- “Để có kiến thức, kĩ năng đi học nghề hoặc lao động giản đơn thì học đến hết bậc THCS là đủ. Muốn tiến bộ thì phải học suốt đời...” - GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm.

Các tin liên quan

'Nên bỏ 3 năm học trung học phổ thông'

Học sinh chỉ cần học hết lớp 9?

Các nhà giáo nói gì về clip luận về giáo dục?

Nhìn thẳng vào sự thật từ clip luận về giáo dục

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng
Mong bạn trẻ ngày càng thẳng thắn...

- Thưa GS, ông đã xem clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” chưa và có cảm thấy thú vị với clip này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi có đọc bản ghi nội dung clip và thấy bạn thanh niên trên clip đã nhận xét rất thẳng thắn và có nhiều ý kiến đúng về thực trạng giáo dục Việt Nam (GDVN) cũng như phản ánh tâm trạng của khá nhiều học sinh VN hiện nay.

Nhưng những điều bạn ấy nói không mới. Tất cả đã được các chuyên gia giáo dục, dư luận báo chí nói cả rồi. Song nếu đúng những lời trong clip thể hiện suy nghĩ riêng của bạn ấy thì đây là lần đầu tiên một học sinh phát biểu được nhiều vấn đề nổi cộm của giáo dục hiện tại.

- Bản thân ông có ủng hộ những hành động bày tỏ chính kiến, trăn trở như của bạn trẻ này khi bàn về giáo dục nước nhà?

Tôi mong ngày càng có nhiều bạn trẻ bày tỏ ý kiến thẳng thắn về các vấn đề giáo dục và xã hội. Nhưng có nhiều cách để bày tỏ ý kiến đưa lên mạng xã hội, ý kiến lan tỏa nhanh nhưng chưa chắc đã hiệu quả hơn những cách làm truyền thống như gửi bài cho báo chí, gửi kiến nghị cho các cấp lãnh đạo giáo dục địa phương cũng như Bộ GD-ĐT.

Những điều bạn thanh niên nêu trong clip nhìn chung là đúng nhưng sẽ đầy đủ hơn nếu bạn ấy đề cập cả trách nhiệm của học sinh trong thực trạng của giáo dục hiện nay. Bản thân người học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục. Các bạn có hoài bão, quyết tâm và phương pháp học tập đúng đắn thì giáo dục mới đạt được mục tiêu đề ra.

- Ông có nghĩ đây là việc quá “nổ” hay muốn tạo sự chú ý của một người trẻ?

Theo tôi, bạn thanh niên trong clip nên quan tâm đến những ý kiến bình phẩm về động cơ và cách thể hiện của mình. Ở VN, một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường tung lên mạng clip nói về nền giáo dục, về các thầy cô như vậy, thực sự là không phù hợp với chuẩn mực ứng xử thông thường.

Nhưng, về phần người nghe thì chúng ta nên quen dần với cách nghĩ “thoáng” của lớp trẻ, cách hành xử riêng biệt của mỗi người. Điều đáng quan tâm hơn là bạn trẻ ấy phát ngôn với mục đích gì, có tình thần xây dựng hay không và nội dung phản ánh của bạn ấy có đúng không.

Giáo dục cơ bản chỉ cần 9 năm

- Một trong những phát ngôn gây chú ý nhất của cậu học trò là “chỉ cần học đến lớp 9 là đủ”- quan điểm của GS về vấn đề này?

Tôi cho rằng học không bao giờ đủ cả. Đến già vẫn phải học. Thầy tôi, GS Nguyễn Tài Cẩn, là một tấm gương như vậy. Sinh thời, ông là một học giả thông kim bác cổ không mấy ai bì kịp, nhưng ngoài 50 tuổi vẫn học tiếng Nhật và về sau, ông sử dụng được ngoại ngữ này phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình.

Nhưng để có kiến thức, kĩ năng đi học nghề hoặc lao động giản đơn thì học đến hết bậc THCS là đủ. Nền giáo dục trong 9 năm gọi là nền giáo dục cơ bản, bắt buộc.

Sau 9 năm, bên cạnh một bộ phận học sinh vào trường nghề, những bạn tiếp tục học lên THPT nên được học theo một chương trình thiết thực cho nghề nghiệp tương lai mà các bạn ấy chọn ở CĐ hoặc ĐH.

Chương trình THPT khi đó chỉ nên có 4 môn bắt buộc là Ngoại ngữ và 3 môn phù hợp với ngành nghề tương lai do các bạn ấy chọn (chẳng hạn, Toán – Lý – Hóa hoặc Văn – Sử – Địa), bên cạnh đó có một vài môn tự chọn chỉ lấy điểm trung bình để cộng vào kết quả thi tốt nghiệp theo trọng số nhất định. Học như vậy, việc học sẽ hứng thú hơn và thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn; không còn phải chờ đợi, đoán già đoán non và đối phó với các môn thi nữa.

Song có một điều tôi muốn nói với các bạn học sinh: Các bạn chính là nhân tố quyết định thành công, thất bại của bản thân mình và của một nền giáo dục.

Xưa, dưới thời phong kiến, sĩ tử chỉ mài đũng quần học những điều viển vông nhưng không phải nền giáo dục ấy không xuất hiện những người lỗi lạc. Ví dụ, thời Trạng nguyên Lương Thế Vinh, toán học và khoa học tự nhiên rất xa lạ với nhà trường Việt Nam nhưng ông lại là người có cuốn sách đầu tiên về toán ở VN là “Toán pháp đại thành” và rất giỏi tính toán, đo đạc, được người dân tôn vinh là Trạng Lường, thờ như một vị phúc thần.

Thời Pháp thuộc, nền giáo dục có nội dung khoa học và cách đào tạo tiến bộ hơn hẳn thời phong kiến. Song, về tư tưởng, chương trình của nhà trường thực dân không dạy học sinh làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Nhưng từ những mái trường này cũng xuất hiện nhiều trí thức yêu nước, nhiều nhà cách mạng xuất sắc.

Dẫu nền giáo dục còn bất cập nhưng nếu thanh thiếu niên có hoài bão, quyết tâm và phương pháp học tập đúng đắn thì các bạn vẫn có thể thành tài và đóng góp vào sự phát triển của nước nhà. Nếu các bạn học hành chểnh mảng, lười biếng, thi cử trông chờ quay cóp thì chỉ góp phần làm giáo dục thêm bất cập mà thôi.

Đổi mới đang xây dựng trên giả thiết 12 năm

- Theo hiệu trưởng Trường ĐH FPT, GD VN dường như đang làm từ ngọn khi bắt tay đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 nhưng lại bỏ qua gốc rễ là chuyện chỉ học 9 năm hay 12 năm. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

Hiện ngành giáo dục đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng CSVN về đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015. Cũng cần thấy chương trình, SGK năm 2002 đã thực hiện trên 10 năm; bây giờ có bắt tay vào việc xây dựng ngay chương trình, SGK mới thì cũng phải đến năm 2018, 2019 mới có thể triển khai đại trà bộ chương trình, SGK mới này. Khi đó thì chương trình, SGK năm 2002 đã thực hiện được 16, 17 năm rồi.

Nhưng đúng là trước khi bắt tay vào soạn thảo chương trình mới, cần giải quyết nhiều vấn đề chung đã, ví dụ: Hệ thống GD phổ thông là mấy năm? Có mấy cấp học, mỗi cấp học mấy năm, học bao nhiêu môn? Học sinh học 1 buổi hay 2 buổi/ngày? Phân luồng, phân ban thế nào? Thậm chí, bắt đầu học chữ từ khi nào? Nhiều nước Âu Mỹ học chữ từ bậc mầm non, ta có dạy chữ sớm như vậy không, vì sao?

Theo tôi biết, việc xây dựng chương trình mới vẫn đang dựa trên giả thiết tất cả như hiện nay.

- Nhiều chuyên gia cũng cho rằng thay vì viết sách mới, ta có thể “nhập khẩu” chương trình, SGK của các nước tiên tiến. GS nghĩ sao về ý kiến này?

Theo tôi biết, Bộ cũng đã cử người đi học tập, nghiên cứu chương trình nước ngoài. Nhưng người VN ta thường học kinh nghiệm nước ngoài không đến nơi đến chốn, chỉ đại khái thôi, sau đó biến dạng đi để “phù hợp với thực tế nước nhà” nên rất nhiều mặt ta làm không thành công.

Các nước tiên tiến đã đi trước ta vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm và đã thành công thì ta nên học triệt để. Có như vậy mới xây dựng được nền GD mới thật tốt.

Tất nhiên, về các môn khoa học xã hội thì ta chỉ học ý tưởng và phương pháp của họ, còn nội dung thì phải tự soạn lấy. Nhưng môn toán và nhiều môn khoa học tự nhiên nên học theo các nước tiên tiến. Như thế vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí, lại vừa hiệu quả hơn.

Văn Chung (thực hiện)