Nhận mình là người không thuận duyên hay kém duyên. Vậy, sau những cuộc tình đã đi qua, anh nghĩ việc kém duyên đó là do mình đặt tiêu chuẩn quá cao hay không xác định chuyện lâu dài?
Tôi chưa rốt ráo với câu hỏi này bao giờ. Cứ nghĩ đến nó là tôi chán. Tôi tự thoả hiệp với bản thân là thôi dừng lại, không nghĩ kỹ về đáp án nữa. Vì nếu tìm ra được đáp án chắc mình đã tìm được lời giải rồi.
Tôi là người nghiên cứu văn hoá nên tôi không cực đoan, theo nghĩa thượng tôn giá trị của gia đình. Tôi nói điều này ra có vẻ hơi “ngược tai” của nhiều người. Nhưng theo tôi, hôn nhân không phải là thượng tôn, điều này mong mọi người chia sẻ với tôi. Tức là tôi không cho nó là tuyệt đối, là phải có cho bằng được. Có thể, sẽ có nhiều người nói “Lê Anh đã biết gì về hôn nhân đâu mà nói về giá trị của hôn nhân”. Nhưng qua những người bạn của tôi, những gì tôi nhìn thấy trong cuộc sống… tôi thấy 90% người bước vào hôn nhân đều kêu ca về cuộc hôn nhân của họ.
Đương nhiên, với họ, hôn nhân không thể không có bởi nó góp phần duy trì nòi giống, vừa góp phần đảm bảo về tâm sinh lý của con người khi lớn lên. Tuy nhiên, tôi nghĩ hôn nhân không hoàn toàn là một giá trị khi quá nhiều người trong xã hội đương đại đang đưa ra nhiều phản biện về điều đó.
Bên cạnh đó, tôi thấy mình không bị già đi nên không biết sợ là gì. Năm 25 tuổi, tôi xem chuyện này là chuyện không bao giờ được đề cập đến. Đến năm 30 tuổi, mọi người bảo đến tuổi “tậu nhà, tâu trâu, tậu vợ” đấy nhưng tôi bảo 30 tuổi mình vẫn còn trẻ con lắm, sự nghiệp đã có gì đâu, thôi cứ từ từ rồi tính.
35 tuổi mọi người bảo “đã toan về già” nhưng khi đứng với sinh viên tôi chẳng thấy mình già gì cả. 40 tuổi thì có vẻ đã bắt đầu già nhưng chợt nhận ra mình vẫn rất ham mê sống theo cách của người trẻ. Bây giờ 43 tuổi rồi tôi vẫn không xem trọng việc đó lắm.
Tôi nói điều này ra, chắc sẽ có nhiều người bảo tôi cổ suý cho người trẻ tôn sùng chủ nghĩa độc thân hoặc không thiết tha với chuyện lập gia đình. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định, tôi không hề có ý định cổ suý ai hết. Nó chỉ là những bộc bạch của cá nhân tôi về khuynh hướng sống và chúng ta nên thừa nhận nó.
Quan trọng là cá nhân con người đó có thấy hạnh phúc hay không. Bản thân tôi chưa bao giờ áp lực về việc phải lập gia đình trước bao nhiêu tuổi. Nhưng nếu có được một người vợ như ý, những đứa con như ý… tôi sẽ thấy hạnh phúc tột cùng.
Nếu không có được người vợ như ý như mong muốn nhưng anh có dám làm một ông bố đơn thân để có được những đứa con như ý?
Cách đây vài năm, tôi không mấy xúc động khi nhìn thấy trẻ em. Rằng, nó phải là của mình hoặc mình phải đẻ ra một đứa để nuôi nấng. Nhưng hai năm nay, khi sống ở một khu đô thị sầm uất của Hà Nội, sáng sáng tôi đi bộ qua một vài trường mầm non và thấy những em bé nhỏ xinh được cô giáo vuốt ve, âu yếm trước khi vào lớp, tôi thấy rất dễ thương.
Nhiều lúc tôi quên mất chuyện ăn sáng chỉ vì mải ngắm các em bé đó. Có lần, cô giáo ra hỏi: “Anh là phụ huynh của bé nào? Anh cần gặp bé nào”, tôi xua tay bảo: “Tôi không phải là phụ huynh của bé nào cả nhưng vì thấy các bé quá dễ thương nên đứng ngắm”.
Qua sự việc đó và cả câu hỏi của phóng viên, tôi nghĩ là mình sẽ nghĩ nghiêm túc hơn về điều đó. Quả thật, thời điểm này tôi đã thích trẻ con rồi và đã thích là tôi sẽ quyết tâm để thực hiện. Việc làm bố đơn thân tôi nghĩ cũng sẽ là một giải pháp.
Cuộc sống ổn định, có thể chủ động về kinh tế, có đủ tri thức để nuôi một đứa bé và thậm chí có thể mang lại cho bé khá nhiều điều thì việc nuôi nấng một đứa bé sẽ không quá sức. Duy chỉ có một điều đó là trong những năm tháng đầu đời mà một đứa trẻ không có mẹ sẽ hơi khó khăn. Và đôi khi điều đó sẽ tạo cho con trẻ cảm giác hơi chống chếnh, mất cân bằng… chính vì thế mà phải suy nghĩ thêm.
Đúng là chúng ta không cổ suý cho việc làm bố, làm mẹ đơn thân. Nhưng khi yêu thương đủ lớn, tôi nghĩ chúng ta có thể bù đắp được hết. Và chúng ta phải nhìn thoáng vấn đề này. Nếu tôi có lựa chọn việc làm bố đơn thân, tôi cũng sẽ rất tự tin với lựa chọn đó. Tôi cũng sẽ không cần bất kỳ ai phải chia sẻ với tôi về điều đó.
Theo anh, phải biến chuyển như thế nào để câu chuyện làm bố, làm mẹ đơn thân được mọi người nhìn nhận một cách cởi mở hơn mà vẫn không làm lung lay những giá trị truyền thống cốt lõi đã tồn tại trong xã hội?
Câu hỏi này gợi nhắc tôi nhớ về một câu hỏi mà thầy giáo dạy cao học của tôi đã đưa ra cho cả lớp mấy năm trước đây để suy nghĩ và thảo luận. Thầy đưa ra một mệnh đề là “Trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi lẽ phải và đạo đức không song hành với nhau”. Và lúc đó có một bạn trong lớp của tôi đưa câu chuyện mẹ đơn thân ra để minh hoạ cho quan điểm của mình về chuyện này.
Pháp luật không cấm đoán chuyện làm mẹ đơn thân. Tức họ không sai hoặc họ có lý khi họ làm việc đó. Nhưng về mặt đạo đức thì câu chuyện này lại không được nhiều người ủng hộ, đặc biệt là những lớp người đi trước. Tôi nghĩ, phần trình bày của bạn này rất xuất sắc.
Tôi nghĩ rằng, văn hoá Việt Nam là văn hoá Á Đông nên chúng ta vẫn phải cân bằng giữa văn hoá và pháp luật. Văn hoá đôi khi áp chế lại những giá trị pháp luật đưa ra vì tư tưởng cộng đồng quá cao. Dĩ nhiên, cũng có nhiều thiết chế pháp luật đã vượt lên trên để chi phối lại thiết chế văn hoá.
Riêng việc chọn vợ chọn chồng, hôn nhân gia đình thì văn hoá vẫn có phần hơi khắt khe so với pháp luật. Pháp luật đưa ra những quy định có biên độ rất rộng cho sự lựa chọn của con người. Tôi cho đó là sự tiến bộ để giải phóng luyến ái trong đời sống tinh thần của con người.
Văn hoá lại đang lấy giá trị chung của số đông để gán cho thiểu số và chính điều này đã tạo ra không biết bao nhiêu bi kịch. Từ xã hội phong kiến cho đến cận đại và bây giờ chúng ta vẫn thấy rất nhiều. Mọi người chứng kiến, trải nghiệm và theo dõi thông tin truyên truyền thông – truyền hình sẽ thấy, trong xã hội nào, người phụ nữ vẫn luôn khổ nhất.
Khi dẫn chương trình “Người giấu mặt”, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu người phụ nữ phải giấu mặt đi vì không dám tố cáo chồng mà chỉ dám kể “một ngày em nhận không dưới 10 trận đòn”. Cởi áo của người phụ nữ ấy ra thì trên lưng chằng chịt những vết hằn vì roi vọt, bạo hành…
Điều đó cho thấy rằng, nếu chúng ta cứ nặng nề bằng con mắt của số đông để áp vào thiểu số thì chúng ta sẽ tước đi cơ hội được sống hạnh phúc của nhiều người. Dẫu rằng, hạnh phúc của họ trong mắt của số đông là chưa được tròn đầy nhưng với tôi, điều đó không quan trọng bằng chính cảm nhận của người trong cuộc. Chúng ta không thấy tròn đầy nhưng họ thấy tròn đầy thì sao?
Tôi nghĩ rằng, những người Việt Nam hiện đại phải nâng cao dân trí, sự hiểu biết của mình. Từ đó, tầm văn hoá cũng sẽ được nâng lên. Chỉ một xã hội mà biết nghĩ cho người khác mới là văn hoá đỉnh cao. Tôi khá ngưỡng mộ một số dân tộc Á Đông mà mỗi người trong cộng đồng luôn biết nghĩ cho người khác.
Ở Nhật Bản, một ông bố trước khi quát con sẽ nghĩ là mình quát thế có làm tổn thương con không, bà mẹ ép con lấy vợ thì nghĩ rất nhiều đến chuyện mình ép thế này có làm con mình tự tử không… Và như vậy thì câu chuyện mẹ đơn thân hay bố đơn thân chẳng còn là vấn đề gì nặng nề nữa.
(Theo Dân trí)
MC Lê Anh: 'Tôi đã chịu nhiều đổ vỡ từ thời trai trẻ cho đến hôm nay'
“Tôi là một người không thuận duyên... Tôi đã phải chịu nhiều đổ vỡ từ thời trai trẻ cho đến hôm nay, dẫn đến một tâm lý e ngại nhất định”, MC Lê Anh bộc bạch.