Đà Nẵng không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan đơn vị thuộc bộ máy nhà nước có đúng luật không? Trái ngược với ý kiến cho rằng văn bản của Đà Nẵng đang vi phạm luật hoặc được ban hành trong một phút lơ đễnh không đối chiếu với luật liên quan, ý kiến dưới đây khẳng định Đà Nẵng không làm sai.

 

Đà Nẵng có vi phạm Luật Giáo dục không?

Xin trả lời là không.

Đà Nẵng không phải không thừa nhận kết quả đào tạo đại học tại chức, không xem loại hình đào tạo này là vi phạm pháp luật.
Điều này thể hiện ở chỗ, những công chức hiện thời của Đà Nẵng đã tốt nghiệp tại chức vẫn làm việc bình thường, vẫn hưởng lương và các chế độ chính sách dành cho người có trình độ đại học.

Tuy nhiên, hiện thời, Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, chỉ cần những cán bộ, công chức có chất lượng, được đào tạo chính quy bài bản thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Do đó, chỉ tuyển dụng những người được đào tạo chính quy vào làm việc là phù hợp, không có gì là sai luật.

Xin lấy ví dụ đơn giản: cùng một mẫu xe máy, nhưng tôi chỉ sử dụng xe của Nhật sản xuất chứ không sử dụng xe của Trung Quốc, tôi không coi việc sản xuất xe của Trung Quốc là vi phạm pháp luật, nhưng với khả năng, nhu cầu của tôi, chỉ sử dụng xe của Nhật sản xuất, tôi không muốn dùng xe của Trung Quốc sản xuất.

Vậy Đà Nẵng có vi phạm Luật Cán bộ, công chức không? Tôi cũng xin trả lời là không.

Theo Luật Cán bộ, Công chức hiện hành, chỉ có ba đối tượng “không được đăng ký dự tuyển công chức”. Đó là những người:
- Không cư trú tại Việt Nam;

- Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, đây chỉ là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 36, Luật Cán bộ, Công chức quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức như sau:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

- Đủ 18 tuổi trở lên;

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

- Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

- Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

 Theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 36 nêu trên và Điều 4, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 16/3/2010 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, cơ quan sử dụng công chức có quyền xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.

Điều kiện khác của Thành phố Đà Nẵng ở đây là phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Vị trí việc làm của Thành phố Đà Nẵng yêu cầu phải là tốt nghiệp đại học hệ chính quy, nếu anh tốt nghiệp ở hệ khác thì anh nộp đơn xin việc ở các tỉnh thành khác. Tại sao ở nhiều vị trí việc làm, nhiều ngành khác người ta có quyền đòi hỏi chẳng những phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy mà còn phải đạt loại khá, giỏi trở lên, còn trong cơ quan nhà nước chúng ta thì lại không được?

Từ những lý do như trên, việc Đà Nẵng không tiếp nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước là không có gì sai luật.

Đỗ Hương 

(Cà Mau)