Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp làm việc với nhau chặt chẽ chứ không phải có công văn của Bộ Y tế thì Bộ GD-ĐT mới làm.

Như VietNamNet đã đưa tin, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, cũng như một loạt vấn đề tồn tại của đào tạo ngành y dược.

Về vấn đề này, trả lời báo Tuổi trẻ, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng “Không thể nói Bộ GD-ĐT chậm trễ trong việc tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành y tế. Hai bộ đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này. Gần đây nhất, tháng 6/2013, Bộ GD-ĐT đã chủ động mời Bộ Y tế sang làm việc, bàn về đào tạo nhân lực y tế.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể về chính những vấn đề mà công văn Bộ Y tế nêu.

{keywords}

Trong thông báo ngày 26/7 về kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại cuộc họp không chỉ đề cập đến việc mở ngành, xác định chỉ tiêu mà còn bàn sâu các vấn đề đào tạo sau ĐH, việc cấp văn bằng…”.

Về thẩm định mở ngành, theo ông Bùi Anh Tuấn, do đặc thù của ngành y tế, Bộ GD-ĐT đã đồng ý mời đại diện sở y tế các tỉnh thành tham gia đoàn kiểm tra và xác nhận các điều kiện thực tế . Đối với các ngành mới chưa có tên trong danh mục đào tạo nhưng thấy cần thiết phát triển ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất đào tạo thí điểm trên cơ sở kinh nghiệm đào tạo các trường ĐH trên thế giới.

Về tình trạng dư thừa nhân lực trung cấp dược, trung cấp điều dưỡng, y sĩ và biện pháp hạn chế tuyển sinh… thì dựa trên quy hoạch phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra khuyến cáo một cách tổng thể như đã làm đối với các ngành kinh tế, quản lý, luật trong thời gian qua. Nhưng theo ông Tuấn, ngành y tế là nơi sử dụng nhân lực chuyên ngành nên sẽ hiểu rất rõ về tình trạng thừa, thiếu nhân lực của ngành mình, từ đó có thể đưa ra các khuyến cáo cụ thể hơn.

Văn bản Bộ GD-ĐT thông báo kết luận của Thứ trưởng Bùi Văn Ga gửi Bộ Y tế hơn một tháng trước đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành y tế và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để giúp người học tự chọn ngành nghề đào tạo.

Bộ GD-ĐT cũng tăng vai trò giám sát của Bộ Y tế khi quyết định yêu cầu các trường CĐ, ĐH trực thuộc Bộ Y tế phải có ý kiến về chỉ tiêu đăng ký tuyển sinh của trường mình trước khi gửi về Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, trước phản ánh của Bộ Y tế việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế, điều này không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo Dân Trí cho biết: Khi được mở ngành, các trường đều đạt tiêu chí cần thiết về đội ngũ, cơ sở vật chất theo đúng quy định.

Hiện nay, có rất ít trường ngoài công lập được mở ngành y, chỉ có những trường đã thực hiện tự chủ như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và đại học vùng mới mở. Còn những trường Bộ GDĐT đang quản lý xin mở ngành Y, Bộ hết sức cân nhắctrước khi cho mở ngành, những trường nào đảm bảo đủ điều kiện Bộ mới cho mở.

Vềviệc đảm bảo chất lượng đào tạo đã có khâu hậu kiểm. Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp đi thanh tra, kiểm tra trong từng giai đoạn để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ngoài ra, trong đợt làm việc vừa qua giữa 2 bộ, ngoài việc mở ngành đào tạo, 2 bộ đã trao đổi nhiều vấn đề khác như về bằng cấp bác sĩ chuyên khoa cấp I,II, bác sĩ nội trú…. Có thể nói, giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp làm việc với nhau rất chặt chẽ, trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế chứ không phải có công văn của Bộ Y tế thì Bộ GD-ĐT mới làm.

  • Chi Mai (tổng hợp)