- Nhiều trẻ nông thôn không được bố mẹ giao cho cầm tiền, chưa nói đến việc dạy cho trẻ cách tiêu tiền, mua thứ này, bỏ thứ kia… Bởi hầu hết gia đình nông thôn đều không thuộc dạng khá giả, có của ăn của để nên chuyện cho con cháu chút tiền tiêu vặt vẫn còn hiếm.
Ảnh minh họa: Internet |
Bé Trang là một trong những trường hợp như thế. Mặc dù năm tới đã vào lớp 7 nhưng gần như chưa bao giờ Trang được cầm một số tiền lớn quá 20 nghìn. Chỉ trừ khi bố mẹ sai đi mua một số thứ nho nhỏ hoặc cho tiền ăn sáng nếu ngày nào có việc bận, bố mẹ không kịp nấu hay mua đồ ăn sáng cho mấy chị em.
Bố làm ruộng, mẹ làm công nhân. Thu nhập cả tháng của cả hai vợ chồng anh chị chỉ vừa đủ chi tiêu tằn tiện nên hiếm khi có chuyện cho con tiền tiêu vặt, chẳng có tiền tiết kiệm, cũng chẳng có chuyện dạy con cách tiêu pha cho hợp lý.
Từ nhỏ Trang học rất tốt, thường xuyên được đi thi học sinh giỏi huyện, tỉnh, năm nào cũng ẵm giải cao. Mỗi lần nhà trường hay xã, huyện, thành phố phát thưởng, ngoài mấy cuốn vở lúc nào cũng kèm thêm một chiếc phong bì. Số tiền thưởng không nhiều, từ mấy chục nghìn tới vài trăm nghìn, nhưng ý thức được hoàn cảnh gia đình, em luôn đưa hết cho mẹ đóng học phí, mua sách vở, đồ dùng học tập. Thỉnh thoảng bố mẹ cho mấy nghìn, em chỉ dám mua cái bánh, cái kẹo hay chiếc kẹp tóc nho nhỏ.
Mỗi dịp Tết đến, nhận tiền mừng tuổi, vẫn vui như bao đứa trẻ khác nhưng Trang chẳng quan tâm hay tò mò trong lì xì có bao nhiêu tiền. “Đằng nào em cũng đưa cho bố mẹ mà!” – cô bé tiu nghỉu trả lời.
Cũng như cô chị, bé Yến – em gái Trang năm nay mới vào lớp 1 nhưng cũng rất ngoan ngoãn trong chuyện tiền nong. Mỗi lần nhận tiền mừng tuổi, bé lại vào khoe mẹ rồi bảo “mẹ cầm cho con!”, chứ chưa hề có ý thức tiêu tiền.
Ngược lại, chuyện nhà bé Na lại khác. Cũng ở quê nhưng kinh tế gia đình khá giả hơn, bố mẹ Na cũng dễ dãi, thoải mái hơn trong chuyện tiền nong. Không đến mức con đòi gì mua nấy nhưng anh chị không ý kiến gì khi con cầm cả mấy trăm nghìn tiền mừng tuổi trong tay tự chi tiêu theo ý mình.
Mỗi lần cô dì chú bác cho tiền, hai chị em nhà Na đều được toàn quyền tự quyết định mua gì. Hầu hết các em chỉ mua bánh kẹo, truyện tranh, đồ chơi. Sách vở, đồ dùng học tập… những thứ cần thiết khác không bao giờ Na chịu chi tiền vì biết chắc chắn bố mẹ sẽ mua. Thỉnh thoảng bố mẹ hai bé cũng có hỏi mua gì, tiêu gì nhưng cũng chỉ mắng qua loa vài câu rồi cho qua.
Tệ hơn là trường hợp của cu Cò, năm nay mới 5 tuổi. Là con trai độc đinh trong nhà nên cả ông bà, bố mẹ đều ra sức chiều chuộng, làm vừa lòng cậu ấm. Cứ mỗi lần không vừa ý, Cò lại gào khóc, đập phá, bố mẹ không nỡ dùng biện pháp mạnh với cậu quý tử, lại lấy tiền ra “dụ”. “Cò ngoan, ăn hết cơm rồi mẹ cho tiền mua bim bim”, “Ở nhà chơi ngoan, bà cho tiền mua kẹo”…
Cứ thế quen dần, mỗi lần ăn vạ, Cò lại đòi tiền mua hết thứ nọ đến thứ kia. Bố mẹ ít khi dám từ chối cu cậu. Thậm chí, cậu con trai đòi gì là phải đi mua ngay lập tức, không cu cậu lại khóc toáng lên, bố mẹ xót con không chịu được lại phải chiều ý. Mới 5 tuổi, còn chưa biết phân biệt đồng to đồng nhỏ nhưng chuyện Cò cầm tiền đi nghêu ngao, khoe mọi người là rất bình thường.
Có lần chị họ Cò đang dẫn đi chơi quanh làng thì cu cậu đòi rẽ vào quán quen mua con quay yoyo. Cương quyết không chiều ý Cò, bà chị cứ để cho cu cậu khóc chán. Không có bố mẹ để vòi, cu cậu đấm đá chị ruột (học lớp 8) đang đi cùng, bắt bằng được chị đưa tiền. Chị Cò sợ về nhà cậu em mách với bố mẹ không mua quà cho em, bực dọc đưa cho mấy nghìn nhưng nhất quyết không đi cùng vào quán, để xem cu cậu làm thế nào.
Ấy vậy mà Cò mạnh dạn bước vào quán. Các chị thò đầu vào thì thấy cu cậu đang đưa tiền cho bác chủ quán, tay chỉ chỉ món đồ muốn mua. Hiểu ý, bà chủ quán cầm tiền rồi đưa đồ. Chỉ đợi có thế, Cò chạy ngay ra khỏi quán mặc dù vẫn còn tiền thừa nhưng cu cậu nào đã biết thừa thiếu thế nào, chỉ cần có thứ mình muốn là hết khóc. Nhưng chỉ hai phút sau nhận ra mình không biết chơi món đồ này, Cò thẳng tay vứt đồ xuống đất.
Một lần khác cũng tương tự. Đòi mua tò he không được, Cò lại khóc toáng giữa siêu thị. Cu cậu đòi tự cầm tiền đi mua mặc dù hàng tò he ở tít cổng cách chỗ đứng khoảng 100m. Vừa lò dò đi cu cậu vừa quay lại nhìn ngớp mọi người. Ai cũng tỏ ra không quan tâm, hi vọng cu cậu sợ đi xa sẽ quay lại nhưng cuối cùng Cò cũng tới được chỗ bán tò he, giơ giơ tờ 5 nghìn ra trước mặt chú bán hàng. Có lẽ do thiếu tiền hoặc không muốn bán cho trẻ con quá nhỏ, cu cậu không mua được tò he, lại tẩn ngẩn quay lại.
Không chỉ những bậc cha mẹ như bố mẹ Na, Cò mà còn nhiều phụ huynh khác, đôi khi do chưa ý thức được đầy đủ về việc giúp trẻ hiểu đúng giá trị đồng tiền và biết cách sử dụng hợp lý, cứ thấy trẻ tỏ ra “dạn” tiền, khư khư giữ tiền là khen “khôn”, “thông minh” mà không lường trước được hậu quả sau này.
Nguyễn Thảo