- Trong phần tiếp theo của buổi trò chuyện với chủ đề "MOOCs có thể là một lối thoát cho giáo dục Việt Nam", tiến sĩ Giáp Văn Dương chia sẻ với VietNamNet về "cơ hội rộng mở và bỏ ngỏ" của mô hình trường học đặc biệt này, trong bối cảnh xã hội ngày càng trọng bằng cấp.

Xem phần 1: MOOCs là một cuộc cách mạng giáo dục

{keywords}

TS Giáp Văn Dương: "Nếu chỉ cần bằng cấp để lấy le, người ta có thể mua bất cứ khi nào họ muốn, với giá rất rẻ. Vậy tại sao người ta vẫn phải đi học? Vì đơn giản là họ cần tri thức, chứ không phải một mảnh giấy có ghi chữ chứng chỉ tốt nghiệp". Ảnh: Lê Anh Dũng

Có nhiều nhận định trái chiều về các khóa học trực tuyến mở (MOOCs). Một phía cho rằng sự tăng trưởng chóng mặt của các khóa học trực tuyến đang là mối lo ngại lớn của các trường đại học truyền thống. Nhưng một báo cáo gần đây về MOOC lại cho thấy các khóa học này không phải là mối đe dọa đối với các trường đại học truyền thống mà mang lại cơ hội cho các trường đại học sử dụng tốt hơn công nghệ để nâng cao uy tín toàn cầu.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng các khóa học MOOC được kỳ vọng quá mức, dẫn tới nguy cơ tỷ lệ lao động không có bằng đại học tăng cao và các công ty thuê lao động chấp nhận MOOC là một trong những tiêu chuẩn ngang với bằng cấp chính quy.

Anh nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Đúng là đã có những thảo luận sôi động về MOOCs, trong đó những quan ngại. Chẳng hạn, các giáo sư ở nhiều trường đại học truyền thống, coi MOOCs như một sự đe dọa đối với công việc và sự nghiệp của họ.

Nhưng vì sao họ lại coi MOOCs là một sự đe dọa? Chắc hẳn là vì họ thấy MOOCs mạnh hơn, có nhiều điểm xuất sắc hơn, có thể loại bỏ họ hoặc đe dọa đến vị trí hiện thời của họ. Như chị hay như tôi chẳng hạn, khi nào chị coi một người khác là đe dọa? Chắc chắn khi chị thấy người đó xuất sắc hơn chị, có thể giành mất vị trí hiện thời của chị.

Như vậy, theo cách nhìn này thì việc nhiều người, nhiều trường coi MOOCs là đối thủ đe dọa lại chính là lời tán dương gián tiếp dành cho MOOCs.

Một số trường có cách nhìn tỉnh táo và thực tế hơn nên đã không coi MOOCs như đối thủ, mà là đối tác, nên tận dụng MOOCs để nâng cao uy tín toàn cầu của mình. Và họ đã rất thành công.

Tất cả đều do việc nhìn nhận khác nhau về MOOCs mà ra.

TIN LIÊN QUAN

Còn việc lo ngại sự thành công của MOOCs sẽ dẫn đến tỷ lệ lao động không có bằng cấp tăng cao, và các công ty sẽ chấp nhận MOOCs ngang bằng với bằng cấp chính quy, là một lo ngại vô lý và buồn cười. Cái mà nhà tuyển dụng cần, là năng lực thực sự của người lao động, bao gồm kỹ năng, kiến thức, khả năng kết nối khi làm việc… chứ không phải là bằng cấp.

Chúng ta đã chứng kiến tệ nạn bằng giả tràn lan, hiện tượng mua bán bằng cấp công khai. Tất cả những điều này đều do tâm lý sính bằng cấp, và lợi dụng bằng cấp hoặc nấp sau mảnh bằng để che dấu yếu kém chuyên môn mà ra. Tất nhiên điều này lại xuất phát từ việc bổ nhiệm công chức dựa trên bằng cấp, thay vì dựa trên năng lực thực sự.

Vậy xin hỏi: Ai sẽ là người lo ngại việc các công ty sử dụng lao động học qua MOOCs? Chỉ có người kinh doanh mua bán bằng cấp, và người dùng bằng giả đến tiến thân, thì mới có lo ngại như vậy. Mà những người đó thì chúng ta đâu có ủng hộ.

Cho nên, việc doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng lao động không có bằng cấp, miễn sao có năng lực, là một điều tốt. Càng nhiều bằng cấp càng thêm rắc rối.

“Chỉ cần nối mạng internet, với một máy tính cá nhân hoặc điện thoại di động, bạn đã có thể tham gia các khóa học ở đẳng cấp quốc tế và hòan tòan miễn phí, bất cứ khi nào bạn muốn”. Tuy nhiên, đây là loại hình học tập không có cấp bằng, trong một xã hội khá chuộng bằng cấp như hiện nay, anh thấy đó có phải là rào cản cho sự phát triển của mô hình giáo dục này?

- Tâm lý sính bằng cấp chắc chắn là có ảnh hưởng đến mô hình giáo dục này. Tuy nhiên, mục đích của giáo dục là tri thức và kỹ năng, là con người tự do chứ không phải là bằng cấp. Nếu chỉ cần bằng cấp để lấy le, người ta có thể mua bất cứ khi nào họ muốn, với giá rất rẻ. Vậy tại sao người ta vẫn phải đi học? Vì đơn giản là họ cần tri thức, chứ không phải một mảnh giấy có ghi chữ chứng chỉ tốt nghiệp.

Vì vậy, những người cần tri thức sẽ vẫn tìm đến với mô hình giáo dục này. Họ cũng có thể dùng những kiến thức này để điền vào các chỗ khuyết trống mà hệ thống giáo dục chính quy để lại.

Các công ty cũng có thể dùng mô hình này để đào tạo chuyên môn cho nhân việc của mình. Hãy tưởng tượng bạn có 10000 nhân viên rải rác ở 63 tỉnh thành và bạn cần đào tạo hàng quý để cập nhật chuyên môn cho họ. Bạn phải làm sao? Tổ chức hàng trăm lớp học tốn kém ở khắp nơi, hay tổ chức một khóa học trực tuyến để 10000 người đó có thể học và thảo luận cùng một lúc? Tất nhiên bạn sẽ chọn cách thứ hai rồi.

Các chương trình đào tạo cấp tập cho số đông, với giảng viên ít hoặc nằm rải rác ở nhiều nước khác nhau, cũng có thể sử dụng mô hình này rất hiệu quả.

Anh đặt GiapSchool ở vị trí nào trong nền giáo dục Việt Nam? Anh dự báo như thế nào về sự phát triển của trường?

- GiapSchool là một nguồn tham khảo và bổ sung kiến thức cho bất cứ người yêu mến tri thức nào, dù đó là giảng viên, sinh viên, phụ huynh hay học sinh.

Khi xây dựng GiapSchool, tôi đã lựa chọn mô hình lai tạo giữa Khanacademy và MOOCs, như Coursera/edX… Khanacademy do một cá nhân thực hiện chính, và có tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm rất cao.

Tuy nhiên, các khóa học trên Khanacademy chỉ hướng đến mục tiêu tham khảo và bổ trợ kiến thức mà không tổ chức thành khóa học. Còn Coursera/edX thì tổ chức kiến thức thành các khóa học, có ngày khai giảng và kết thúc, có đánh giá kiểm tra, đặc biệt có tính liên kết với các cơ sở giáo dục rất cao.

Như vậy, sự hợp tác của GiapSchool với các trường sở là hoàn toàn có thể xảy ra, vì cả hai đều hướng đến mục tiêu truyền tải tri thức cho người học. Chẳng hạn, các cơ sở đào tạo hoàn toàn có thể sử dụng GiapSchool để tải các khóa học của mình, còn việc kiểm tra đánh giá thì tiến hành bởi cơ sở đào tạo.

Với thiết kế hiện thời, GiapSchool cho phép triển khai hàng trăm khóa học, hoặc hơn thế, mỗi khóa cho hàng chục nghìn người, một cách rất dễ dàng. Điều này rất hữu ích cho các đơn vị đào tạo muốn triển khai các khóa học trực tuyến đại trà cho hàng chục nghìn người theo học. Và tất nhiên, GiapSchool sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác để tổ chức các khóa học như vậy.

Thực tế hơn một năm qua cho thấy, các dự án MOOCs trên thế giới đã có sự hợp tác rất tốt với các trường đại học.

Còn Khanacademy đã làm một cuộc cách mạng trong giáo dục nước Mỹ, khi tạo ra một cách học hoàn toàn khác trước: Các em học sinh tự học ở nhà qua các bài giảng trực tuyến theo chỉ định của giáo viên, còn thời gian đến lớp chỉ làm bài tập và thảo luận, tức là học ở nhà, làm bài tập trên lớp. Quy trình hoàn toàn ngược với quy trình truyền thống: học trên lớp, làm bài tập ở nhà.

Ở cấp độ nhỏ hơn, các giáo viên và phụ huynh có thể tham khảo các bài giảng của GiapSchool để dạy học. Các em học sinh cũng có một kho các bài giảng ngay bên cạnh mình, có thể mở ra để học bất cứ khi nào mình muốn.

Như vậy, về sự phát triển của GiapSchool, tôi hoàn toàn bỏ ngỏ. Cơ hội rất rộng mở, nhưng phát triển được đến đâu thì thời gian sẽ trả lời.

Phần 3: "Con người tự do" là đích đến của giáo dục

  • Chi Mai (Thực hiện)

XEM THÊM, cùng tác giả