- Chuyện ban hành quyết định không tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan Nhà nước ở Đà Nẵng đã “dội bom” tàn phá động cơ học tập suốt đời của nhiều người trong xã hội. Thử vượt qua những sai lầm rõ ràng về phương diện pháp lý của quyết định này, có thể sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề hơn về niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục hệ tại chức và hiệu lực thực tế của hệ thống tuyển dụng ở các cơ quan nhà nước.
Oan uổng cho nhiều những người học thật
Nếu xét trên chuẩn mực chung của cộng đồng học tập quốc tế, một hệ thống giáo dục giàu tính nhân văn phải là một hệ thống có nhiều lối vào và nhiều lối ra để người học có nhiều cơ hội lựa chọn con đường tiếp cận giáo dục.
Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực trong nhiều năm tháng để có được những thay đổi đáng kể trên phương diện này.
Việc triển khai đa dạng hoá các loại hình đào tạo ở bậc đại học (chính quy, tại chức, từ xa, …) trên thực tế phải được hiểu là một kịch bản phát triển tất yếu để hiện đại hoá nền giáo dục đại học Việt Nam, tuy có thể để thực hiện kịch bản ấy, có không ít những lạm dụng đáng phê phán. Nhưng đó sẽ là một chuyện khác.
Là một giảng viên đã nhiều năm giảng dạy bậc đại học, tôi không ít lần xúc động và khâm phục trước những động cơ học tập nghiêm túc và động lực vượt khó của nhiều sinh viên tại chức.
Họ không phải là những người sẵn sàng tham gia vào trò chơi ngoại giao với thầy cô bằng quà cáp để mua điểm mua bằng. Họ vẫn có thể đến bên các thầy cô giáo với món quà trên tay, nhưng không phải để ngoại giao hay mua chuộc, mà là để bày tỏ lòng biết ơn chân thành hay chỉ đơn giản là để có cơ hội kết nối liên lạc với thầy cô với hy vọng được tiếp tục học từ thầy cô suốt đời.
Và cũng không ít người trong số đó là những người giỏi. Họ không chỉ học thật, không chỉ có tấm lòng trọng thầy trọng chữ, mà còn thật sự giỏi nữa. Có thể họ không còn có cái giỏi kiểu nhạy bén và năng nổ của học trò trẻ nữa, nhưng họ lại có cái sắc bén của kinh nghiệm công việc chuyên môn và trải nghiệm sống – những điều mà đôi khi thầy cô giáo phải học ngược lại từ chính họ.
Khi xã hội không tin chuyện học suốt đời
Học tại chức chỉ là một phần của nỗ lực xây dựng xã hội học tập mà chúng ta đang theo đuổi như một mục tiêu chiến lược về giáo dục. Hành trình học tập không còn là hành trình ngắn ngủi của những năm tháng đầu đời, mà là hành trình trọn cả đời người để có thể thích ứng với xã hội hiện đại năng động và đầy biến động.
Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã mạnh dạn từ bỏ tư duy “độc đạo” để xây dựng một hệ thống mới với một “mạng lưới” các cơ hội đa dạng về tiếp cận giáo dục đại học cho người dân.
Nhưng có một điều oái ăm là lòng tin của xã vào các hình thức học tập suốt đời ở thời điểm này lại không vững chắc. Mọi người đều giữ thái độ nghi ngờ về chất lượng của các hình thức học tập gọi là “phi chính quy”. Và đúng là hiện đang có quá nhiều lý do để nghi ngờ điều đó.
Trước hết là từ phía các trường. Không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng là hệ tại chức đang được các trường coi là “nồi cơm”, mà ngay Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi đang còn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công khai thừa nhận.
Việc thiếu thốn về nguồn lực tài chính do cơ chế học phí bất cập hiện nay đã đẩy các trường vào tình thế xem đào tạo tại chức với số lượng đông là con đường chính để mở rộng nguồn thu cho trường. Chính sách học phí bất cập đang đẩy các trường vào trò chơi “giá rẻ” và cuối cùng phải trả “giá đắt” cho chất lượng.
Khi các trường chạy theo đào tạo số đông, cả ở hệ chính quy nữa, thì đó chính là cơ hội để những người học giả có cơ hội lọt vào hệ thống học tập. Và sau đó, chính những người học giả sẽ dùng nhiều thủ thuật và mưu mẹo khác nhau để “đốn ngã” thầy cô và “về đích”. Có bao nhiêu phần trăm các thầy cô giáo không bị “đốn ngã” trong cuốc đấu này? Và có bao nhiêu người học giả đã lọt qua tấm lưới thưa của chất lượng đào tạo hệ tại chức để nhận bằng đại học?
Không có con số cụ thể, nhưng chắc đó phải là một con số rất đau lòng. Và xã hội có quyền đặt những dấu hỏi nghi vấn về chất lượng đầu ra của hệ tại chức.
Chính sự khủng hoảng lòng tin đó đã bồi những “đòn hiểm ác” vào giá trị của hệ thống học tập suốt đời và vào động cơ học tập lành mạnh của không ít người theo học hệ tại chức.
Cách làm của Đà Nẵng rõ ràng là không phù hợp với các khuôn khổ pháp lý hiện hành và cũng không phù hợp xét trên phương diện triết lý dùng người, nhưng cũng chính cách làm đó dường như đã “dội bom” thẳng vào thực trạng chất lượng giáo dục của hệ tại chức hiện nay. Và cách làm đó cũng làm “hiện hình” một thực trạng khác đáng bàn: thực trạng về hiệu lực của hệ thống tuyển dụng công chức nhà nước tại Đà Nẵng.
Chính sách tuyển dụng – Thật vàng sợ gì lửa
Nỗi lo của Đà Nẵng về chất lượng tuyển dụng thật ra không thừa. Nó nên là nỗi lo chung của nhiều địa phương, cơ quan khác. Nhưng không thể vì nỗi lo ấy mà phụ lòng những người có năng lực thật và học tập nghiêm túc.
Đà Nẵng nên tự vấn mình bằng câu hỏi: tại sao bao nhiêu công cụ tuyển dụng đầy tính đột phá và khách quan đã từng áp dụng lại không đủ hiệu lực để tuyển chọn nhân tài thật sự, đến nỗi phải chọn cách ban hành một quy định kiểu “thà giết lầm hơn bỏ sót”?
Cho đến giờ, hầu như các cơ quan nhà nước vẫn chưa bao giờ coi trọng việc xây dựng một hệ thống tuyển dụng đủ hiệu lực với nhiều giai đoạn xét chọn và đánh giá năng lực con người khác nhau.
Các khâu như đánh giá năng lực qua hồ sơ tuyển dụng, phỏng vấn, thi tuyển, thử việc, đánh giá hậu tuyển dụng nếu được thực hiện nghiêm minh, công khai, có tiêu chí minh bạch thì chắc chắn sẽ giúp cho các cơ quan tuyển dụng hạn chế tối đa tình trạng tuyển dụng sai người.
Những ứng viên ‘con ông cháu cha’ hay kẻ lắm tiền mượn bằng cấp phi chính quy để được tuyển dụng và được tiến thân không chắc sẽ bị vô hiệu hoá hoàn toàn, nhưng ít ra nó cũng sẽ được hạn chế rất nhiều trước sức mạnh của hệ thống tuyển dụng có hiệu lực.
Đà Nẵng thậm chí còn làm được điều mà nhiều địa phương khác ngưỡng mộ là bỏ tiền ra để đào tạo cán bộ nguồn có bằng cấp chính quy, thậm chí là bằng cấp nước ngoài.
Nhưng trong câu chuyện này, khi viện dẫn lý do là cán bộ nguồn được đào tạo còn chưa bố trí hết, chúng ta có thể nhận ra sự bất cập trong cách thực hiện dự án giàu ý nghĩa này.
Thêm nữa, lối tư duy kiểu đã cấp tiền cho đi học thì về phải tìm cách sử dụng, bất kể năng lực có phù hợp hay không rõ ràng là cách tư duy không hợp lẽ trong bối cảnh mới.
Trong số những người được Đà Nẵng cấp tiền cho đi học để tạo nguồn, có chắc là mọi trường hợp đều sẽ đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhân lực hay không? Câu trả lời chắc chắn sẽ đòi hỏi Đà Nẵng thực hiện việc đánh giá nghiêm túc hiệu quả của chương trình đào tạo cán bộ nguồn.
- TS. Huỳnh Văn Thông (Trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH và NV –ĐHQG TP.HCM)