- Chẳng đến Jordan, chưa tới 25 nước, nhưng với Gia Ngọc, quãng thời gian dừng học 2 năm ở trong nước thực sự hữu ích với bản thân.

Gia Ngọc hiện là quản lý của trang web VApedia, (link là vietabroader.org/pedia). Trang này là một dự án của tổ chức VIetAbroader, có nội dung giống như một từ điển bách khoa về du học Mỹ bậc trung học và đại học.

Gia Ngọc cũng đang là sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH Ngoại thương TPHCM. Tính theo… tuổi, lẽ ra Ngọc đã phải học tới năm thứ 4. Tuy nhiên, sau khi trúng tuyển cũng vào trường này năm 2010, học được hai tháng, Ngọc đã quyết định “Nghỉ!”.

{keywords}

- Em quyết định gap year vì cảm thấy em có một số vấn đề với bản thân. Trước hết, em không biết em có đam mê hay phù hợp với ngành học gì, không biết ngành tài chính ngân hàng đang học có hợp với bản thân không? Em cũng không biết liệu bản thân có thực sự cần học ngành mà em phù hợp, đam mê để thành công hay không, hay cứ học theo một ngành nào đấy bất kì cũng được? Em cũng cảm thấy bản thân còn nghèo vốn sống và nhận ra rằng sau 3 năm cấp 3 em không biết nhiều về cuộc sống bên ngoài.

Ngoài ra, em nghỉ học với dự định ban đầu cũng là để chuẩn bị hồ sơ đi du học ở Mỹ. Đầu năm lớp 12, em đã chuẩn bị việc này nhưng không thành công.

Em đã làm gì trong thời gian nghỉ học?

- Em tham gia CLB VietAbroader, tham gia BTC Hội thảo VietAbroader 2011, 2012, tham gia Ban điều hành Tổ Chức VietAbroader. Em cũng tham gia Dự án mạng lưới lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (viết tắt là SEALNet), đi dạy SAT, đi bán thiệp… Ngoài việc tham gia nhiều hoạt động để tăng vốn sống, em cũng phải tự đọc sách trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, tâm lý, triết học để nâng cao vốn kiến thức của bản thân, đồng thời hiểu được những kiên thức em sẽ phải học trong những ngành trên, từ đó giúp chọn được đúng ngành em muốn theo đuổi.

Khi gap year, em có nghĩ đến những khó khăn khi bỏ học không? Có khi nào em sợ mình sai lầm không?

- Trong quá trình này em đã học được rất nhiều thứ, một trong những thứ đấy là em nhận ra em đam mê về điều gì. Em nhận thấy trong tất cả những việc em làm, em đều rất hứng thú với khía cạnh mà liên quan đến tâm lý con người.

Ví dụ như khi em làm ở Hội thảo, em ở trong ban Quan hệ công chúng. Khía cạnh mà em thích là lên kế hoạch để quảng bá cho hội thảo, đưa hội thảo đến các em cấp 3. Khi em làm ở Câu lạc bộ, khía cạnh mà em thích là đọc đơn đăng kí tham gia câu lạc bộ và phỏng vấn các bạn học sinh cấp 3, và đi dò hỏi trong mạng lưới quan hệ của em về những bạn này để biết được ngoài đời họ như thế nào. Khi em đi dạy SAT, em phải tìm hiểu về tâm lý con người trong việc học, và em cũng thích việc đối thoại với học trò để hiểu được suy nghĩ của học trò từ đó biết cách làm cho học trò hiểu bài.

Chính vì thế, em không hề hối hận khi đã take 2 năm gap year. Em dự định sau này sẽ theo đuổi hướng liên quan đến giáo dục và công nghệ thông tin. Em không thích đứng lớp vì em thấy nghề giáo ở Việt Nam không được coi trọng và cũng khó sống.

Gia đình em nghĩ sao khi em nghỉ học?

- Gia đình em không biết. Em không nói vì biết rằng nói kiểu gì cũng bị từ chối. Và kể cả khi gia đình em đồng ý thì trong thời gian đó mình muốn đi đâu, làm gì cũng sẽ phải báo cáo thường xuyên, không được tự do.

{keywords}

Tại sao em không đi ra nước ngoài khám phá, hoạt động tình nguyện… trong thời gian nghỉ học, như cách nhiều bạn take gap year đã làm?

- Đi lại thì phải cần tiền, mà em thì không có tiền. Bản thân em cũng không thích đi du lịch, vì em không thích cảm giác di chuyển. Ở lại thành phố em học được nhiều thứ.

Hai năm gap year với em là đủ?

- Thực ra em định nghỉ học 3 năm cơ. Nhưng em nghỉ gần 2 năm thì gia đình em phát hiện ra. Mọi người có la mắng và bắt em phải thi lại đại học. Vì vậy mà năm vừa rồi em đã thi và trúng tuyển vào trường ĐH Ngoại thương TPHCM.

Em đã từng nghỉ học ở trường ĐH Ngoại thương vì lý do không biết có thật sự đam mê, phù hợp không. Vậy tại sao em lại thi lại vào chính ngôi trường này, khi dự định của em là theo đuổi công việc liên quan tới giáo dục, công nghệ thông tin?

- Học ngoại thương không hẳn là không đúng sở thích. Em cũng thích học kinh tế, nhưng là học để biết chứ không phải học để làm. Tư duy kinh tế còn áp dụng được vào nhiều việc khác.

Đến thời điểm này, em đã thấy mình đi đúng hướng chưa? Em có ân hận không, nhất là khi bị chậm mất 2 năm so với các bạn cùng tuổi?

- Về việc chậm, em cảm thấy điều đấy không quan trọng, và em cũng không bị phiền lòng bởi điều đấy.

Em cảm thấy rằng, nhanh hay chậm cũng chỉ là tương đối. Mỗi người được sinh ra trong các hoàn cảnh khác nhau, vì vậy sự phát triển của bản thân họ - sự phát triển về mặt nhận thức bản thân và vốn sống - là khác nhau.

Ở tuổi 18, em cho rằng nhận thức bản thân và vốn sống của bản thân chưa đủ cho một đứa 18 tuổi, chính vì thế em cho rằng điều quan trọng là em làm những thứ em cần phải làm là bổ sung vốn sống và khả năng cho bản thân, chứ không phải quá bận tâm đến việc nhanh chậm và sự so sánh tương đối giữa bản thân và các bạn cùng tuổi khác.

Cái mà em nhận được qua 2 năm gap year cũng không chỉ là hành trang kinh nghiệm mà có kết quả thực tế.

Đó là em nhận được học bổng 50 nghìn USD của ĐH Saint John (Mỹ). Nhưng có 2 lý do mà em không đi: Thứ nhất là có một khoản sẽ phải trả lại.

Nhưng đó không phải là lý do chính, mà điều khiến em quyết định ở lại Việt Nam là do muốn có thời gian dành cho trang VApedia. Nếu ra nước ngoài bận việc học sẽ không có thời gian nhiều cho web. Đây cũng chính là một bước để chuẩn bị cho công việc liên quan đến giáo dục sau này. Bởi vì, nội dung các bài viết trên trang VApedia mang tính truyền tải thông tin và hướng dẫn, vì thế việc chuẩn bị các bài viết này cũng có nhiều phần giống như đi dạy, ví dụ như trình bày thông tin chặt chẽ, hoặc tìm hiểu về những cách hiểu sai, hiểu nhầm thường gặp của một vấn đề...

Em có chia sẻ gì với các bạn đồng trang lứa?

- Nếu các bạn coi việc học là con đường duy nhất, như các bạn ở quê, thì tập trung cho việc học. Còn với những bạn ở thành phố, việc học không cấp bách lắm, thì nên dành thời gian 1, 2 năm tạm nghỉ. Thà là mình đi chậm nhưng biết mình đi đâu.

Cảm ơn em và chúc em thực hiện được những hoài bão của mình.

  • Chi Mai