- Đề Văn lớp 10 yêu cầu học sinh “bằng những hiểu biết xã hội, hãy trình bày về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc”.
10h sáng 18/6, hơn 70.000 thí sinh kết thúc làm bài thi môn Văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội.
Sau buổi thi, nhiều em cho biết đề thi năm nay khá cơ bản và có ý hay.
Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 9 Trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa) thi vào Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cho biết: “Đề thi Văn năm nay khá vừa sức. Em làm vừa hết thời gian thì xong”.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2013 tại Hà Nội. (Ảnh: Văn Chung) |
Linh cho biết em thực sự xúc động ở ý 3 phần II hỏi suy nghĩ học sinh về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc nghị luận xã hội nghị luận xã hội bảo vệ biển đảo thiêng liêng.
“Trong bài thi em nói những người chiến sĩ của chúng ta luôn kiên cường bất khuất. Họ như những vì sao sáng trên bầu trời, như những cây cổ thụ cắm sâu rễ xuống đất để giữ từng tấc đất tấc vàng cho đất nước.
Là chủ nhân tương lai của đất nước, em luôn ý thức việc học tập tốt để mai này góp sức xây dựng tổ quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc” – Linh chia sẻ.
Trần Quang Huy, học sinh lớp 9 Trường THCS Khương Thượng (quận Đống Đa) phân tích: “Ở phần I (6 điểm) hỏi về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đòi hỏi học sinh kỹ năng tổng hợp, phân tích, lập luận. Như vậy là khá cơ bản.
Riêng ở phần 4 điểm, ý hỏi về các chiến sĩ bảo vệ biển đảo em có hơi bất ngờ và viết không chắc chắn lắm”.
Với đề Văn này, Quang Huy hi vọng có thể đạt từ 6-7 điểm.
Dù không ôn tập ý hỏi nghị luận xã hội nhưng Nguyễn Quang Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) cho hay: “Vấn đề biển đảo em đã được nghe nhiều trên báo đài nên phần bài làm cũng khá”.
Các câu hỏi còn lại theo Quang Anh là “khá vừa sức” nên em tin tưởng mình có thể đạt 7 điểm môn Văn.
|
Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội |
Nguyễn Minh Tuấn (THCS Ngô Gia Tự) cho biết, do dự thi vào khối D nên Văn không phải là môn khó khăn đối với cậu bạn. Làm bài khá tốt và tự tin với phần nghị luận nêu rõ tâm niệm của nhà thơ Thanh Hải khi nguyện làm một con chim, một cành hoa và một nốt nhạc trầm để kết thành “Một mùa xuân nho nhỏ/Lặng lẽ dâng cho đời/Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc".
Ở câu hỏi bốn điểm, đề cho một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung và phát triển câu hỏi để viết thành hình ảnh người chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.
Tuấn đã liên hệ rất nhanh khi đọc câu: “Trong khoảng vũ trụ trời đất sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị”. Đó là nhắc nhở các nước láng giềng có chung lợi ích trên biển, phải tôn trọng chủ quyền của nhau.
Cô giáo Nguyệt Anh, giáo viên THCS Nguyễn Du nhận định, đề thi hay, có nhiều ý nghĩa, có thể cho trẻ sự liên hệ với thực tiễn. Trong đề có những câu hỏi rất thời sự liên quan đến chủ quyền biển đảo, từ đó khơi dậy cho các em tình yêu quê hương.
Trong đề có một câu phân loại chính là câu nghị luận nhưng phân loại ít. Đối với câu hỏi này, học sinh chỉ cần có vốn sống hoặc thường xuyên theo dõi đài, báo thời sự thì có thể làm được.
Chiều nay các thí sinh thi môn Toán với thời gian làm bài 120 phút.
- Văn Chung