Không được chọn "cửa để sinh ra", những cô gái có hoàn cảnh éo le từ bé này đã âm thầm vượt qua sự nghiệt ngã của số phận và gặt được niềm vui ở tuổi trưởng thành, khi kết quả thi đại học của họ là các điểm số thủ khoa, á khoa hoặc đỗ 2 trường.

Ô Xin vượt khó tìm hạnh phúc

Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, không có sự chăm sóc của bố, mẹ em đặt cho em cái tên Ô Xin với mong muốn hạnh phúc sẽ đến với cô con gái sau những sóng gió cuộc đời.

{keywords}
O Xin và mẹ trong bệnh viện. Ảnh: VTC

Tên đầy đủ của cô bé cùng lúc đỗ 2 trường đại học lớn này là Trần Thị Ô Xin, sinh ra và lớn lên ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ em đã không nhận được sự quan tâm chăm sóc của người bố, hai mẹ con nương tựa vào nhau, sống qua ngày trong căn nhà rộng chưa đến 10m2. Cuộc sống của hai mẹ con chỉ trông chờ vào tiền công của người mẹ từ việc quét dọn, rửa bát mỗi ngày ngoài chợ.

Số phận Ô Xin còn trớ trêu hơn khi cùng lúc mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo: sưng lách bẩm sinh, sỏi mật, thiếu máu, đau dạ dày. Ngày em kết thúc môn thi cuối vào ĐH Y dược Huế cũng là ngày em phải nhập viện điều trị. Gian nan, bất hạnh là thế nhưng suốt 12 năm liền, cô bé là học sinh giỏi toàn diện, nhiều lần đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em cũng đứng đầu toàn trường với số điểm 55,5.

Đỗ cùng lúc cả ĐH Bách Khoa và ĐH Y dược Huế với số điểm cao, Ô Xin chọn nghề bác sĩ với mong muốn sau này có thể chăm sóc cho bản thân tốt hơn và có cơ hội giúp những người nghèo, trẻ mồ côi không có điều kiện chữa trị.

Trước mắt, thử thách lớn nhất của hai mẹ con Ô Xin là kinh phí suốt quãng thời gian em học đại học. Thời gian tới, chị Sửa dự tính sẽ thuê một phòng trọ cho hai mẹ con, sau đó chị sẽ đi làm thêm kiếm tiền lo cho con gái ăn học và chữa bệnh.

Nữ sinh “không được phép khóc”

{keywords}
Ảnh: Trang Nhung

Không giống như O Xin, sinh ra đủ bố đủ mẹ nhưng cô nữ sinh giàu nghị lực xứ Thanh cũng không may mắn hơn khi mới chào đời được ít lâu thì bố em mắc bệnh tâm thần.

Cuộc sống quá chật vật, khó khăn, mẹ em phải bỏ vào Sài Gòn kiếm sống. Sống cùng ông bà ngoại, tuổi thơ của Lan thiếu hẳn bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Có lẽ cũng vì thế mà bản lĩnh, nghị lực của em hiếm ai có được.

Em luôn tự nhủ mình không được phép khóc, phải mạnh mẽ, không nản chí vì tương lai còn ở phía trước. Hiện tại, mẹ em đã về quê, xin làm công nhân ở gần nhà, tuy nhiên cuộc sống của mẹ con em vẫn vô cùng khó khăn khi phải chật vật với số tiền lương 3 triệu ít ỏi trong khi vẫn phải chăm lo cho người cha tâm thần.

Dự định của em trong thời gian tới là đi làm thêm từ năm thứ nhất để lấy tiền trang trải cuộc sống và nếu có thể, em sẽ học thêm một văn bằng nữa để tận dụng thời gian.

Bán ruộng lấy tiền đi thi

{keywords}
Thủ khoa Học viện Quân y - Nguyễn Thị Như Quỳnh. Ảnh: Văn Chung

Thủ khoa Học viện Quân y năm nay là một nữ sinh nhỏ nhắn, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê cách trung tâm Hà Nội không xa. Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng gia đình nằm trên đất thủ đô này vẫn phải bán ruộng mới đủ tiền cho con gái đi thi.

Đạt 29 điểm (cả điểm cộng ưu tiên là 30 điểm), Nguyễn Thị Như Quỳnh trở thành thủ khoa Học viện Quân y. Kinh tế gia đình càng trở nên khó khăn hơn sau khi bố em qua đời vì tai biến mạch máu não, một mình mẹ nuôi 3 chị em ăn học.

Cuộc sống của cả nhà trông chờ vào mấy sào ruộng và công việc làm mây tre đan xuất khẩu mẹ em nhận thêm. Đã thế, người mẹ còn đau ốm liên miên khiến không ít lần Quỳnh muốn bỏ học, ở nhà giúp mẹ. Nhà cách trường gần 10km, em phải ở lại trường ăn trưa. Những bữa cơm của em thường chỉ có muối lạc và mấy cọng rau luộc. Quần áo, sách vở của mấy chị em đều dùng lại của nhau hoặc được mọi người cho.

Thương mẹ đau ốm liên miên, em thi vào trường y với hi vọng chăm sóc tốt hơn cho mẹ sau này.

Thủ khoa áo rách

{keywords}
Dương Thị Hạnh (ngoài cùng bên trái) - thủ khoa ĐH Y Hà Nội

Cách nhà thủ khoa Học viện Quân y không xa là nhà của thủ khoa ĐH Y Hà Nội. Em Dương Thị Hạnh với 29,5 điểm, là thủ khoa của ĐH Y năm nay và là bạn học cùng lớp với Quỳnh.

Chật vật với 7 miệng ăn, bố em phải ra Hà Nội làm mộc, mẹ ở nhà ngoài làm ruộng còn bán rau ở chợ trong làng kiếm thêm thu nhập. Nhà nghèo nhưng quyết tâm không để các con thất học, anh chị phải nai lưng làm thêm nghề phụ. Chị cả trong 5 chị em hiện đang học năm cuối Học viện Ngân hàng, các em dưới Hạnh còn đang học tiểu học, trung học.

Nghèo khó nhưng năm nào Hạnh cũng đạt học sinh giỏi, lớp 12 em đạt giải Nhất HSG cấp thành phố, thành tích học tập luôn đứng đầu trong lớp. Sắp tới, ra Hà Nội, Hạnh muốn đi gia sư kiếm thêm tiền để bố mẹ bớt vất vả.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)