Chỉ còn 10 ngày nữa, hơn 1 triệu học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tới giờ các trường vẫn bối rối khi thực hiện quy định mới về việc thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

{keywords}

Làm thủ tục vào phòng thi tốt nghiệp THPT tại một hội đồng thi ở Hà Nội năm 2012.

Gây khó cho giám thị

Ông Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn 3, Bắc Giang cho biết, nhà trường đã phổ biến quy chế thi, đặc biệt là những điểm mới của kỳ thi năm nay tới toàn bộ giáo viên và học sinh trong trường.

Nhiều giáo viên chia sẻ những băn khoăn, lo ngại về những khó khăn trong việc phân biệt, giám sát các phương tiện ghi âm, ghi hình khi các em mang vào phòng thi. “Quy định mới tăng cường sự giám sát của người thi đối với người làm công tác thi cử, khiến cán bộ coi thi ý thức cao hơn khi làm việc. Thế nhưng, nó cũng ít nhiều gây áp lực cho giáo viên, bởi không phải ai cũng am hiểu phương tiện để phân biệt, phát hiện những loại nào thí sinh được phép mang vào phòng thi. Trong khi đó, công nghệ thay đổi theo ngày, nhiều loại thiết bị thu phát tinh vi, nhỏ như cúc áo, rất khó phát hiện” - ông Thi chia sẻ.

Hiện Trường THPT Lục Ngạn 3 áp dụng giải pháp huy động những giáo viên dạy tin học am hiểu về công nghệ chia sẻ kiến thức với toàn bộ giáo viên trong trường để mọi người có những kiến thức cơ bản, có thể nhận biết được các loại máy có và không có chức năng phát tại chỗ. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mọi người sẽ phải thật cẩn trọng, làm đúng chức năng của mình trong kỳ thi tới” - ông Thi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nghiêm Quý Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh, Hà Nội cũng cho rằng, giám thị sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân biệt các loại thiết bị thu phát. Ngoài ra, họ sẽ căng thẳng và lo trách nhiệm của mình hơn khi tham gia coi thi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận định, việc cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã thành quy chế thì phải tuân theo và cứ đúng quy định là được. “Trong tuần tới, nhà trường sẽ tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên tham gia công tác coi thi về các loại thiết bị thu phát” - bà Huyền nói.

Ở các tỉnh miền núi, học sinh có vẻ “hiền” hơn. Tại Trường THPT Tô Hiệu (Sơn La), cô giáo Nguyễn Thị Minh Thuý - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Kỳ thi này trường có 465 thí sinh dự thi. “Chúng tôi có tập huấn cho giáo viên và thông báo quy chế cho học sinh, yêu cầu các em phải làm giấy cam đoan, nếu mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi thì thiết bị phải không có chức năng phát tại chỗ. Thế nhưng, chúng tôi không nhận được một thắc mắc nào của học sinh về quy chế này".

Ông Hoàng Tiến Đức -Giám đốc Sở GDĐT Sơn La cũng nhận định, năm học này, tỉnh Sơn La có gần 9.900 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Việc hướng dẫn các thí sinh về quy chế thi tốt nghiệp được chú trọng để giúp các em tránh được những vi phạm không đáng có. “Tuy nhiên, việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình, chúng tôi cũng thông báo ở mức độ vừa phải để cả giám thị lẫn học sinh không lo lắng thái quá trước một kỳ thi”- ông nói.

Chỉ là giải pháp tình thế!

Đó là nhận định của nhiều giáo viên coi thi. Ông Đào Ngọc Đình - giáo viên Trường THPT chuyên Hưng Yên cho rằng, việc này không ngăn chặn tiêu cực mà nó còn làm rối tình hình. Biểu hiện có thể thấy đầu tiên là 1 thí sinh trong phòng thi mà quay phim, chụp ảnh sẽ không tập trung được vào bài thi và còn làm ảnh hưởng tới các thí sinh khác. “Muốn giám thị làm nghiêm, công tác thanh tra, giám sát phải thật chặt, nếu phát hiện vi phạm kỷ luật thật nghiêm khắc, cứ cắt lương, đuổi việc vài trường hợp là sợ ngay” - ông Đình phân tích.

Trao đổi với NTNN, thầy Đỗ Việt Khoa – người góp công sức trong việc phanh phui gian lận thi cử ở hội đồng thi THPT Đồi Ngô 2012 cho rằng, việc cho phép thí sinh mang máy ghi hình... vào phòng thi tốt nghiệp là một tiến bộ so với quy định cũ, hỗ trợ thí sinh chống gian lận thi cử. “Quy định này ít nhiều có tác dụng làm giảm gian lận thi cử, mà phần lớn do sự tiếp tay của giám thị coi thi. Từ nay, giám thị sẽ sợ thí sinh ghi hình mà phải coi thi nghiêm túc hơn. Đó là áp lực cần thiết để giáo viên coi thi nghiêm túc. Người nghiêm túc không bao giờ sợ bị ghi âm, ghi hình” - ông Khoa chia sẻ.

Ông Khoa cũng cho biết, theo tìm hiểu của ông ở một số trường, nhà trường không thông báo tới thí sinh quyền được mang máy quay clip, thậm chí có nơi còn đe dọa, gây khó dễ cho học sinh. Ông Khoa cũng cho rằng, việc Bộ GDĐT cho thí sinh quyền giám sát giám thị có thể phanh phui thêm một số vụ việc tiêu cực như “Đồi Ngô” nhưng khó có thể có một kỳ thi nghiêm túc khi cơ chế giáo dục không thay đổi.

Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường THPT Từ Liêm (Hà Nội): Chỉ lo sơ sẩy

Nhiều năm đi coi thi nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác hồi hộp như năm nay. Những năm trước, phát hiện thí sinh mang điện thoại đã khó, giờ lại lo làm sao có thể phân biệt được chính xác loại thiết bị nào có hay không có chức năng phát tại chỗ. Chưa kể, sơ sẩy quần áo hay chẳng may ngồi lâu, mắt lim dim một tí chúng chụp được rồi đưa lên mạng.

Ông Trần Văn Tuấn - phụ huynh học sinh Trường THPT Chiềng Sinh (TP.Sơn La): Tốt nhưng chưa hợp lý

Tiêu cực trong thi cử ở Sơn La chắc không như ở những nơi khác. Bằng chứng là thời gian qua ở Sơn La đã có những năm học sinh cấp 3 cả huyện gần như trượt hết; có những con cháu cán bộ to vẫn trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo tôi, việc cho học sinh mang máy ghi hình, ghi âm vào phòng thi tốt nghiệp để chống gian lận cũng là việc tốt nhưng chưa hợp lý. Nếu cấp trên thấy việc này là cần thiết thì hãy giao cho chính các giám thị làm. Sau kỳ thi bắt buộc phải nộp lại băng ghi hình đó. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều cho hầu hết thí sinh.

Ông Trần Văn Thi - Hiệu trưởng Trường THPT Lục Ngạn 3, Bắc Giang: Sẽ gây áp lực cho giáo viên

Quy định mới làm cán bộ coi thi ý thức cao hơn khi làm việc. Thế nhưng, nó cũng ít nhiều gây áp lực cho giáo viên, bởi không phải ai cũng am hiểu phương tiện để phân biệt, phát hiện những loại nào thí sinh được phép mang vào phòng thi.

 

(Theo Hà An - Kiều Thiện/ Dân Việt)