Mấy hôm nay lại dấy lên tranh cãi ồn ào xung quanh sách của Huyền Chip, xuất phát từ một vài nghi vấn về logic, về tính xác thực của một số sự kiện trong sách.

Chuyện ấy vốn chẳng có gì lạ, đó là một biểu hiện hết sức lành mạnh của độc giả. Nhưng khi có một số bạn kết luận là sách của Huyền Chip và ảnh hưởng của cô lên giới trẻ “rất nguy hiểm cho xã hội”, thì lại là một chuyện khác hẳn. Và những điều tôi sắp viết ra đây, chiếu theo tiêu chuẩn của các bạn kể trên, sẽ là vô cùng nguy hiểm.

{keywords}

“Hãy tin tôi: bí quyết để sống một cuộc đời tràn ngập hương vị và niềm vui là sống một cách nguy hiểm.” – Friedrich Nietzche

Mới đây thôi, Cục Xuất bản vừa ra lệnh đình chỉ phát hành một bộ tiểu thuyết vì cho rằng bộ sách này “đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”.

Trước đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn ra công văn cấm “Bà Tưng” biểu diễn trên toàn quốc vì cho rằng cô “tác động xấu đến nhận thức, tâm lý, tình cảm của giới trẻ”.

Trước đó nữa, là vụ ầm ĩ xung quanh lệnh cấm chiếu một bộ phim do phim này “phản ánh sai lệch hiện thực TP.HCM, “thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm, một số lời thoại thô tục hoặc có tính chất kích động bạo lực”.

Tất cả những lệnh cấm trên có một điểm chung, đó là việc một nhóm người tự cho mình quyền thẩm định giá trị của một sản phẩm văn hóa (đồng thời tước đi quyền tự thẩm định của hàng triệu người khác), cho rằng họ biết sản phẩm nào là nguy hiểm cho xã hội, rằng họ có trách nhiệm và có quyền ngăn chặn những sản phẩm này phát tán.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về điều ẩn sau đằng sau những lệnh cấm kể trên và cả lời cáo buộc “nguy hiểm” về sách của Huyền Chip.Bởi tất cả mọi cộng đồng, mọi xã hội trên trái đất đều được xây dựng bên trong những hàng rào. Thời thượng cổ, nơi núi rừng, con người phải rào chỗ ở của mình lại để tránh thú dữ. Còn giữa thành phố hiện đại, con người rào mình lại bằng văn hóa, đạo đức, tôn giáo, chính trị và toàn bộ phần nhận thức ít ỏi do các định chế xã hội đó mang lại. Xã hội càng phát triển thì hàng rào càng nới rộng ra. Xã hội càng lạc hậu, càng non nớt, thì hàng rào càng hẹp và biển báo nguy hiểm cùng lệnh cấm càng vung vãi khắp nơi.  

Khi thấy một đứa trẻ chơi một trò nguy hiểm, chúng ta vội vã cảnh báo, thậm chí ngăn cấm chúng. Nhưng khi thấy một người lớn làm một điều (ta cho là) nguy hiểm, hành động cảnh báo thường khẳng định một điều: ta đang coi họ là trẻ con. Chúng ta cho rằng họ không đủ nhận thức về điều họ đang làm, rằng họ không đủ trình độ để phân biệt đúng-sai, rằng họ đang đi thẳng vào nguy hiểm. Có thật thế không? Và quan trọng hơn, nếu thật thế thì có làm sao không?

Một trong những trường hợp“vượt rào” gây tranh cãi ồn ào và dai dẳng nhất là câu chuyện của Chris McCandless, hay là Alexander Supertramp (Alexander Siêu Lang Thang) như anh tự gọi mình.

Tốt nghiệp đại học xong, anh quyên góp hết toàn bộ tiền để dành, vứt bỏ toàn bộ giấy tờ tùy thân, tiền bạc, xe hơi, và bắt đầu một cuộc hành trình xuyên nước Mỹ, để rồi cuối cùng bỏ mạng ở Alaska.

Câu chuyện của anh, sau đó được chuyển thể thành sách rồi thành phim với tựa đề "Into the wild", đối với những kẻ vốn suy nghĩ thực tế và logic, những con cừu ngoan trong hàng rào, thì rõ ràng là lãng xẹt và ngu xuẩn.Nhưng cùng lúc ấy nó lại đánh thức khao khát tự do trong hàng triệu người, gieo vào lòng họ những câu hỏi ám ảnh về ý nghĩa của đời sống, và thôi thúc họ lên đường.

Trước Supertramp và sau Supertramp, vô số linh hồn trên trái đất này đã vượt rào để sống. Chắc chắn cuộc vượt rào là nguy hiểm, hàng triệu người đã bỏ mạng. Nhưng tất cả chúng ta vẫn đang tiếp tục. Bởi cuộc đời bên trong hàng rào này chính xác được dành cho trại súc vật: lũ lợn nham hiểm, đàn chó ác ôn, đám ngựa già khỏe mạnh và ngu xuẩn, con lừa cam chịu, đám gà vịt ngan ngỗng loay hoay yếu ớt.

Bởi, nói như Bo Parfet, người đã chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất trên tất cả các lục địa của trái đất:

“Yêu, là chấp nhận có thể không được yêu. Sống, là gánh lấy sức nặng cái chết. Hy vọng, là nhận rủi ro tuyệt vọng. Dấn thân vào bất kỳ điều gì,là chấp nhận khả năng thất bại. Nhưng mạo hiểm là cần thiết. Bởi mối nguy lớn nhất trên đời là không bao giờ mạo hiểm điều gì. Người không mạo hiểm là người không làm gì, không có gì, không là gì. Họ có thể tránh bớt chịu đựng và buồn đau, nhưng họ đơn giản không thể học, không thể thay đổi, không thể cảm, không thể trưởng thành, không thể yêu, không thể sống… Bị xích chặt vào tâm thế củamình, họ chỉ là bầy nô lệ chối bỏ tự do. Chỉ những ai mạo hiểm mới là người tự do.”

{keywords}

Quay lại chuyện Huyền Chip, nhiều người cho rằng đã có chứng cớ xác đáng để chứng minh nhiều chi tiết trong sách của cô không đúng sự thật. Và họ cho rằng sự giả dối này nguy hiểm. Bởi rất có thể một bạn trẻ người non dạ nào đó, đọc sách Huyền Chip, cảm hứng bừng bừng, bắt chước y chang cầm 700$ quyết tâm đi quanh trái đất và sẽ gặp nguy hiểm. Buồn cười thật. Bởi chính những bạn này cũng đã chứng minh là 700$ không xin được visa, không đi được đâu hết. Thế sao phải lo cho người ta? Lại còn có người lo là giới trẻ sẽ dấy lên phong trào bỏ nhà đi bụi suốt lượt. Dễ thế sao? Cứ để họ đi xem nào!

Tôi tin vào các bạn trẻ. Tôi tin vào khả năng nhận thức, thẩm định, đánh giá tình huống, học hỏi và áp dụng vào thực tế của các bạn. Tôi tin rằng các bạn nên tin vào nguồn cảm hứng mà một cuốn sách mang lại, chính ngọn lửa ấy sẽ giúp các bạn sống tới, chứ không phải những thị phi vụn vặt kia.

(Facebook Bút Chì)