- Chiều 25/3, Bộ GD-ĐT có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề cho trẻ học trước lớp 1. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia giáo dục đưa quan điểm trái chiều với phụ huynh.
Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định: “Dạy trước là có tội với trẻ em”
Vụ Trưởng Vụ GD Tiểu học Phạm Ngọc Định |
Trước 6 tuổi, trẻ mầm non có chương trình nuôi dạy rất phù hợp với lứa tuổi. Trẻ chơi là chính và có được làm quen với chữ cái và chữ số. Sang lớp 1, đầu năm các cháu có 1 tuần để làm quen với nề nếp học tập, trường lớp, bạn bè. Đây là hoạt động quan trọng giúp trẻ chuyển từ chơi sang học.
Việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Thứ nhất trẻ được học trước vào lớp sẽ không còn sự háo hức, mất tập trung vì thấy kiến thức cô dạy đã học rồi dẫn tới tâm lí chủ quan. Càng về sau các cháu sẽ càng đuổi dần.
Học trước cũng như kiểu “bắt chín ép”. Nếu không được dạy chu đáo dẫn tới tư thế ngồi, cách viết sai. Sau muốn sửa cho trẻ rất khó. Trẻ rất dễ gặp phải những khuyết tật về cơ, hệ thần kinh. Kể cả cô dạy tốt cũng không nên. Như thế là có tội với trẻ em.
Tới đây, Bộ cũng sẽ có văn bản và chỉ đạo siết chặt việc nghiêm cấm nhà trường, giáo viên cho điểm học sinh lớp 1.
Đồng thời, sẽ có chỉ đạo quyết liệt, đánh vào trách nhiệm, xét thi đua của giáo viên, hiệu trưởng, phòng và các sở GD-ĐT nếu xảy ra dạy thêm học thêm trước tuổi.
Vụ phó Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Thị Hiếu: "Phụ huynh không nên quá kì vọng con giỏi ngay"
Phụ huynh cũng không nên có tâm lí ganh đua làm khổ trẻ. Học đúng chương trình mầm non đã đủ điều kiện cả về thể chất và tâm thế để trẻ bước vào lớp 1.
Việc cần làm của phụ huynh là trò chuyện, khuyến khích trẻ nói suy nghĩ về trường lớp, môi trường sắp tới của các cháu như thế nào. Cha mẹ sẽ giúp phát triển kĩ năng quan sát, tập trung chú ý, biết sẵn sàng hòa nhập, nỗ lực học tập, kĩ năng giao tiếp với bạn trẻ.
Phụ huynh cũng nên trang bị kiến thức về khoa học tự nhiên cho trẻ thông qua các hình thức như tham quan, đi chơi, dã ngoại, hoạt động kể chuyện sáng tạo. Một cách nữa để trẻ sớm thích nghi với môi trường mới là tổ chức cho trẻ tham quan trường tiểu học.
Một lưu ý khác là giúp trẻ sử dụng thành tạo tiếng Việt thông qua trò chuyện, đọc sách cho trẻ. Có thể hướng dẫn cách cầm sách, ngồi như thế nào hay thao tác bàn tay sao cho việc sử dụng gọn gàng, khéo léo.
Những việc đó quan trọng hơn nhiều cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: "Trường dạy đoàng hoàng thì không cần học trước"
Chương trình học SGK lớp 1 của Bộ GD-ĐT đưa ra đã mặc định rằng người bước vào lớp 1 là chưa biết đọc, biết viết. Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà trên cở sở khoa học người ta đã xem xét, đo lường, tính toán khả năng nhận thức, cơ tay, cơ thể, sức tiếp thu của đứa bé như thế nào cho phù hợp.
TS Hồ Thiệu Hùng |
Nếu nhà trường dạy cho các cháu vào lớp 1 một cách đàng hoàng thì việc cho trẻ học trước, viết trước là không cần thiết thậm chí còn nguy hại ở chỗ khi đứa trẻ đã biết một cách “lam nham” mà tưởng là biết rồi sẽ không tập trung trong giờ học do vậy thu nhận được ít hơn những em chưa biết gì nhưng háo hức nghe cô giảng bài. Các em sẽ có tâm trạng “cái này biết rồi, cái kia cũng biết rồi” mất sự chú ý.
Những bé không được dạy trước, học trước, không rèn thêm chữ viết cũng vào lớp 1 theo kịp các bé khác đàng hoàng. Phụ huynh cứ yên tâm để đứa trẻ phát triển một cách tự nhiên thông qua hệ thống GD của mình từ mẫu giáo đến lớp 1.
Nếu giáo viên bước vào lớp có số đông HS đã biết đọc, biết viết và “chạy” theo những HS này thì vô tình đang đẩy những em còn lại vào một cuộc chơi không bình đẳng. Nhưng điều này cũng xuất phát từ cách đánh giá thành tích của GD, nên thầy cô giáo bị cuốn theo thành tích nên làm những chuyện sai lầm, trái cả lương tâm.
Một nền GD giúp cho HS dở thành giỏi phải được đánh giá cao hơn nền GD làm cho HS đã giỏi trở nên giỏi hơn. Một thầy giáo làm cho HS chưa ngoan thành ngoan phải được đánh giá cao hơn việc người thầy giáo làm cho HS đã ngoan rồi mà ngoan hơn. Nhà sư phạm phải khác một ông “thợ dạy” ở chỗ ông thợ dạy cứ tiếp tục cái đà cũ còn nhà sư phạm phải tạo được sự thay đổi, biến chuyển cơ bản giúp cho học sinh hình thành ý thức không phải cứ hơn người khác bằng bất cứ giá nào là tốt, mà phải hơn chính mình hôm qua mới là tốt.
Nếu chỉ GD và phụ huynh thay đổi cách suy nghĩ cũng sẽ không tạo biến chuyển căn bản được mà ý thức xã hội phải thay đổi:việc đánh giá “hơn kém” phải theo một tiêu chí khác. Không phải so sánh đơn vị mình hơn đơn vị kia mà so sánh đơn vị mình có hơn chính đơn vị mình hôm qua hay không và có tiếp tục mãi được như thế hay không?
Thay đổi được cách nghĩ này mới tạo được một sự chuyển biến sâu xa.
- Văn Chung - Lê Huyền (ghi)