- Bài toán "cấm tuyển sinh lớp 6" tưởng chừng đã có hồi kết. Thế nhưng chủ đề này càng nóng hơn khi hệ thống các trường tư có ý kiến ngược. Dưới đây là ý kiến của PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS Lương Thế Vinh.

  {keywords}
PGS Văn Như Cương

1. Chúng ta đang phổ cập giáo dục bậc THCS. Điều đó có nghĩa là : Mọi học sinh sau khi học xong bậc Tiểu học đều có quyền và có nghĩa vụ học tiếp cho hết bậc THCS. Nhà nước bảo đảm để mọi trẻ em đều được học ở trường công lập nếu họ muốn. Học sinh nào trong độ tuổi đi học mà không đăng kí học thì bị phạt hành chính.

2. Nhà nước khuyến khích các tư nhân và các tổ chức mở các trường Tư thục, nhiệm vụ của các trường này không phải là để góp phần vào việc “phổ cập giáo dục” mà là để xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình đào tạo trong giáo dục. Nhà nước không ép buộc bất kì ai phải học trường Tư thục. Nếu họ không muốn học ở các trường Tư thục thì nhà nước phải có chỗ cho họ học ở trường công lập.

3. Các trường Tư thục được phép tuyển sinh trên địa bàn rộng rãi không hạn chế, trong lúc các trường công lập tuyển sinh theo tuyến (phường, quận, huyện…) Điều đó là đúng đắn, vì nếu bắt các trường Tư thục tuyển sinh theo tuyến thì chắc chắn là không ai dám mở trường Tư thục (do không có học sinh, vì rất ít h/s muốn học trường tư thục.)

4. Thực tế cho thấy hầu như các trường tư thục đều không tuyển đủ học sinh, chỉ có một số ít trường, do nhiều nguyên nhân, có số đăng kí vào học lớn hơn số được tuyển rất nhiều lần.

5. Theo phàm lệ, đối với bài toán “muốn chọn ra một số người có đủ tiêu chí nào đó trong một số đông người hơn” thì người ta giải như thế nào? Rất đơn giản nếu anh là người có lương tri bình thường thì anh phải tạo ra một cái “sàng” để sàng lọc…Tùy trường hợp cụ thể cái sàng đó có thể là: Thi tuyển, khảo sát, kiểm tra, phỏng vấn, bốc thăm, xếp hàng, số đo các vòng, chiều cao ….

6. Trong bài toán “tuyển vào lớp 6”, các chỉ thị của Bộ GD-ĐT, của UBND thành phố Hà Nội đã bắt các trường sử dụng chỉ một cái “sàng” duy nhất là “xét tuyển”. Cái “sàng” đó quả thật không thể gọi là một “sàng khôn” được, nó là một cái “sàng” rất dở và rất vô dụng….

Không có thi tuyển, lo ngại nhiều tiêu cực

Trường PTTH Marie Cuire từng dùng giải pháp game show để tuyển sinh khi mới thành lập từ năm 1992. Đến năm 1993, tình hình ổn định, trường quay về kiểm tra đầu vào học sinh lớp 6 kiến thức văn, toán. So với game show, theo ông Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng nhà trường -  mức độ phân biệt bằng kiểm tra kiến thức văn hóa rõ nét hơn. Em đỗ đạt 14 điểm khác với em không đỗ chỉ đạt 13,5 điểm.

Trước các chỉ đạo của UBND thành phố, trường dự kiến xét tuyển theo cách: Phụ huynh sẽ tập hợp dữ liệu hồ sơ của con ở 4 mặt: đức, trí, thể, mỹ, càng phong phú càng tốt. Trường chấp nhận trò đạt giải ở các cuộc thi không chỉ do ngành GD-ĐT mà các cuộc thi, sân chơi do các đơn vị bên ngoài tổ chức cũng được xem xét như bơi lội, giọng hát hay, bóng bàn, cầu long. Các chứng chỉ do hội đồng Anh, Language Link, Apollo cấp đều có giá trị xét tuyển.

Nếu các tiêu chí của trò đạt được ngang bằng nhau, trường sẽ có ưu tiên: học sinh có nhà gần trường hơn, trò có anh chị em đang học tại Trường Marie Curie; thậm chí chọn ngẫu nhiên tên trò theo thứ tự A, B, C.

Dù vậy, ông Khang không khỏi lo lắng khi các tiêu chí sẽ tạo ra cuộc đua làm đẹp hồ sơ của phụ huynh. Rất có thể xảy ra chuyện “chạy” giải hay giấy khen, nhà trường khó thể thẩm định hết tính xác thực trong hồ sơ phụ huynh gửi về. Dẫu thế nhìn ở góc độ mong muốn cho con học ở trường mình, ông Khang chia sẻ: “Ở khía cạnh nào đó, sự chạy đua ấy cũng có thể chấp nhận vì phụ huynh tin tưởng chất lượng giáo dục của trường”. Nhưng đó là ở trường tư, phụ huynh sẵn sàng trả mức học phí cao hơn để nhận về chất lượng chăm sóc và dạy dỗ con cái theo nhu cầu. Còn ở các trường công lập, chuyện "chạy" xét tuyển là điều không chỉ  mà nhiều người lo lắng.

Văn Chung (ghi)

  • PGS Văn Như Cương