Gặp Hồng Trang tại căn nhà chị thuê nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Tần, Q.8 (TP. HCM). Vừa gặp phóng viên, chị hớt hải mời vào nhà ngồi dưới... nền trong căn bếp nhỏ vì không có bàn ghế. "Đêm qua, tôi đã dọn dẹp nhà cửa đến sáng đấy, không thì chẳng được thế này đâu", chị hào hứng khoe, tay rót nước lọc mời khách.

Căn nhà thuê khá rộng. Hồng Trang nói trước đây từng 12 người thuê, tiền thuê mỗi tháng hơn 5 triệu chia đều ra thì phần của mỗi người không nhiều. Nhưng mọi người cứ lần lượt rời đi, đến nay chỉ còn 3 người. Một mình ở trên căn gác rộng khoảng 9m2 được ví von như cái kho, chị dành một nửa diện tích để cất quần áo, đồ đạc, còn lại là một chiếc đệm cũ.

Căn gác nhỏ, ọp ẹp, tay vịn cầu thang lên gác thì lỏng lẻo, sàn bị mọt ăn đến nỗi di chuyển phải tránh những vùng "nguy hiểm vô hình". Căn nhà cũng cũ kỹ, xuống cấp, sơn bong tróc từng mảng mà mỗi lần trời mưa là ngập lênh láng, chị cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ngồi đợi dòng nước rút dần.

Hồng Trang kể, buổi trưa, nếu nóng quá thì chị sẽ xuống dưới bếp ngủ; còn buổi đêm thì đành phó mặc tất cả. "Vậy mà tôi bám trụ ở đây hơn 10 năm rồi", chị cho hay, với lý do giá thuê rẻ, tiện đi làm.

Từ diễn viên chuyên đúp vai…

Hồng Trang (sinh năm 1981), quê Bến Tre. Tốt nghiệp cấp 3 năm 1999, chị khăn gói lên TP. HCM học trường Trung cấp Phát thanh Truyền hình II khoa Phóng viên - Biên tập viên. Học xong, chị không tìm được việc làm nên về quê sống một thời gian.

Nhờ một số người quen ở Cung Văn hóa Lao động nói giúp, gia đình đồng ý để Hồng Trang trở lại TP. HCM thi vào trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh. Vậy mà, chị thi rớt, phải học hệ dự thính 1 năm rồi thi tiếp mới đậu khoa Diễn viên (2003 - 2006). Sau 3 năm, chị tốt nghiệp nhưng không có việc làm, phải thi và học tiếp khoa Đạo diễn thêm 3 năm nữa (2006 - 2009). "Tôi phải học tiếp để còn có ký túc xá mà ở, có thời gian đi kiếm việc", Hồng Trang nói.

Thời điểm học diễn viên, Hồng Trang sống bằng nghề MC đám cưới, hội chợ hoặc thỉnh thoảng Cung Văn hóa gọi dẫn show. Chị thường dẫn show hội chợ ở Ngã 5 Chuồng Chó, cát-xê vỏn vẹn 30 – 50 nghìn mà đôi khi vẫn bị bầu show quỵt tiền. Đến khi học đạo diễn, chị đi làm thông tin lưu động. 

Thỉnh thoảng, Hồng Trang được các bạn học cùng lớp như Hạnh Thúy, Hữu Tiến, diễn viên Lý Thanh Thảo... nhờ dạy phụ lớp sân khấu 5B, Nhà Thiếu nhi quận Bình Tân hoặc các lớp ngoại khóa. 

Nghề chính là diễn viên sân khấu kịch Thế giới trẻ nhưng chị đúp vai nhiều hơn vai riêng, chẳng hạn như đúp vai của Thu Trang trong Chuyện tình Bangkok, vai của Thùy Dương trong Họa hồn,... và gần như đúp các vai của Đàm Loan nếu NSƯT bận. Tại đây, chị nhận tiền theo suất diễn, khoảng 600 nghìn/suất.

Đôi khi, Hồng Trang cũng được các sân khấu khác như 5B, Hoàng Thái Thanh, Idecaf, Nhà hát Kịch TP. HCM... mời nhưng chị chỉ nhận lời vì tình nghĩa nếu thực sự không vướng lịch bên sân khấu chính.

Tuy nhiên, nghề của chị vẫn bấp bênh vì show có tháng ít tháng nhiều. Tháng ít show, chị kiếm được vỏn vẹn 5 - 6 triệu đồng, tháng bình quân thì cao hơn một chút. Ngoài nghề diễn, chị không có công việc hay thu nhập khác. Hồng Trang từng nghĩ nếu ế việc quá sẽ đi buôn bán gì đó rồi thôi vì không biết bán gì.

… đến “Nữ hoàng trợ diễn” quen mặt của gameshow

Hồng Trang vẫn nhớ lần trợ diễn đầu tiên là cho Nam Thư trong tiểu phẩm Bến xe thân ái ở cuộc thi Cười xuyên Việt 2016. Từ đó đến nay, chị không đếm xuể số lần mình đi trợ diễn vì nhiều lý do khác nhau như hợp vai, thân tình, ế việc... hoặc đơn giản là muốn lên truyền hình cho gia đình thấy mặt. Chăm trợ diễn, chị “chết” danh “Nữ hoàng trợ diễn.

"Tôi trợ diễn nhiều đến mức show nào cũng điểm mặt. Hôm trước, các bạn kêu tôi bớt trợ diễn lại, lựa show mà làm. Các bạn nói lớp đàn em của tôi lên ngồi ghế giám khảo hết rồi, còn tôi vẫn loay hoay đi trợ diễn. Tôi thì tháng ít tháng nhiều show, người ta mời cũng là mời trợ diễn, không lẽ tôi tranh diễn chính?

Tôi cũng không từng đi xin vai bao giờ. Tôi không đẹp, không hot, lượt xem không có, làm sao so sánh với Nam Thư, Bảo Lâm, Huỳnh Lập,... được? Diễn bi, tôi lại không bằng các diễn viên gạo cội. Vì vậy, tôi không cầu chi xa xôi, Tổ cho gì mình làm nấy vậy", Hồng Trang phân trần.

Không ít lần, Hồng Trang rơi vào tình huống nhạy cảm khi trợ diễn mà tỏa sáng, át cả diễn viên chính. Chị trăn trở nhưng không biết làm sao vì chị phải diễn tròn vai mới nâng được bạn diễn lên.

Trợ diễn nhưng công việc vất vả, nhọc nhằn không kém gì diễn viên chính. Hồng Trang kể, ở Gương mặt điện ảnh mùa 2019, hầu như tập nào mọi người cũng tập thâu đêm suốt sáng. Nếu thí sinh không tập được bài, chị phải ngồi đợi theo. Có chương trình, chị đến trường quay 3 lần vẫn chưa tới lượt diễn. Với Hồng Trang, việc ăn cơm đoàn, ngủ lại trường quay là thường xuyên.

Hồng Trang biết nghề của mình bào sức, lao lực nhưng ai cũng trong cảnh này chứ không riêng chị. Đi khám sức khỏe, chị thở phào vì mình vẫn ổn. Chị thường gặp nhất các bệnh tai mũi họng, gần đây có triệu chứng ép tim khó thở vì bệnh bao tử.

“Bầu” nhóm kịch café Đời, bị chê “thân lừa ưa nặng”

Hồng Trang lập nhóm kịch café Đời đơn giản vì “có quán, có khán giả và một số anh em không có việc làm”. Chị lập ra Đời và quyết giữ nhóm bằng mọi giá để mọi người có chỗ diễn cho thỏa đam mê chứ cát-xê chỉ đủ… đổ xăng, thường là cho có cảm giác “đồng ra đồng vào”.

Hầu hết cộng tác viên hoặc bán hàng online hoặc đi phụ gameshow để kiếm sống. Đến quán café, ai gọi đồ ăn tối vài chục nghìn sẽ bị nhóm trêu là “ăn sang”.

“Tôi có thói quen gửi cát-xê trước khi diễn. Hôm đó, khi còn khoảng 30 phút nữa sẽ mở màn thì các bạn rủ nhau đi ăn. Ăn xong, chẳng ai bảo ai, các bạn xé bao thư, lấy tiền cát-xê ra trả cho bữa ăn đó. Vậy mà các bạn vẫn về diễn vui vẻ bình thường”, Hồng Trang ứa nước mắt.

Hồng Trang kể về anh H., một thành viên trong nhóm Đời, có vợ con, thậm chí sắp có cháu mà công việc vẫn bấp bênh. Anh H. từng ra 14 sản phẩm nhưng chẳng ai biết, nhờ một lần xuất hiện trên truyền hình hát Boléro mà được một phòng trà nổi tiếng TP. HCM kêu show. Những lần đụng lịch diễn, chị đều tạo điều kiện để anh H. đến phòng trà K.T hát 2 bài chỉ để nhận cát-xê vỏn vẹn 200 nghìn. Vậy mà, anh H. vẫn vui vẻ, không phàn nàn gì.

Trước đây, nhóm Đời thường đi diễn nhiều quán trên khắp địa bàn thành phố nhưng dần dần, Hồng Trang quyết định chỉ diễn cố định ở 1 quán. “Đi diễn nhiều quán sẽ chia khán giả ra, chưa kể một số quán đề nghị trả cát-xê theo đầu người. Tức là nếu nhóm tôi đến 5 người thì nhận tiền 5 người, đến 3 người thì chỉ nhận đúng 3 người trong khi chúng tôi vẫn diễn đầy đủ tác phẩm chứ không cắt bớt cảnh nào. Có quán đề nghị tôi chia tiền bán vé 5:5, có quán hủy show sát giờ cũng không gửi được tiền xăng xe…”, chị nói.

Hiện tại, Hồng Trang hợp tác với một quán để diễn cố định thứ Tư hàng tuần. Tiền vé 120 nghìn, quán thu 70 nghìn thì chị lấy 50 nghìn. Mỗi suất diễn ở quán café như vậy, chị trả mỗi người 150 nghìn, không kể diễn viên hay người chỉnh đèn, chỉnh nhạc. Phần lớn các suất diễn, chị phải lấy tiền túi bù vào trả cát-xê. Hồng Trang nói, đến một người cực kỳ kiệm lời như cha chị còn hỏi vì sao lỗ mà vẫn làm.

{keywords}
Hồng Trang gìn giữ trang phục, đạo cụ đi diễn cho nhóm kịch café Đời, biến phòng thành "cái kho".

“Cứ chạy xong show nào, tôi lấy cát-xê chia nhỏ ra những tờ 50, 100 nghìn, bỏ sẵn vào phong bao. Cứ đến tối thứ Tư, tôi đếm diễn viên để phát phong bao. Đã lâu rồi tôi cũng không làm tổng kết cuối ngày nữa vì cầm chắc lỗ rồi nên tổng kết làm chi? Mấy bà bầu lớn có khi phải bán nhà nuôi sân khấu, tôi bầu nhỏ nên chỉ bỏ tiền túi, không có nhà để bán đâu. Tôi giữ nhóm chính là giữ nghề, mặc ai nói gì thì nói”, chị cho biết.

Đổi lại, Hồng Trang nói khán giả của nhóm kịch Đời rất thương chị, suất diễn nào nhóm cũng được tặng quà, cho đồ ăn.

Cuộc sống của Hồng Trang xoay quanh những điều đơn giản. Chị đi diễn hoặc lo cho nhóm kịch của mình. Rảnh rỗi, chị về quê thăm gia đình hoặc “sang” nữa là đi chơi.

Tròm trèm 40 tuổi, làm nghề 20 năm nhưng sự nghiệp cũng loay hoay, một mình cô độc, hỏi Hồng Trang có lo tương lai không? Chị nói: “Công việc thì Tổ cho gì mình hưởng nấy. Khách xem kịch ngày càng ít, gameshow không còn như xưa nên tôi cố gắng lúc nào hay lúc đó. Không phải tôi không tính toán cho tương lai nhưng nghĩ mãi cũng không ích gì. Ngày nào còn việc, tôi sẽ còn ở đây. Nếu không còn việc nữa, có thể tôi về quê sống.

Tình duyên của tôi xưa giờ vẫn lận đận. Gần đây, tôi có tìm hiểu một người nhưng thấy không hợp nhau nên thôi, chắc chưa phải duyên phải nợ nhau. Gia đình tôi hối thúc mãi rồi thôi, giờ không buồn hối nữa. Hồi xưa, tôi từng nghĩ nếu đến già vẫn độc thân sẽ ở viện dưỡng lão nghệ sĩ cho có bạn.

Thôi thì tiền bạc hay yêu đương cứ để tùy duyên vậy. Hôm nay trò chuyện với bạn, biết đâu ngày mai tôi ra đường va phải anh nào, thế là có chồng! Hay vui vui trúng số độc đắc, tôi lại giàu có thì sao?

Xin nói thật là tôi không nghèo. Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng tôi không nợ nần, không đau bệnh. Tôi có việc làm, tiền vẫn có dư. Nhiều người còn khổ hơn mình…”.

Bài & ảnh: Gia Bảo

Quang Thắng nhớ về Tết nghèo chỉ có tấm áo len rách

Quang Thắng nhớ về Tết nghèo chỉ có tấm áo len rách

Nghệ sĩ hài Quang Thắng không giấu giếm khi bộc bạch rằng anh rất sợ Tết vì thêm tuổi là thêm chậm chạp, thêm rụng tóc, da thêm nhăn...