- “Bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đã được nhiều địa phương trong cả nước đón nhận. Bộ thấy nếu không sử dụng thì lãng phí nên tìm cách hỗ trợ để sách quay trở lại trường học” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay.

{keywords} 
GS Hồ Ngọc Đại trao đổi với các giáo viên Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định). Ảnh Kiều Oanh

Từ năm học 2013 - 2014, bộ sách Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại được đưa vào chính thức trong các trường tiểu học với vai trò là một phương án dạy học thay vì chỉ thí điểm như trước. Hiện đã có 37 địa phương sử dụng bộ sách này.

Với 35 năm tuổi đời, bộ sách đã trải qua quãng thời gian thăng trầm khi từng có 43 tỉnh thành tham gia rồi dừng lại (năm 2000) và cuối cùng nhận được sự chấp thuận cho vào trường học của Bộ GD-ĐT.

Lựa chọn không vụ lợi

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Nên xem bộ sách như một phương pháp dạy học tiếng Việt cho lớp 1.

Nhiều địa phương đã làm tốt, đặc biệt như Lào Cai. Bộ thấy nếu sách không được sử dụng là sự lãng phí nên tìm cách hỗ trợ để sách của GS Hồ Ngọc Đại quay lại trường học.Về hiệu quả nhiều địa phương và giáo viên cũng đã nói, sách giúp học sinh học tiếng Việt nhanh, nhớ lâu và nắm chắc ngữ pháp.

Bộ có phải xem xét, cân nhắc nhiều khi đồng ý cho bộ sách từ thí điểm trở thành phương án lựa chọn để dạy trong trường học không, thưa Thứ trưởng?

- Như đã nói, bộ sách đã được sử dụng, được sự nghiệm thu của Bộ GD-ĐT rồi nên hoàn toàn có thể sử dụng được. Bộ nói chung và địa phương nói riêng đều thống nhất chỉ đạo không áp đặt nơi nào cả. Các địa phương qua kinh nghiệm sử dụng trước đây thấy tốt thì tự nguyện làm.

Với sự chấp nhận của nhiều địa phương, bộ không mất quá nhiều thời gian để cân nhắc, xem xét bộ sách thành phương án dạy trong trường tiểu học.

Quá trình xem xét, đồng ý này có hay không những “toan thánh, vụ lợi”, thưa Thứ trưởng?

- Cá nhân tôi không cho rằng ở đây có sự toan tính, vụ lợi nào. Trong Luật Giáo dục có ghi chương trình và sách giáo khoa sử dụng thống nhất trên cả nước. Ngày trước quan niệm về chương trình giáo dục không như hiện nay. Chương trình quy định nhiều thứ chi tiết từ phương pháp đến nội dung, kế hoạch dạy học,…

Quan niệm bây giờ trên thế giới rộng lớn hơn. Ở những nước phát triển nhất họ chỉ quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học. Nội dung và kế hoạch dạy học, phương pháp ra sao do trường, các sở tự làm.

Bộ có ý kiến hay góp ý gì cho bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại?

- Gần như bộ không có. Các địa phương, giáo viên góp ý. GS Đại có tiếp thu và đã sửa chữa.

Xu hướng tích cực

Việc chấp nhận bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại như một phương án dạy song song trong nhà trường có gây khó khăn gì cho các trường, giáo viên không, thưa Thứ trưởng?

Không có khó khăn gì. Bậc tiểu học mỗi giáo viên phụ trách một lớp nên cô có điều kiện kèm cặp, hướng dẫn học sinh. Lớp này học công nghệ giáo dục của GS Đại. Lớp bên học chương trình của Bộ GD-ĐT cũng không sao cả. Cuối cùng chỉ cần học sinh ra kết quả biết đọc biết viết. Phía bộ cũng giúp đỡ các trường tập huấn, đào tạo giáo viên dạy theo phương án của GS.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (Ảnh: Văn Chung)

Bộ có tin tưởng công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có thể tránh, giảm tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp như vẫn xảy ra ở một số địa phương hiện nay?

- Có nhiều cách để tránh, giảm tình trạng này. Bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cũng là một phương án.

Trước giờ phần nhiều địa phương vùng có con em dân tộc miền núi hào hứng với công nghệ giáo dục. Nhưng nay những địa phương có truyền thống, thường dẫn đầu cả nước về học tập như Hải Dương, Nam Định đã lựa chọn phương án của GS Đại. Thứ trưởng có cho rằng đây là một xu hướng tốt?

Trước hết, ở miền núi việc dạy tiếng Việt khó khăn hơn. Khi GS Đại đưa phương pháp này vào, nhiều địa phương miền núi thấy hiệu quả hơn nên số áp dụng trước nhiều hơn. Ở đồng bằng, nhiều địa phương thấy không hiệu quả bằng nên số trường áp dụng ít hơn. Nam Định, Hải Dương trước đã có một số đơn vị triển khai theo phương án này. Giờ họ thấy hiệu quả tốt nên quay lại dùng thôi.

Có thể xem đây là một xu hướng tích cực. Hiện nay ngày càng có nhiều phương pháp để giáo viên, nhà trường lựa chọn nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của mình.

Nếu tất cả các trường, địa phương đều muốn tham gia dạy và học theo sách của GS Hồ Ngọc Đại, không sử dụng sách giáo khoa của Bộ thì có được chấp nhận không, thưa Thứ trưởng?

- Chúng ta không cản nhưng không tìm mọi cách để đưa bộ sách này vào nhà trường. Tất cả dựa trên tinh thần tự nguyện của nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Cân nhắc đưa sách của GS Đại vào SGK của Bộ

Cùng với việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại có phải là một phần trong chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK như Thứ trưởng từng phát biểu không?

- Hiện tại chúng ta có một chương trình, sách giáo khoa riêng của Bộ. Sau này các đơn vị khác có thể làm sách giáo khoa cũng có thể được, không riêng gì GS Hồ Ngọc Đại. Phương pháp của GS cũng là một lựa chọn, cân nhắc khi đổi mới chương trình, SGK. GS cũng đã giao bản quyền bộ sách cho Bộ. Sau này có thể Bộ sẽ dùng thẳng bộ sách vào phương án, chương trình đổi mới của mình.

Được biết Hải Dương, Nam định đã tiến hành dạy thí điểm với sách Tiếng Việt lớp 2. Sách công nghệ giáo dục môn Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại đã có ở 2, 3, 4, 5 đã có rồi, nhưng chưa được đưa vào nhà trường. Sắp tới, bộ có xem xét phương án cho các bộ sách này vào trường học không, thưa Thứ trưởng?

Vừa rồi NXB có đề nghị cho thí điểm sách lớp 2 đối với môn Văn và Tiếng Việt, Lối sống, Toán với lớp 1. Bộ cũng đồng ý cho triển khai với điều kiện các địa phương tự nguyện làm.

Tôi được biết sau tập huấn có một số địa phương xin thôi không làm nữa vì thấy điều kiện triển khai chưa phù hợp với địa phương. Còn các lớp sau muốn đưa vào trường lớp cần đánh giá thêm. Nếu các địa phương nói tốt, có nhu cầu thì có thể xem xét cho làm thí điểm.

  • Văn Chung

Bài cuối: GS Hồ Ngọc Đại: 'Tôi không kiêu ngạo'

"Cha đẻ" của chương trình giáo dục công nghệ (CGD) đã chia sẻ khi CGD hồi sinh và được các địa phương đón nhận. GS Hồ Ngọc Đại cho biết, dù đã tồn tại hơn 30 năm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn rất cẩn trọng khi cho công nghệ giáo dục quay trở lại, nên 3 năm học đầu tiên vẫn áp dụng dưới hình thức thí điểm, nhưng năm nay thì bỏ chữ thí điểm.