Các trường ĐH và học viện của Mỹ đang ồ ạt cho ra lò ngày càng nhiều thạc sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu của các cử nhân trẻ muốn có tấm bằng học thuật cao hơn để nổi bật trong thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Ảnh minh họa |
Thống kê của liên bang cho biết từ năm 2000 tới 2012, tỷ lệ thạc sĩ tốt nghiệp tăng 63% - cao hơn tỷ lệ cử nhân 18%. Đây là dấu hiệu của một sự chuyển dịch âm thầm và sâu sắc đang diễn ra ở nhiều trường đại học uy tín – những nơi đang rót tiền vào việc đào tạo nhiều nhất từ trước tới nay.
Để có một tấm bằng thạc sĩ, người học phải tiêu tốn từ 20.000 tới 30.000 USD. Chính vì thế, một số trường đại học xem những người học thạc sĩ như những cái “cây hái tiền” trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Sinh viên thì coi tấm bằng Thạc sĩ như một tấm vé thông hành để dễ dàng thăng tiến hoặc để tìm một công việc mới. Đối với họ, sức hấp dẫn của việc tăng lương lên tới hàng ngàn đô la mỗi năm đủ để bất chấp nguy cơ phải gánh một món nợ lớn sau khi học xong.
Một phân tích dữ liệu của liên bang cho thấy Washington là khu vực mà xu hướng này phát triển mạnh nhất. Mỗi năm, các trường đại học như George Washington, Georgetown và Johns Hopkins đều cho tốt nghiệp nhiều Thạc sĩ hơn Cử nhân.
Ví dụ như ĐH Georgetown có 1.871 Cử nhân và 2.838 thạc sĩ tốt nghiệp năm 2012. Tỷ lệ Cử nhân của trường này tăng 12% trong vòng 8 năm trong khi Thạc sĩ tăng 82%.
Doug Stone, 28 tuổi – một chuyên viên phân tích của Cơ quan An ninh quốc gia vừa tốt nghiệp ĐH Georgetown vào tháng này với tấm bằng thạc sĩ Quan hệ công chúng và truyền thông doanh nghiệp. Tấm bằng tiêu tốn của anh khoảng 27.000 USD. Anh cho rằng tấm bằng cử nhân Khoa học chính trị của ĐH Bang Ohio là chưa đủ trong một thành phố mà đi đâu cũng có thể gặp Cử nhân.
“Những người làm việc cùng tôi toàn là những người xuất sắc. Nếu bạn muốn có một chỗ đứng chắc chắn, bạn cần ít nhất là tấm bằng Thạc sĩ” – Stone nói.
Trước đây – ngoại trừ lĩnh vực giáo dục và quản trị kinh doanh, bằng thạc sĩ thường đóng vai trò thứ yếu trong các trường đại học. Đôi khi, nó được xem như một bước đệm cho những người muốn phấn đấu lấy bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, hiện tại những quan điểm này ngày càng trở nên không thực tế.
“Bằng thạc sĩ đang trở thành một phần quan trọng trong câu chuyện về sự thay đổi của người Mỹ” – Katherine S. Newman, trưởng khoa Nghệ thuật và Khoa học, ĐH Hopkins cho hay. “Đã có thời các ngành công nghiệp của Mỹ trông chờ người ta học một nghề nào đó. Còn bây giờ chúng ta không chỉ là một cái máy đào tạo nhân lực kỹ năng cao cho các ngành công nghiệp Mỹ”.
Sarah Theos, 34 tuổi, tới từ Montgomery là một ví dụ. Theos là một nhân viên bán hàng cho Công ty công nghệ sinh học Promega. Hiện Theos có bằng Cử nhân Sinh học của ĐH Công nghệ Virginia. Cách đây 2 năm, cô đăng ký học chương trình thạc sĩ bán thời gian ngành Công nghệ sinh học tại ĐH Hopkins. Hết tháng này Theos sẽ tốt nghiệp. Cô cho biết mức giá cho tấm bằng này khoảng 32.000 USD và nó sẽ giúp cô kết nối với khách hàng. Công ty Promega và Theos chia đôi học phí học thạc sĩ.
“Trong ngành công nghiệp bán hàng của tôi, họ muốn bạn có bằng cấp cao để có thể nói chuyện với khách hàng” – Theos nói.
Adam Jadhav, 30 tuổi đã từng là một nhà báo mảng chính trị cho tờ St. Louis Post-Dispatch khoảng vài năm cho tới khi anh cảm thấy có một sự thôi thúc cần phải ra nước ngoài để viết, dạy và làm tình nguyện. Anh nhận được passport có đóng dấu ở Kenya, Ecuador và Ấn Độ. Mùa thu năm 2011, anh bắt đầu học thạc sĩ ngành Chính sách môi trường toàn cầu ở ĐH American, trong đó tập trung vào khoa học chính trị, kinh tế và phát triển bền vững.
Các khoản tài trợ và học bổng bù đắp phần lớn mức chi phí 56.000 USD, nhưng Jadhav cho biết anh vẫn phải vay khoảng 50.000 USD để trang trải chi phí sinh hoạt, nghiên cứu và đi lại. Chương trình của ĐH American đã giúp anh giành được một học bổng nghiên cứu của Fulbright đi Ấn Độ để nghiên cứu về cộng đồng ngư dân sau khi tốt nghiệp vào tháng này.
“Bằng thạc sĩ đã mở ra nhiều cánh cửa mới với tôi. Nó thực sự giúp tôi làm những gì mình muốn trong cuộc sống sau này” – anh chia sẻ. Tấm bằng Cử nhân mà anh nhận được từ ĐH Illinois cách đây vài năm hiện chỉ là tiêu chí tối thiểu mà những người như anh cần để phát triển trong nền kinh tế hiện đại này.
Nguyễn Thảo (Theo Washington Post)