- Nhiều phụ huynh cho rằng những phát biểu trấn an, "gỡ rối" của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển về vấn đề học trước lớp 1 không hề sát với tình hình thực tế và càng làm cho phụ huynh "rối" thêm.
>> Những phụ huynh 'nói không' cho con học trước lớp 1
>> 'Dạy trước khi vào lớp 1 là có tội với trẻ'
>> Cô dạy 'nhanh như gió' và nỗi khổ của phụ huynh
Ảnh minh họa |
Do "chuẩn đầu vào" của cô cao...
Trong khi các lãnh đạo ngành, các chuyên gia giáo dục luôn khẳng định, nhấn mạnh rằng học trước "là phản khoa học", "là có tội với con trẻ"…, thì các bậc phụ huynh kêu trời lỗi không phải tại họ, cho con đi học trước không phải là do muốn con giỏi hơn chúng bạn. Nguyên nhân chính là vì chương trình, vì "chuẩn đầu vào" của cô, của trường quá cao.
Một độc giả cho rằng ý kiến của các lãnh đạo Bộ còn quá chung chung và phát biểu "học lớp 1 là làm quen với số, chữ cái và môi trường học" mới chỉ đang là mục tiêu trong tương lai của giáo dục tiểu học. Còn trên thực tế, học lớp 1 hiện nay ngoài giờ học trên lớp, các con về nhà phải rèn chữ, làm toán nâng cao, học hết kỳ 1 phải đọc thông viết thạo để cô còn đọc chính tả. Nếu không học trước, các cháu sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
Bạn đọc Minh Ngọc cũng tâm sự về sự khác biệt rõ ràng giữa những đứa cháu có học trước và không học trước của mình: 4 đứa cháu học trước thì đều tốt đẹp, một đứa khác không chịu học trước, vào lớp 1 học hết sức vất vả. Cho dù không thích chuyện học thêm dạy thêm, nhưng các phụ huynh nên cho con đi học trước, “có lẽ là vì chương trình học quá nặng” – chị băn khoăn.
Bộ có cứng rắn được không?
Một phụ huynh than thở: “Cũng từng vì trót tin những phát biểu kiểu như thế này của Bộ mà đến bây giờ con học lớp 4 rồi mỗi lần nghĩ đến cảnh đón con buổi chiều con khóc lóc vì bị cô mắng nên không muốn đi học nữa vẫn còn xót xa và thấy có lỗi với con”. Phụ huynh này chia sẻ trong tâm trạng bức xúc: “Cho con đi học trước không phải vì muốn con giỏi ngay gì cả. Một đứa trẻ ngây thơ lần đầu tiên đến trường mà bị bắt viết, bắt đọc ngay, không viết được thì bị cô chì chiết mắng mỏ cả ngày, ảnh hưởng tâm lý của trẻ con như thế nào, lãnh đạo ngành giáo dục có hiểu không? Bộ Giáo dục có cứng rắn được không?”
Một độc giả đề xuất các trường mầm non nên phối hợp với các trường tiểu học tổ chức cho các cháu tham quan, làm quen và chơi với các anh chị lớp 1, lớp 2 để các con làm quen với môi trường học tập. “Có thể chỉ là 10-15 phút nhưng có lẽ sẽ tốt hơn việc các mẹ ép con tới các lớp học thêm”. |
Ông bố Nguyễn Sơn thì đề nghị Bộ GD-ĐT nên đi khảo sát lớp 1 đầu năm để xem ở trường các cháu được dạy như thế nào. “Tôi là phụ huynh của 2 bé gái và cũng là người nói "không" với tình trạng bé chưa vào lớp 1 đã học trước. Hậu quả là cháu không biết gì cả, còn cả lớp thì tất cả đã biết hết mặt chữ kể cả từ ghép với làm toán hàng đơn vị! Sau 2 tuần học đầu tiên cô giáo gặp riêng tôi và "nhắc nhở" về việc cháu học "quá chậm".
Sau đó tôi có hỏi những phụ huynh trong lớp thì hầu hết đều đã cho con đi học thêm
từ lớp Chồi, trễ lắm là lớp Lá đã học, chứ không có trường hợp nào như con gái của
tôi, vào lớp 1 mới bắt đầu biết chữ cái là gì!”
Nhiều phụ huynh cho rằng nếu Bộ đã xác định học trước lớp 1 là phản khoa học thì phải
đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử phạt nếu vi phạm. Đồng thời cần tổ chức những buổi
trao đổi, nói chuyện giữa tập thể phụ huynh và lãnh đạo các trường để hai bên có
những nhận thức đúng đắn. Thậm chí phải có những cam kết cho việc này, nhằm cảnh tỉnh
và đẩy lùi tư duy tiêu cực nảy sinh từ phía giáo viên và phụ huynh – độc giả Nguyễn
Đức Kiên hiến kế.
Độc giả Lê Mai gợi ý nên có đường dây nóng về vấn đề này để phụ huynh không phải lo
lắng về việc các cô "có thái độ" với con em mình.
"Vụ Giáo dục Tiểu học đang thảo luận và dự kiến sẽ trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn riêng với giáo viên dạy lớp 1 về việc tuyệt đối không chấm điểm với trẻ con mới đi học, ít nhất là trong học kỳ 1 của năm học lớp 1" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định cho biết. |
- Phạm Trang (tổng hợp)