- Sau 10 trường ĐH khối năng khiếu được tuyển sinh riêng - Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được đề án của 4 trường ĐH ngoài công lập (NCL). Tuy nhiên, phương án 4 trường đưa ra theo Bộ cần phải nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ...

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Bốn trường ĐH NCL đề xuất phương án tuyển sinh riêng gồm ĐH Quang Trung (Bình Định), ĐH Phan Chu Trinh (Quảng Nam), ĐH Yersin (Đà Lạt) và ĐH Trưng Vương (Vĩnh Phúc).

Tiêu chí vào ĐH quá dễ?

Tiêu chí tuyển sinh của các trường dựa trên điểm trung bình học tập 3 năm THPT, điểm trung bình từng môn ở mỗi khối thi, tổng điểm thi tốt nghiệp, điểm thi tốt nghiệp mỗi môn…

Cụ thể, tiêu chí ĐH Phan Chu Trinh gồm: Điểm trung bình năm học lớp 12 từ 6,0 điểm trở lên để xét tuyển vào ĐH; 5,5 điểm trở lên để xét tuyển vào CĐ; Điểm mỗi môn thi tốt nghiệp ứng với mỗi môn thi ĐH của từng khối thi tối thiểu từ 5,0 điểm trở lên; Tổng điểm tổng kết 3 năm học PTHT x 50/30: không thấp hơn 25; Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT x 50/70 (có 1 môn thi nhân hệ số 2): không thấp hơn 25; Điểm xét tuyển = A+B, lấy từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu cần tuyển.

Trường ĐH Yersin: Điểm trung bình năm học lớp 10, lớp 11 và lớp 12 của môn học ứng với các môn thi của mỗi khối thi ĐH, CĐ tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên; Điểm môn thi tốt nghiệp tương ứng với mỗi môn thi ĐH của từng khối thi tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên; Điểm trung bình tổng kết 3 năm học THPT đối với 3 môn tương ứng với các khối thi; Tổng điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (đối với khối A, A1) và 3 môn (đối với khối B và D1); Điểm xét tuyển = A+B lấy từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu cần tuyển.

"Từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ về cơ bản vẫn tổ chức theo hướng “3 chung”.

Hiện tại, quan điểm của Bộ vẫn là lấy chất lượng làm ưu tiên hàng đầu." - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định. 

Trường ĐH Quang Trung: Điểm trung bình 3 năm THPT của 3 môn học ứng với các môn thi của mỗi khối thi ĐH, CĐ tối thiểu từ 16 điểm trở lên. Điểm môn thi tốt nghiệp tương ứng với mỗi môn thi ĐH của từng khối thi tối thiểu từ 5,0 điểm trở lên; Điểm trung bình tổng kết 3 năm học THPT đối với 3 môn tương ứng với các khối thi; Tổng điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (đối với khối A, A1) và 3 môn (đối với khối B và D1); Điểm xét tuyển = A+B lấy từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu cần tuyển.

Trường ĐH Trưng Vương: Điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 từ 6,0 điểm trở lên để xét tuyển vào ĐH; 5,5 điểm trở lên để xét tuyển vào ĐH; Điểm mỗi môn thi tốt nghiệp ứng với mỗi môn thi ĐH của từng khối thi tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên; Tổng điểm tổng kết 3 năm THPT x 50/30: không thấp hơn 25; Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT x 50/70 (có 1 môn thi nhân hệ số 2): không thấp hơn 25.

Điều kiện cần nhưng chưa đủ

Trao đổi với báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện mỗi năm các trường chỉ còn thiếu khoảng 20.000 – 30.000 thí sinh. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 500.000 thí sinh không trúng tuyển hoặc đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không muốn đi học. Chính vì thế, theo ông Ga, nếu có phương án điểm sàn hợp lý, các trường hoàn toàn có thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Ông Ga cũng cho rằng tốt nghiệp phổ thông là điều kiện cần nhưng chưa đủ tối thiểu để đảm bảo học sinh có thể học được ở bậc CĐ, ĐH. Bằng chứng là một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vẫn giữ kỳ thi đại học.

Về ý kiến cho rằng Bộ “vi phạm luật” vì chưa giao ngay việc tự chủ tuyển sinh cho các trường theo tinh thần của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ 1/1/2013 - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ đã và đang từng bước giao việc tự chủ cho các trường ngay cả khi chưa có Luật.

Cụ thể, năm 2012, Bộ cho phép các trường ĐH, CĐ xét tuyển đối với thí sinh các huyện nghèo mà không cần thi tuyển. Năm 2013, Bộ cho phép 10 trường thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật được tuyển sinh riêng.

Thứ trưởng khẳng định từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ về cơ bản vẫn tổ chức theo hướng “3 chung”, nếu có điều chính thì chỉ về yếu tố kỹ thuật vì trong vài năm tới, chưa có phương án nào tốt hơn để thay thế. Tuy vậy, ông cũng cho rằng phương thức “3 chung” không phải là giải pháp tối ưu duy nhất và lâu dài.

Hiện tại, quan điểm của Bộ vẫn là lấy chất lượng làm ưu tiên hàng đầu. Nếu trường nào đề xuất được phương án tuyển sinh khả thi, đảm bảo chất lượng, công bằng, khách quan, không gây tốn kém, Bộ sẽ phê duyệt.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)