Tọa đàm Bảo tồn văn hóa truyền thống trong trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam-Ấn Độ do Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ và Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (Đại sứ quán Ấn Độ) vừa tổ chức.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của bà Manu Verma - phu nhân Đại Sứ Ấn Độ, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, bà Phan Lan Tú - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội cùng với những tên tuổi nổi tiếng khác như NTK-NSƯT Đức Hùng, Hoa Hậu Ngọc Hân…
Tại sự kiện, Ngọc Hân chia sẻ với các khách mời về kỷ niệm khó quên của cô khi dự đám cưới của một đại gia Ấn Độ tại New Delhi vào năm 2019. Chuyến đi cũng tạo cảm hứng cho cô thực hiện bộ sưu tập áo dài về văn hoá Ấn Độ. Cô hy vọng rằng sẽ có dịp quay trở lại đất nước Nam Á và mang những trang phục do mình thiết kế để giới thiệu đến người dân.
Ngọc Hân và Phí Thùy Linh. |
Bà Manu Verma chia sẻ về trang phục truyền thống của phụ nữ quốc gia này và phân tích những nét tương đồng Sari của Ấn Độ và áo dài Việt Nam: "Cách trang trí hoa văn, họa tiết trên áo, khăn của phụ nữ Việt Nam độc đáo, mang đậm tính văn hóa bản địa, khá giống với trang phục Ấn Độ, đặc biệt là vùng Đông Bắc của chúng tôi. Ngoài ra, trang phục truyền thống khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn bên trong người phụ nữ. Đó là khả năng chăm sóc gia đình, đức hy sinh, sự khéo léo, nét duyên dáng".
Theo bà, trang phục truyền thống như một "mã định danh" của mỗi người phụ nữ, là nét đẹp văn hóa của một quốc gia, ghi lại dấu ấn các giai đoạn của lịch sử.
Bà Manu Verma và NTK Đức Hùng. |
"Trong lịch sử Ấn Độ, nữ hoàng Jaipur mặc Sari cưỡi ngựa ra trận thì Việt Nam cũng có Hai Bà Trưng mặc trang phục truyền thống cưỡi voi đánh giặc. Trang phục của phụ nữ Ấn Độ gắn liền với bản sắc văn hóa, khí hậu từng vùng, tương tự như trang phục của phụ nữ Việt Nam.
Các bạn có thể thấy phụ nữ Ấn Độ mặc trang phục truyền thống ở bất cứ đâu, dù họ làm trong ngành nghề nào. Trong sự kiện quan trọng như lễ cưới, không chỉ cô dâu mà toàn bộ khách tham dự đều mặc trang phục truyền thống", bà Verma cho biết.
Bức ảnh chụp các kiểu trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ dành giải Nhất cuộc thi ảnh do Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ (Hà Nội) tổ chức. |
NTK Đức Hùng cũng mang tới sự kiện nhiều câu chuyện lịch sử cũng như hiểu biết của mình về sự hình thành phát triển của tà áo dài. Anh nói về sự thay đổi của tà áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, từ thời nhà Nguyễn tới thời thực dân Pháp. Cách gọi tà áo dài cũng vì thế mà thay đổi nhiều, đến ngày hôm nay trở thành một hình ảnh thiêng liêng và là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.
NTK Đức Hùng cũng bày tỏ niềm tự hào rằng áo dài ngày càng phổ biến hơn trong đời sống và nhiều nhà thiết kế Việt Nam đã mang tà áo dài Việt tới những sàn diễn quốc tế. Bên cạnh đó, các đại diện Việt Nam tại các cuộc thi nhan sắc cũng đã để lại ấn tượng về vẻ đẹp của trang phục truyền thống Việt Nam trên thế giới. "Nhìn thấy tà áo dài ở đâu, ta nhìn thấy Tổ quốc ở đó", NTK Đức Hùng chia sẻ.
Ngân An
BST áo dài mừng 20/10 bắt mắt của Cao Minh Tiến
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, NTK Cao Minh Tiến ra mắt bộ sưu tập được anh thực hiện công phu suốt mùa dịch thứ 4 vừa qua.