Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết của TƯ đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là các trường đại học lớn phải là các trung tâm NCKH mạnh của cả nước, đủ năng lực hợp tác và cạnh tranh với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Theo các chuyên gia giáo dục, mục tiêu này có đến đích được hay không phụ thuộc vào một yếu tố mang tính quyết định, đó là cơ chế tự chủ.
|
Không quyết tâm không “cai” được “sữa”
Nghị định 115 của Chính phủ về “Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập” đã ra đời cách đây 10 năm. Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học chuyển mình khá chậm chạp. Nhưng cũng có những cơ sở đã sớm mạnh dạn thử nghiệm mô hình tự chủ.
Đứng đầu một cơ sở công lập, TS Trần Đức Viên, giám đốc HV Nông nghiệp VN nhớ lại quá trình từ năm 2000 khi nhà trường chủ động thử nghiệm tiến trình tự chủ, từ một số đơn vị đầu tiên rồi lan tỏa dần sang các đơn vị khác. Ông Viên cho biết mỗi viện, trung tâm nghiên cứu đều phải xác định một lộ trình tiến tới tự chủ. Họ phải phải đệ trình và bảo vệ thành công đề án tự chủ trước một hội đồng của học viện, sau đó được “nuôi” 3 năm, rồi từ từ “cai sữa” trong 2 năm tiếp theo.
Đáp ứng mục tiêu “cai sữa” sau 5 năm là nhiệm vụ không dễ dàng. Trong thực tế ở Học viện, ngoài 17 trung tâm tự chủ thành công, đã có 3 trung tâm thất bại phải giải thể, lãnh đạo và bộ máy nhân sự phải điều chuyển sang những công việc khác. “Học viện không có lựa chọn nào khác, bởi nếu tiếp tục bao cấp cho những đơn vị kém hiệu quả thì sẽ không đảm bảo sự chuyên nghiệp và tính công bằng, khiến những đơn vị khác mất đi động lực phấn đấu để tự chủ”.
Ông TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc Trung tâm NAVIS, Trường ĐH Bách khoa HN cũng nhận xét, sau 10 năm kể từ khi Nghị định 115 được ban hành, vẫn còn không ít các tổ chức nghiên cứu công lập thiếu quyết tâm thực hiện tự chủ và còn tâm lý ỷ lại vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước, tiếp tục kéo dài tình trạng hoạt động không hiệu quả, với một bộ máy nhân sự cồng kềnh. “Ở một khía cạnh nào đó, các đơn vị này sống “rất khỏe” từ ngân sách nhà nước nhưng số tiền đó không được phân bổ một cách sòng phẳng. Những nhà nghiên cứu trẻ thiệt thòi hơn nhiều so với các nhà quản lý và những người nghiên cứu lâu năm”.
Theo ông Tùng, “thực tế này dẫn đến việc rất khó thu hút được những người giỏi có đam mê, với tư duy sáng tạo đột phá trong NCKH và chuyển giao công nghệ. Mặt khác, do những quy định về biên chế của các tổ chức khoa học mang tính hành chính nên người lãnh đạo cũng không thể sàng lọc bớt những cán bộ khoa học thiếu năng lực".
“Tình cảm trong sáng, kinh tế sòng phẳng”
Đây là cách nói ví von của ông Trần Đức Viên về một trong những yếu tố cơ bản giúp các đơn vị trong trường vừa tự chủ thành công, vừa làm tốt nhiệm vụ khoa học. Đó là môi trường làm việc chuyên nghiệp trên tinh thần “tình cảm trong sáng, kinh tế sòng phẳng” với tất cả mọi người. Ngoài ra, một yêu tố quan trọng khác là người đứng đầu của tổ chức nghiên cứu phải là một nhà khoa học có uy tín, có sức cảm hóa và tập hợp các nhà khoa học khác, dám dấn thân chỉ để khẳng định các nhà khoa học Việt Nam có thể sống đàng hoàng, tử tế bằng khoa học…
Đồng quan điểm, ông Tạ Hải Tùng cho rằng tự chủ là khái niệm bao gồm hai mặt quyền lợi và nghĩa vụ, trong đó, đặt nặng vai trò của người lãnh đạo. Với tự chủ, người lãnh đạo các tổ chức nghiên cứu vừa được tự do (trong tài chính, tuyển dụng, định hướng nghiên cứu) nhưng đồng thời anh ta cũng phải có trách nhiệm duy trì, phát triển đơn vị của mình.
Và để thúc đẩy quá trình tự chủ của các đơn vị, cách đơn giản nhất có thể thực hiện được là công khai và minh bạch hóa quy trình đấu thầu từ đánh giá, xét duyệt đến nghiệm thu các đề tài và dự án cấp nhà nước.
Một ví dụ khác về việc thúc đẩy quá trình tự chủ thông qua có chế minh bạch là trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Sau một thời gian triển khai thí điểm việc phân cấp tự chủ cho các đơn vị thành viên (các học viện, viện nghiên cứu, trung tâm) đã tập trung cho việc đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, đặc biệt là tổ chức đăng ký, xét duyệt và thực hiện các đề tài thông qua các hội đồng khoa học liên ngành.
Trường đã xây dựng 3 hội đồng khoa học liên ngành để chỉ đạo, hướng dẫn và thẩm định nội dung đề xuất, xây dựng và cùng với phòng KH&CN giám sát việc thực hiện các chương trình nghiên cứu của trường; danh mục các đề tài nằm trong các chương trình nghiên cứu, hướng tới mục tiêu sản phẩm cụ thể sẽ giúp tránh được tình trạng tản mát, không tập trung...
Ngân Anh
Bài 2: Những đề xuất tránh biến dạng tự chủ