-Buổi sáng mùa đông se lạnh. Tiếng đàn piano và tiếng hát lúc trầm, lúc bổng, lúc nảy nót, lúc rền vang, quyện vào nhau, vang lên từ những căn phòng nhỏ của Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đó là giờ học thanh nhạc trong tiết học thường chỉ một thầy -  một trò ở khoa Thanh nhạc.


Trong giờ học của sinh viên thanh nhạc


Mỗi phòng học có một ô kính nhỏ, ai đi qua cũng có thể nhìn vào phòng học. Ghé nhìn có thể bật cười vì thấy thầy đang đàn còn trò thì tròn miệng hát chỉ vài từ "Mô ô ố ô ồ, mô ô ố ô ố ô ồ....". Hoá ra, đây là giờ học thanh nhạc, nơi thầy đang luyện cho trò hát nhạc cổ điển.

Nguyễn Thanh Vũ, SV năm cuối của khoa cho biết: "Ngày nào, tụi em cũng tự luyện giọng khoảng một tiếng,. Em đã làm như vậy trong 8 năm nay (4 năm học trung cấp, 4 năm học đại học). Thường tuần hai buổi, một thầy một trò lại gặp nhau để thầy sửa cho những chỗ hát chưa đúng".

Theo Vũ, học hát cổ điển, cần thời gian 8 năm để "ngấm" chứ không phải học ngày một ngày hai mà hát được. Có rất nhiều kỹ thuật phức tạp như nảy chữ, miết chữ, nén hơi, xì hơi, nhiều khi hát chỉ có cuống lưỡi "làm việc" chứ không được nâng cằm lên hay hạ xuống. Một trong những loại khó nhất là hát giọng nam cao (teno).

Nguyễn Thanh Nhài chuẩn bị tốt nghiệp hệ trung cấp thanh nhạc của Học viện tâm sự: Cái gốc của học hát cổ điển là học về hơi thở. Người học phải có một hơi thở vững chắc, có thể nói trong giọng hát, hơi thở quan trọng đến 80%. Nếu không có hơi thở tốt thì không ngân được, không xử lý được tác phẩm âm nhạc về cao độ, trường độ, to, nhỏ, mạnh nhẹ...

Nhài cho rằng giọng tốt và có giọng là một tiêu chí quyết định với ca sĩ hát cổ điển, nhạc cảm là tiêu chí cần thiết. Giáo viên chỉ có thể truyền đạt được cách hát, kỹ thuật hát, chứ không dạy được nhạc cảm. Vì thế, cùng một thầy dạy, hai SV có thể hát một bài hoàn toàn khác nhau. Một ca sĩ muốn thành công phải có nhạc cảm tốt thì mới làm cho người nghe lay động.

Thầy Quốc Hưng, giảng viên của khoa cho biết, công việc quan trọng nhất của ca sĩ hát cổ điển là luyện tập cả đời để lấy hơi.

Kỹ thuật giữ hơi thở có thể nói là quan trọng nhất của ca sĩ, hơi thở là của cải quý giá nhất mà ca sĩ không được phung phí. Tưởng tượng hơi thở giống như nồi áp suất, hát mỗi từ là xì ra một ít, hết hơi thì làm sao hát được! Thầy thường khuyến khích học trò mình chạy bộ mỗi ngày để có sức khoẻ và tập luyện hơi thở.


Theo thầy Hưng, khi có hơi thở tốt thì giải quyết được tất cả các kỹ thuật của thanh nhạc. Khi đã hát được cổ điển thì có thể hát được tất cả các loại nhạc khác, hát được các ca khúc Việt Nam một cách dễ dàng vì âm nhạc Việt Nam tương đối đơn giản.

Hát ít tiền vẫn thích

 Những "ngôi sao" tuổi teen của âm nhạc đại chúng gần đây mọc lên như nấm, tràn ngập các phương tiện truyền thông hay các cuộc thi ca nhạc. Ít thấy những bài báo ca ngợi giọng hát của họ, thay vào đó là những câu chuyện yêu đương hay "lộ hàng". Có một dòng chảy lặng lẽ của những bạn trẻ yêu nhạc cổ điển, rèn luyện từ 4 đến 8 năm chỉ để "biết" hát.



Hát cổ điển vừa kén trò, lại được trò kén nên số lượng SV học thanh nhạc không nhiều như các ngành khác.

Nhìn chung, ngành học đặc biệt này chủ yếu vẫn được Nhà nước bao cấp. SV Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chỉ phải đóng mức học phí khoảng 2 triệu đồng/năm.

Một SV cho biết, nếu ai thực sự có năng khiếu, muốn học thêm thì nhiều thầy sẵn sàng dạy thêm miễn phí vì thầy cảm mến trò. Ở môi trường này, người ta rất ít nói tới chữ "tiền", vì theo đuổi nghề, chỉ có niềm đam mê chứ không thể giàu có được.


Ít ai biết rằng, các giảng viên của Học viện có mức thu nhập từ công việc giảng dạy chính thức chỉ khoảng 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Thầy Vũ Chí Nguyện, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từng ngậm ngùi chia sẻ với phóng viên VietNamNet rằng, nghệ sĩ violon nổi tiếng Bùi Công Duy, giảng viên chính thức của nhạc viện chỉ nhận mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi đó anh từ chối mức lương hàng ngàn đô ở nước ngoài để về giảng dạy tại Việt Nam.


Thầy Quốc Hưng cũng cho biết, các giảng viên không thể sống được bằng lương. Các thầy cô ở Khoa thanh nhạc, Khoa nhạc cụ dân tộc... phải tăng thu nhập bằng nghề dạy thêm hay biểu diễn tại các chương trình lớn. Thầy Hưng cho biết, hát nhạc cổ điển hiện chỉ thích hợp ở các chương trình do Nhà nước tổ chức, đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.

Nhiều SV Khoa Thanh nhạc cho biết họ không hề nhụt chí vì hát cổ điển nhìn chung vẫn chưa được công chúng ưa chuộng rộng rãi. SV Nguyễn Thanh Vũ cho rằng, trong tương lai, khi dân trí phát triển, hát cổ điển sẽ được biết đến nhiều hơn. Điều quan trọng là phải cho các em học sinh sớm tiếp cận và hiểu về bộ môn này.

Theo một SV, chừng nào sự hiểu biết về nhạc cổ điển của công chúng còn nông cạn thì họ chỉ chấp nhận dòng nhạc thị trường và những giọng hát dễ dãi như hiện nay.

  • Tú Uyên

Ở Việt Nam, tuy nhạc cổ điển vẫn chưa thực sự có vị trí tương xứng trong phần đông khán giả nhưng không phải không có cơ hội làm việc và phát triển. Về VN, Bùi Công Duy vẫn biểu diễn ở những chương trình hòa nhạc quốc tế lớn như Toyota Classic. Năm 2007, trong vòng 20 ngày, Duy diễn tới 5 buổi liên tiếp, 1 cơ hội trau dồi nghề nghiệp không dễ dàng có được.

Duy vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các nghệ sỹ tên tuổi, các giảng viên ở nước ngoài để liên tục cập nhật những kiến thức mới về ngành mình đang theo đuổi. Năm 2009, Duy sang Nga để làm giám khảo cho 1 cuộc thi violin quốc tế, cuộc thi mà nhiều năm trước đây Duy đã đoạt giải nhất.

Với tất cả những công việc đang theo đuổi hàng ngày, Duy tin tưởng chắc chắn rằng, dù ở VN, Duy vẫn được làm việc trong môi trường toàn cầu.

“Phải tự tin khi ra thế giới. Nhưng để tự tin thì phải có học thức và hiểu biết, trình độ phải đạt ngang mức tối thiểu toàn cầu. Người ta nói gì làm gì mình không hiểu thì không thể hội nhập được.” – Duy bày tỏ.

Lan Hương