Dư luận chưa hết bức xúc vì biến tướng đồng phục năm học mới của các em học sinh phổ thông như: bắt mua đồng phục với giá tiền triệu; bắt đồng phục cả vở, giày và cặp sách; cắt dép của học sinh vì không đi giày bata; đuổi hàng chục học sinh về nhà thay quần vì mặc quần ống hẹp... thì nay lại thêm ngán ngẩm vì một số trường cao đẳng, đại học cũng bắt sinh viên mặc đồng phục.
Ảnh có tính chất minh họa |
Một số trường như CĐ Viễn Đông, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Phú Yên, ĐH Đồng Tháp, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Bạc Liêu… quy định sinh viên phải mặc đồng phục cả tuần hoặc một số ngày trong tuần. Có trường còn chi li trong quy định bắt sinh viên ngày nào phải mặc loại quần áo gì, màu sắc ra sao, giày dép thế nào. Thậm chí Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM còn cực đoan hơn khi cấm sinh viên mặc đồng phục thể dục vào giảng đường, tức là sau giờ thể dục sinh viên phải nháo nhào đi thay trang phục rồi mới được vào lớp (!)
Việc mặc đồng phục trong các trường CĐ, ĐH nói trên được coi là một tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện cuối năm của sinh viên.
Đành rằng hiện nay có một số sinh viên “ăn mặc quá phóng khoáng” khi đến giảng đường, nhưng thay vì ra quy định nhắc nhở các em ăn mặc nghiêm túc, phù hợp thuần phong mỹ tục, thì một số trường ĐH, CĐ lại “đóng khung” các em vào các bộ đồng phục gò bó, phản cảm…, cho thấy não trạng của lãnh đạo các trường này vẫn chưa thoát khỏi lối tư duy hành chính quan liêu bao cấp đã làm điêu đứng đất nước một thời.
Sinh viên là lứa tuổi trẻ trung năng động, thoải mái, không còn quá nhỏ như học sinh phổ thông để bắt các em phải mặc đồng phục. Sao không để sinh viên phát huy cá tính và sáng tạo thông qua trang phục của mình mà lại buộc các em vào những quy định “hổng giống ai” được sản sinh bởi những cái đầu thiếu tính sư phạm và xa rời thực tiễn?
Sự “hổng giống ai” đã nói ở trên “chướng” đến mức Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng phải thốt lên: “Tôi thấy rằng trên thế giới dường như không có trường ĐH, CĐ nào quy định đồng phục cho sinh viên. Tôi cũng đi nhiều nước, đến nhiều trường đại học và thấy rằng sinh viên của họ ăn mặc rất thoải mái”.
Miễn đừng ăn mặc phản cảm khi đến trường, còn sinh viên có quyền ăn mặc theo phong cách riêng của họ, bởi trang phục cũng là một cách định hình cá tính. Hà cớ gì nhà trường không để sinh viên lung linh sắc màu trong thế giới trang phục sáng tạo của mình mà bắt họ phải đồng phục, gò bó và gây tâm lý ức chế trong giao tiếp, học hành? Hà cớ gì nhà trường phải dùng quyền lực hành chính để điều chỉnh một hành vi dân sự là quyền tự do ăn mặc của sinh viên?
Thiết nghĩ, quy định sinh viên mặc đồng phục và những điều kiện vô lý kèm theo là một động thái thiếu tính sư phạm, không khả thi và trong một chừng mực nào đó nó còn hạn chế khả năng tự do sáng tạo của những chủ nhân nước nhà tương lai.
(Theo Kiến thức)