- Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay có nhiều nơi vi phạm kỉ luật thi nhưng việc phát hiện có hạn chế nên người dân có quyền nghi ngờ. Dù chưa được như mong muốn nhưng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông rất quan trọng và không thể bỏ.

Không xử lí thí sinh

{keywords}

Chiều 13/6, trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiếp nhận sự việc với thái độ xử lí khẩn trương, nghiêm túc, đúng người đúng lỗi.

Với các thí sinh, Bộ GD-ĐT thống nhất với Hà Nội không xử lí các em. Rõ ràng thí sinh có lỗi, vi phạm quy chế. Tuy nhiên, do các giám thị không nhắc nhở, dung túng cho hành động sai trái của thí sinh nên các em có điều kiện thực hiện những việc không đúng”.

Còn nhiều nơi vi phạm kỉ luật

- Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết tính chất sự việc, sai phạm không có tổ chức, không có dấu hiệu tiêu cực, mang tính tự phát và chỉ xảy ra ở 1 phòng thi. Theo Thứ trưởng sự việc có thực chỉ xảy ra ở 1 phòng hay có tính hệ thống?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nếu khẳng định các phòng thi khác không vi phạm là chưa chắc lắm. Nhưng Hà Nội đã có trách nhiệm triệu tập tất cả hội đồng, các phòng thi khác của cả hội đồng coi thi đến làm việc, viết bản tường trình và cam đoan thì khẳng định chỉ có phòng này vi phạm. Không muốn nói là “tự phát”, mình nói đây là hoạt động của từng cá nhân vi phạm, không phải của tổ chức, không thấy có dấu hiệu tiêu cực.

- Sau sự việc tiêu cực tại Trường THPT DL Đồi Ngô năm 2012 đến năm nay lại xuất hiện những hình ảnh giám thị làm ngơ cho sai phạm. Phải chăng quy chế thi tốt nghiệp THPT chưa đủ mạnh để buộc họ phải làm nghiêm?

Nguyên tắc, quy chế đã chặt chẽ nhưng lực lượng để giám sát thường xuyên không phải lúc nào cũng đến kiểm tra được. Do đó phải làm sao phát huy trách nhiệm của từng người. Ai không làm tròn trách nhiệm, bị phát hiện thì phải xử lí.

Từ vụ Đồi Ngô năm ngoái, năm nay Bộ đã cho mang thiết bị ghi âm ghi hình rồi việc xử lí nghiêm túc của Hà Nội cùng nhiều việc khác nữa,…Nếu kiên trì, quyết tâm theo hướng lập lại trật tự, kỉ cương trong kỳ thi thì chắc chắn những kỳ thi năm sau sẽ nghiêm túc hơn năm nay. Dù năm nay cũng đã nghiêm túc hơn năm ngoái.

- Kỳ thi tốt nghiệp năm nào cũng kết thúc “an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” nhưng dư luận còn nhiều băn khoăn về tính nghiêm túc, chất lượng thực của nó. Bộ có giải pháp căn cơ nào để củng cố niềm tin người dân, thưa Thứ trưởng?

Cần phải thấy ở kết luận của Bộ ghi rõ “về cơ bản là an toàn, nghiêm túc”. Tôi cho rằng có nhiều nơi vi phạm kỉ luật thi nhưng việc phát hiện có hạn chế nên người dân có quyền nghi ngờ.

Nhưng cùng với việc thuyết phục người dân thì thay đổi phải bằng chính việc tổ chức dạy và học thật tốt, kiểm tra nghiêm túc. Biến việc này thành nề nếp thường xuyên qua từng  bài kiểm tra thì những kỳ thi mang tính quốc gia như thế này mới nghiêm túc được.

Nếu cả quá trình không nghiêm túc mà đến kỳ thi cuối cùng bảo nghiêm túc thì không có.

Quan trọng hơn cả là chính những người làm giáo dục phải tự giác, tâm huyết với sự nghiệp. Không ai làm thay các thầy cô và các em học sinh được.

Không tán thành bỏ thi tốt nghiệp

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng kỳ thi tốt nghiệp? Liệu có cần thiết duy trì một kỳ thi như vậy hay không?

Xu hướng chung trên thế giới hiện nay ngày càng nhiều nước quan tâm tới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay như ở Mỹ trước đây nhiều bang không thi tốt nghiệp trong vài năm nay số bang thi ngày càng tăng. Người ta quan niệm thi tốt nghiệp THPT một cách khách quan, chính xác sẽ phản ánh chất lượng giáo dục và đánh giá được hiệu quả đầu tư cho giáo dục phổ thông. Thông qua đó, các nước rút kinh nghiệm cho việc dạy và học.

{keywords}

Hiện kỳ thi tốt nghiệp của mình chưa đạt được mong muốn như vậy. Nhưng không phải nó chưa đạt được như thế thì bỏ đi. Thái độ xử lí là cứ thấy chưa được, chưa làm được, không làm được thì bỏ là không phải.

Vấn đề là xem xét có khiếm khuyết gì, có khắc phục được không, có thể vươn tới cái gì tốt đẹp được không. Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông rất quan trọng và không tán thành việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

Còn đầu vào đại học có nhiều cách để tuyển sinh khác nhau. Có thể thi, không thi. Nói chung xu hướng là do các nhà trường tự quyết nhưng các trường không chỉ lấy 1 kỳ thi của họ mà dùng nhiều kết quả đánh giá khác nhau từ xã hội, từ trường phổ thông…để tuyển sinh.

Đổi mới thi tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ

- Về sâu xa, rõ ràng khâu kiểm tra đánh giá ở các cấp học chưa tốt. Sắp tới Bộ làm như thế nào để ngay trong các bài kiểm tra đánh giá phân loại được tốt thí sinh, tiến tới thi tốt nghiệp các em thi đỗ là có đủ năng lực, kiến thức cơ bản tránh tình trạng những em không biết gì vẫn lên lớp rồi thi tốt nghiệp có quay cóp, tiêu cực?

Mỗi hoạt động thi, kiểm tra đánh giá có ý nghĩa khác nhau nhưng có tác dụng hỗ trợ và liên quan đến nhau để đánh giá chất lượng giáo dục và điều chỉnh quá trình dạy học.

Những bài kiểm tra trên lớp có tác dụng nhanh, tác động trực tiếp trở lại quá trình dạy học nhiều hơn. Nhưng thi tốt nghiệp lại đánh giá được mặt bằng chung; nó giống như lần nghiệm thu cuối cùng để cho người học sinh đủ tư cách tốt nghiệp hệ thống giáo dục phổ thông. Tác dụng lớn của kỳ thi được đánh giá ở mặt chính sách nhiều hơn việc cụ thể trong việc dạy, học.

Đúng là hệ thống kiểm tra đánh giá của ta rất yếu, nhiều lạc hậu. Ngân hàng thế giới chia ra 4 mức phát triển của hệ thống kiểm tra đánh giá giáo dục và họ xếp VN hiện mới ở mức 2 tức là đang hình thành hệ thống kiểm tra đánh giá hiện đại.

Trong quá trình thi cử học sinh quen với sự nghiêm túc thì sẽ không vi phạm. Nhưng nếu đi học, đi thi, đi kiểm tra các em vi phạm được thì đến lúc thi tốt nghiệp cũng quen đi.

Hiện Bộ đang tiến hành đổi mới kiểm tra đánh giá. Bộ khuyến khích giáo viên phải có nhận xét với bài kiểm tra của trò hay việc ra đề theo hướng mở, học sinh được nghiên cứu khoa học...

Riêng tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ đổi mới theo hướng gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn, tin cậy hơn, trung thực hơn, khoa học hơn.

Muốn gọn nhẹ hơn thì trước hết phải quan tâm đến đánh giá trong quá trình dạy học. Thí dụ trong quá trình dạy học sẽ đánh giá dần những gì học sinh đã lĩnh hội được; học xong mỗi bộ môn, mỗi phần đều có kết quả đánh giá ghi lại là một cách. Cách hai là thêm hình thức đánh giá khác.

Ví dụ, học sinh không phải chỉ có thi mà có thể nộp hồ sơ như nghiên cứu về vấn gì đấy viết được thành bài luận thì hoàn toàn có thể dở sách vở, lên mạng tìm hiểu thông tin. Như vậy thì không ngại việc quay cóp…Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia một số chương trình đánh giá quốc tế về giáo dục phổ thông, qua đó học được cách làm mới và thêm nhiều thông tin khách quan về chính hệ thống giáo dục nước nhà.

Bộ cũng tính toán xây dựng ngân hàng câu hỏi thi ở các mức độ khác nhau từ nhớ, hiểu, biết vận dụng, sáng tạo,…để phối hợp thành các đề thi khác nhau đánh giá phân hoá được năng lực của học trò.

- Vậy khi nào VN sẽ hoàn thành hệ thống kiểm tra đánh giá hiện đại, thưa Thứ trưởng?

Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình này. Việc đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá đã bước đầu có kết quả tốt nhưng còn phải cố gắng rất nhiều cả về xây dựng lực lượng chuyên trách, tập huấn cho toàn bộ đội ngũ nhà giáo, xây dựng, quản lí và phát triển ngân hàng câu hỏi… Các việc đó phải được hiện đồng bộ với quả trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang được bắt đầu.

  • Văn Chung (thực hiện)