- TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm cho rằng bỏ chấm điểm lớp 1 sẽ đem lại môi trường giáo dục lành mạnh hơn.
Cho điểm chỉ đáp ứng yêu cầu của phụ huynh
- Thưa ông, chủ trương bỏ chấm điểm vừa được Bộ GD-ĐT công bố đang nhận được hai luồng ý kiến: đồng ý và không đồng ý. Từng là nhà quản lí phụ trách bậc học tiểu học - ông nghiêng về luồng ý kiến nào?
Băn khoăn là điều khó tránh vì thay đổi một thói quen thường đi kèm những thắc mắc.
Bỏ là hợp lí vì các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì ít có nước nào dùng đánh giá bằng điểm số như Việt Nam. Việc đánh giá bằng điểm là từ ngày xưa thi khoa cử - học vì điểm, vì bằng cấp là chính. Còn nay, học để sống thì không cần thiết phải duy trì đánh giá bằng điểm số - có nghĩa không có điểm, vẫn sống được.
TSKH Nguyễn Kế Hào |
Thực ra, xuất phát điểm của việc cho điểm không từ người học.
Về chủ trương này, cá nhân tôi tán thành từ lâu rồi. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, khi tôi làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - từ năm 1995 đã bỏ đánh giá bằng điểm số trong học kỳ I ở lớp 1. Và quy định này được thực hiện từ 1995 - 2002 cũng nhận được ủng hộ.
Việc bỏ cho điểm giải phóng cho trẻ em những ngày đầu đến trường không bị áp lực điểm số.
Bản chất của điểm số đó không có lợi cho học sinh mà chỉ đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh thôi. Nhiều phụ huynh con đi học về là hỏi con được mấy điểm. Nếu điểm cao thì yên tâm còn điểm thấp thì thấy có vấn đề - từ đó nảy sinh ra nhiều chuyện khác.
- Những chuyện khác ông vừa đề cập là gì, thưa ông?
Đánh giá bằng điểm dễ nảy sinh vấn đề không lành mạnh. Ví như phụ huynh sốt sắng gặp thầy cô hoặc có phụ huynh không kiềm chế được, buông lời mắng mỏ con mình. Thậm chí điểm kém nhiều khi trong gia đình dễ nảy sinh lục đục.
Tôi chỉ phân tích một điểm này để thầy rõ vấn đề, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 có nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau, đặc điểm tâm sinh lí cũng khác nhau.
Thậm chí có một bộ phận gia đình có điều kiện thì cho con học trước. Ngày đầu đến trường nếu đã đọc đọc - viết - đếm - tính được rồi thì khi đánh giá bằng điểm thì việc đạt điểm cao là đương nhiên.
Ngược lại, có những học sinh chưa được học trước, con em người dân tộc chưa nói được tiếng phổ thông...đến trường sẽ ngỡ ngàng. Trong bối cảnh ấy giáo viên không thể cho những học sinh này điểm cao được. Thường để cho an toàn thì giáo viên có tâm lí phải có đủ các loại điểm cho đẹp.
Xóa được các "lò" luyện tiền lớp 1
- Tại sao ông lại cho rằng việc bỏ cho điểm vào cuộc sống sẽ đem lại nhiều tín hiệu tích cực hơn cho học sinh?
Trở lại câu chuyện học sinh học trước được điểm cao - thực ra những học sinh này là "bị" lưu ban vì "anh" đã học trước rồi và lại bị học lại từ đầu.Và những học sinh này nhận điểm cao cũng không thấy phấn khởi nên dễ chủ quan và có tâm lí coi thường bạn.
Điều hại nhất là không khuyến khích trẻ học và trẻ không thích học vì được học trước, biết trước học lại không thích thú.
Còn đối với học sinh chưa được học, chưa được điểm cao nhiều khi tự ti, mặc cảm dẫn đến cũng không ham thích học vì không được điểm tốt sẽ giảm hứng thú để học. Còn học sinh trung bình thì cứ "bình chân như vại" vô thưởng, vô phạt.
Cho nên duy trì việc cho điểm không có lợi đối với học sinh và không có tác động tích cực.
- Ông có đồng tình với nhiều lập luận cho rằng, mỗi kiểu nhận xét đều có mặt được và chưa được. Vậy thì cho điểm sẽ tạo động lực cho trò hơn?
Có lẽ đây là lí do "khơi nguồn" cho việc nhà nhà, người người cho con đi học trước. Cho nên mới tồn tại các "lò" luyện vào lớp 1. Nhiều phụ huynh mong muốn cho con được điểm cao nên đổ xô cho con đi học trước.
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm bỏ chấm điểm sẽ tạo động lực tốt hơn cho học sinh. Tất nhiên để thay đổi một thói quen trên diện rộng phải có quá trình. Song song với đó là phải tuyên truyền, giác ngộ để giáo viên, phụ huynh hiểu...Vì đây là chủ trương có độ phủ rộng sẽ không tránh khỏi một bộ phận tán đồng, một bộ phận do dự và một bộ phận không tán thành.
Cũng như trước đây khi tôi quyết định bỏ cho điểm học kì I lớp 1 cũng nhiều người thắc mắc. Nhưng duy trì việc bỏ cho điểm sẽ làm cho tâm lí trò lành mạnh hơn, không bị áp lực về điểm số...
- Cũng có ý kiến cho rằng, với môn Toán thì nên duy trì việc chấm điểm sẽ đánh giá sát hơn nhận thức của trò. Ông có đồng tình với luồng ý kiến này?
Nhận xét có nhiều kiểu lắm. Có thể dùng kí hiệu, những lời nhận xét....Quan trọng nhất là đừng tác động tiêu cực đến trẻ.
Đối với trẻ tiểu học, đặc biệt là giai đoạn đầu đi học quan trọng nhất là trẻ có thích học hay không. Làm sao mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui và thích học. Mặt khác trong quá trình học đạt được kết quả gì dù nhiều ít khác nhau chứ không cào bằng được. Vì mỗi con người là một thế giới riêng.
Cho nên tôi hoàn toàn tán thành việc bỏ chấm điểm lớp 1 vì trước đây tôi đã quy định như vậy thì không có lí do gì không đồng tình.
Với môn Toán có thể nhận xét giỏi, đúng hoặc chưa đúng, chỗ này sai cần làm lại...
Giáo viên phải hiểu trò hơn
- Ông có cho rằng giáo viên toàn tâm với việc chuyển từ việc chấm điểm đơn giản sang nhận xét có phần phức tạp hơn này?
Chấm điểm đơn giản hơn, những con số nó lạnh lùng vô cảm hơn. Khi chuyển sang nhận xét thì đòi hỏi giáo viên cao hơn, có trách nhiệm hơn và phải sát để hiểu trò và thương yêu học sinh hơn.
Tuy nhiên, khi quy định mới vào cuộc sống thì phải có thời gian để làm quen nhưng không khó để thay đổi. Vì giáo viên làm việc gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp. Đương nhiên mới triển khai thì sẽ có những khó khăn vì có những lớp 50-60 học sinh thì việc nhận xét sẽ mất thời gian hơn.
Nhận xét bao giờ cũng tốt hơn, thoả đáng hơn là những con số lạnh lùng.
Thời tôi còn làm vụ trưởng - có những học sinh đi học nước ngoài về, tuy ít nhưng có những học sinh trong học bạ không có điểm số nào cả chỉ có một số thông tin cá nhân. Các trường sợ vì không tương đồng - và các phòng, sở không giải quyết gửi lên bộ. Tôi có gửi lại ý kiến hỏi phụ huynh học sinh thích học lớp nào thì cho vào lớp đó.
- Tiếp cận giáo viên thì ông thấy họ đón nhận chủ trương bỏ chấm điểm này thế nào?
Đương nhiên là người ủng hộ, người không - kể cả cán bộ quản lí. Với bộ phận không ủng hộ thì người ta đang quen với cách làm cũ và ngại thay đổi nhưng phải làm dần. Từ đó nhân rộng ra...vì thực hiện chủ trương này mang lại nhiều lợi ích cho trẻ và không trẻ nào bị thiệt.
- Cảm ơn ông!
- Kiều Oanh