phải mềm mỏng nói rằng: "Chúng em là TNV, cũng đang đợi bác sĩ như các cô chú thôi ạ" chứ không dám nói là nghệ sĩ.
Tôi trùm kín bưng từ đầu đến chân nhưng không ít người nhận ra Phương Thanh. Lúc nào vắng, tôi có thể cười đáp lại, lúc nào đông thì tôi chối phắt: "Em không phải Phương Thanh". (cười) Tôi đi làm TNV nên tránh tuyệt đối gây lộn xộn, ảnh hưởng công việc của y bác sĩ.
Có hôm, tôi bị dân chửi té tát nhưng đến chiều, họ nhận ra ca sĩ Phương Thanh nên nấu chè đãi TNV xin lỗi.
- Chị và các nghệ sĩ có thường gặp tình huống bị mắng chửi?
Mấy hôm đầu, tôi chưa quen với đồ bảo hộ nên có thể bị cái nóng, mệt tác động đến tâm lý. Nhưng khi đã quen, tôi hiếm khi nóng giận. Chúng tôi thương bác sĩ nên dằn xuống hết. Hoặc tôi có muốn cũng chẳng còn sức tranh cãi.
Thú thật, tôi biết tự ái chứ. Có người chửi tôi muốn sảng luôn. Tôi phải niệm 3 lần câu: "Mình là TNV, không phải nghệ sĩ" để bình tĩnh, bỏ qua. Tôi học tốt chữ "Nhẫn" khi làm TNV, đúng nghĩa tu đời.
Dân có người này, người kia. Chúng tôi là TNV làm có gì làm nấy, cả hát, tặng quà, cắt tóc,... cho dân. Tôi "đẩy" tông-đơ được 3 cái đầu rồi đấy. Tôi hỏi rõ: "Bạn nào thích tóc ngắn, đủ can đảm cho chị Chanh cắt không?", thế là có 3 bạn "hy sinh". Tôi cắt tóc đều đấy, chỉ là phía sau hơi nham nhở...
Đôi lúc quá mệt, Phương Thanh dừng việc điều phối để ra một góc nghỉ ngơi. |
- Chị còn nhận ra ý nghĩa nào sau hơn 1 tháng miệt mài?
Tôi muốn đi tình nguyện từ đợt bùng dịch ở Bắc Giang rồi nhưng điều kiện không cho phép. Vậy nên đợt dịch ở TP.HCM này, tôi quyết phải tham gia.
Ban đầu, tôi nghĩ chắc giãn cách 2 tuần là xong, đội nghệ sĩ 50 - 60 người chia nhau thì mỗi người đi vài ngày. Không ngờ dịch quá dữ dội đến tận bây giờ. Cả đội chúng tôi ai nấy đồng lòng, càng đi càng máu. Mỗi ngày, chúng tôi đều điểm danh và không thiếu một ai. Đội hình này không ai đi để làm màu nên chúng tôi đã quyết sẽ đi đến khi nào hết dịch thì thôi.
Mỗi người một nghiệp, tôi thuộc dạng xung phong tiền tuyến. Bạn nào hợp hậu cần thì hoạt động ở hậu phương, như Đại Nghĩa đang lo rất tốt vấn đề lương thực, thực phẩm. Chúng tôi đều đang góp sức cho cuộc chiến này.
Chúng tôi hiện không cần nói, chỉ nhìn nhau đã biết sẽ đi đến cùng. Có hôm 7 - 8h tối chúng tôi đã xong việc nhưng không ai về. Chúng tôi làm đến 1-2h sáng quen rồi, chia tay sớm không chịu được, phải chạy đi phụ đội khác.
Tình cảm ở tiền tuyến rất kỳ và cũng rất lớn, làm cho sự hy sinh trở nên hay ho. Chúng tôi đi đến một xóm trọ kia được một người dân nấu cháo với 2 con gà. Ông lẳng lặng nấu, chúng tôi lẳng lặng làm. Tôi vừa ăn vừa khóc còn ông cứ im lìm làm việc. Tình cảm ấy nhỏ nhưng níu chúng tôi ở lại. Câu cuối cùng tôi đã nói với mẹ: "Con đi nhìn dân và các bác sĩ mà khóc. Con đi hết khi nào thành phố dập dịch sẽ về''.
Gia Bảo
Phương Thanh: 'Dân nấu nồi cháo gà, nghệ sĩ đi tình nguyện vừa ăn vừa khóc'
Ngày 16/7, ca sĩ Phương Thanh đã có những dòng nhật ký chia sẻ về khoảng thời gian cô cũng các nghệ sĩ tham gia tình nguyện cho công tác chống dịch tại TP.HCM.