3 khách mời giao lưu với độc giả Báo VietNamNet là: Nguyễn Trọng Hiếu (sinh năm 1988, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học), Lương Văn Lợi (sinh năm 1995, lĩnh vực An ninh quốc phòng), Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 2000, lĩnh vực Thể dục thể thao).

{keywords}
 

Xuất phát từ gia đình không mấy khá giả và học ở một ngôi trường nhỏ của tỉnh An Giang, sau nhiều nỗ lực ở ĐH Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Trọng Hiếu giành học bổng đi Mỹ từ năm thứ 4 đại học. TS Hiếu là giảng viên cao cấp ngành Năng lượng điện Mặt trời tại ĐH Quốc gia Australia (Australian National University – ANU). Anh đã có 72 công bố quốc tế, sáng lập và quản lý 2 phòng thí nghiệm quang học.

Đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của anh được Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia cấp tài trợ 1 triệu AUD cho dự án phát triển pin Mặt trời thế hệ mới. 

Trong khi đa số các nghiên cứu tập trung vào việc cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin Mặt trời, anh Hiếu lại trăn trở về việc cải tiến lớp màng mỏng bên trên của pin để tăng hiệu suất. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của anh còn tập trung vào các phương pháp đo đạc ngay từ những khâu đầu tiên để phát hiện ra các lỗi trong pin.

Phương pháp đo đạc này được rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu sử dụng như Đại học New South Wales, Đại học Sydney, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia Hoa Kỳ,…

>>> Hành trình từ trường làng đến nhà khoa học sáng giá nước Úc của TS Nguyễn Trọng Hiếu

{keywords}
 

"Kình ngư" Nguyễn Huy Hoàng đang được đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ. Anh được mệnh danh là “rái cá” sông Gianh” vì khả năng bơi lội vượt trội. Ở tuổi 22, Hoàng đã giành được Huy chương Vàng tại nhiều giải bơi lội quốc tế, mang vinh quang về cho đất nước.

Tại SEA Games 29 năm 2017, Hoàng giành Huy chương Vàng cự ly bơi 1.500m tự do. Một năm sau đó, tại ASIAD 18 năm 2018, Hoàng giành Huy chương Bạc nội dung 1.500m tự do. Cùng năm đó, khi tham dự Olympic trẻ tại Argentina, Hoàng giành Huy chương Vàng đầy thuyết phục. Còn ở đấu trường SEA Games 30 năm 2019, Hoàng iành cú đúp Huy chương Vàng ở cự ly 400m tự do và 1.500m tự do. 

Năm 2021, khi tham dự Olympic Tokyo, anh thi đấu hai nội dung 800m và 1.500m bơi tự do nam, lần lượt đứng thứ 20/34 và 12/29. Vận động viên quê Quảng Bình còn giành 2 Huy chương Vàng tại giải bơi vô địch quốc gia bể 25m.

>>> Nguyễn Huy Hoàng là Vận động viên số 1 Việt Nam (2021)

{keywords}
 

Trung uý Lương Văn Lợi là đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Keng Đu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An.

Anh trực tiếp phát hiện, bắt giữ và tham mưu xử lý 7 vụ, 8 đối tượng, thu giữ 1.682 viên ma tuý tổng hợp và 0,3 gam heroin; tham gia phối hợp điều tra, xử lý 4 vụ, 5 đối tượng, tang vật thu được 555 viên ma tuý tổng hợp.

Ngoài ra, Trung úy Lợi còn trực tiếp tham gia trên tuyến đầu chống dịch trong thời gian hơn 5 tháng. Với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Keng Đu, anh đã giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm nhận phụ trách 7 hộ gia đình đồng bào người dân tộc Khơ Mú khó khăn.

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

Độc giả Nguyễn Thanh Sơn (24 tuổi): Chào anh Hiếu, anh cho em hỏi tại sao anh lại lựa chọn lĩnh vực năng lượng mặt trời mà không phải điện gió? Nếu lựa chọn lại từ đầu, anh chọn theo hướng nào?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Sơn, thành phần chính của pin mặt trời chính là vật liệu bán dẫn, mà nền tảng kiến thức của anh cũng là về vật liệu bán dẫn. Nên anh quyết định đi theo hướng nghiên cứu vật liệu bán dẫn cho pin mặt trời. Nếu lựa chọn lại, chắc anh cũng đi theo hướng pin mặt trời do tầm quan trọng và độ hot của lĩnh vực này.

Đình Trường (19 tuổi): Em muốn hỏi anh Hiếu là khi ra nước ngoài, người Việt mình có những thế mạnh gì, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật vốn được coi là còn yếu về mặt thực hành.

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Trường, thế mạnh thì sinh viên Việt Nam mình rất nhiều: Siêng năng, lễ phép, dễ thích nghi,...

Anh chưa có cơ hội làm việc với các nhà nghiên cứu trẻ trong nước nên chưa dám đưa ra nhận định chung. Tuy nhiên, anh đã hướng dẫn và làm việc với nhiều sinh viên Việt Nam đi qua học tập và nghiên cứu ở ANU. Các bạn này có kiến thức đại cương cực kỳ tốt, không hề thua kém các sinh viên của các trường đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên, kỹ năng tính toán và tư duy logic. Mình thua họ về mặt thực hành là do mình không có điều kiện tiếp xúc với những thứ xịn xò, đắt tiền. Do đó, nếu siêng năng, chăm chỉ, đủ quyết tâm thì mình cũng không kém cạnh sinh viên nước nào đâu nhé. Chỉ có là mình hơi nhỏ con hơn họ thôi!

Tuấn Ngọc: Được biết công việc của Lợi là tham gia tuần tra kiểm soát đường biên cột mốc, địa bàn; trực tiếp phát hiện, bắt giữ tội phạm. Lần bắt tội phạm nào mà anh nhớ nhất?

Trung úy Lương Văn Lợi: Chuyên án mà tôi nhớ nhất là vào thời điểm năm 2019, lúc đó tôi đang công tác tại Đồn Biên phòng Mường Ải, được giao nhiệm vụ nắm tình hình an ninh trật tự trong xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn. Tôi phát hiện và nắm được thông tin liên quan đến đường dây tội phạm vận chuyển ma túy trái phép với số lượng lớn từ Lào về Việt Nam để tiêu thụ.

Tôi xác định có một số đối tượng liên quan đến đường dây này ở trong địa bàn xã. Do đó, tôi đã báo cáo, tham mưu cho Ban chỉ huy Đồn Biên phòng tiếp tục tham mưu cho chỉ huy cấp trên xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá đường dây.

Vào ngày 29/6/2019, sau khi chín muồi, đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi vận chuyển trái phép ma túy từ Lào về Việt Nam. Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Ải khi đó quyết định thành lập đội đánh án, trong đó có có 3 tổ: tổ đánh bắt chính, tổ chặn đầu và tổ khóa đuôi. Tôi được phân công làm tổ trưởng tổ đánh án - là tổ đánh bắt chính. Anh em đã tổ chức đánh ánh từ trưa ngày 29/6 nhưng đến 11h trưa ngày 30/6 vẫn chưa thấy đối tượng xuất hiện. Một kỷ niệm mà anh em chúng tôi vẫn nhớ mãi là lương khô, thức ăn mang theo gần như đã cạn kiệt. Trời hôm đó lại bỗng đổ cơn mưa lớn nên một số anh em cũng đã suy nghĩ đến chuyện rút lui và nhận định có khi nào thông tin đã bị lộ, lọt.

Khi đó, tôi đã động viên mọi người cố gắng bởi tin tưởng rằng thông tin vẫn được giữ bí mật. Và rồi hơn 11h, có một đối tượng cải trang thành một người bán gạo ở bên kia biên giới trở về. Lúc đó, tổ đánh án nhận định đây chính là đối tượng của chuyên án. Sau đó, tôi đã phát lệnh cho các đồng đội tiến hành bắt đối tượng. Rất liều lĩnh, manh động, đối tượng đã rút dao nhọn để chống trả. Với biện pháp nghiệp vụ, anh em cũng nhanh chóng tóm gọn được đối tượng cùng tang vật là 5.555 viên ma túy tổng hợp. Không may, lần đó, một đồng chí cũng bị xây xước nhẹ. 

Mai Anh (25 tuổi): Chào anh Hiếu. Anh bắt đầu có ý định đi du học từ khi nào, và anh đã làm gì để thực hiện ý định đó? Nếu hồi đó không được học bổng đi Úc, anh sẽ làm gì tiếp?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Mai Anh, từ năm nhất đại học là mình đã có ý định tìm học bổng du học, để bước vào cánh cửa 1 trường đaị học danh tiếng trên thế giới. Khó khăn lớn nhất là ngoại ngữ vì mình từ trường huyện nên Anh văn rất tệ. Mình bỏ ra khoảng 1 năm để luyện chứng chỉ B anh văn ở trường đại học vì học phí rất rẻ. Sau đó, luyện thi TOEFL. Còn về phương diện học tập trên giảng đường thì mình không lo lắng lắm vì mình siêng năng và có thể tự học được. Nếu không được học bổng đi Úc, chắc mình sẽ tiếp tục nộp cho các trường ở các nước khác như Mỹ, Anh, Canada,... chứ không từ bỏ ước mơ du học.

Hoàng Đức Cường (17 tuổi): Anh Hoàng bắt đầu biết bơi từ khi nào ạ? Trước khi được huấn luyện bài bản, anh có từng tham gia các trung tâm, lớp học bơi nào không?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Anh bắt đầu học bơi từ năm 11 tuổi. Trước khi được huấn luyện bài bản, anh chỉ tập ở những con sông gần nhà. Em biết đấy, với những đứa trẻ sinh ra ở những vùng sông nước, việc biết bơi giống như một kỹ năng sống vậy. Vì thế, ngoài giờ học, anh cùng các bạn thường tự đi bơi chứ không có một người huấn luyện bài bản hay qua một trung tâm nào hết.

Lê Ngọc Linh (21 tuổi): Anh Hoàng có thể kể lại giải thưởng đầu tiên anh nhận được liên quan đến bơi lội không ạ?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Giải thưởng đầu tiên anh nhận được liên quan đến bơi lội là vào năm 2011, khi còn đang học lớp 5. Lúc đó, anh có tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình và giành được 2 Huy chương Vàng. Lần đầu tiên nhận được giải thưởng ấy, anh đã rất vui và hồi hộp. Cũng nhờ vậy, sau đó anh đã được chọn vào đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Đây là một tiền đề giúp anh tin tưởng và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp bơi lội.

>>> Bình chọn cho Nguyễn Huy Hoàng là gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Ngọc Trang: Anh Lợi ơi, bộ đội biên phòng có thể nói là một công việc khó khăn, vất vả. Cơ duyên nào dẫn Lợi vào lực lượng bộ đội biên phòng?

Trung úy Lương Văn Lợi: Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới, một trong những huyện xa trung tâm nhất của tỉnh Nghệ An. Gia đình cũng như quần chúng nhân dân trong địa bàn cũng còn nhiều khó khăn, địa bàn nhiều tệ nạn xã hội. Từ nhỏ, bản thân mình cũng được tiếp xúc với hình ảnh và công việc của các chiến sĩ bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ biên giới và nhân dân khu vực này. Phần nào cũng giúp tôi hiểu hơn về công việc các chú bộ đội biên phòng và cảm thấy tự hào về hình ảnh người lính biên phòng trong công tác dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy ở khu vực biên giới.

Có những hình ảnh ăn sâu vào tâm trí tôi đó là hình ảnh các chú bộ đội mặc quân phục tuần tra bảo vệ biên giới. Ước mơ trở thành một chiến sĩ biên phòng cũng xuất phát từ đó. Tôi đã quyết tâm phấn đấu, học tập, tốt nghiệp THPT, tôi đã thi vào Học viện Biên phòng năm 2017 và 4 năm sau trở thành sĩ quan biên phòng.

Lê Lâm Bảo (32 tuổi): Hiện nay, nhiều người trẻ vẫn đang khó khăn trong việc xác định và định hướng lĩnh vực mình theo đuổi. Từ trải nghiệm bản thân, anh Hiếu có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như bí quyết để nuôi dưỡng, theo đuổi đam mê mà thành công là gì?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Bảo, Thật ra, mình lấy cần cù bù thông minh là chính. Mình luôn cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước. Khi đã lựa chọn thì quyết tâm đi theo con đường mình mong muốn theo đuổi. Có một mục tiêu trước, sau đó đi từng bước một để chinh phục nó. Nếu như thành công chưa đến ngay thì cũng không nản chí, không bỏ cuộc.

Mai Loan: Chấn thương nào trong quá trình luyện tập, thi đấu mà anh Hoàng nhớ nhất ạ?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Có thể nói một điều khá may mắn là cho đến thời điểm hiện tại, anh chưa gặp phải chấn thương nào nghiêm trọng.

{keywords}
 

Thái Thụy: Nghe tên đơn vị của Lợi “Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Keng Đu”. Ở địa bàn biên giới, công việc đấu tranh chống tội phạm chắc áp lực lắm?

Trung úy Lương Văn Lợi: Công việc chính của tôi là phòng chống ma túy và tội phạm. Đây là công việc rất nguy hiểm. Nếu ở các mặt công tác khác, chúng ta có thể thường xuyên sắp xếp theo một lịch trình và tiến hành thực hiện công việc đó theo một kế hoạch đã đề ra trước; thì với công tác đấu tranh, phòng chống ma túy và tội phạm, sẽ có những đặc thù riêng. Lúc nào mình cũng phải chủ động, sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi và sẵn sàng với mọi tình huống, thậm chí là khác xa với những tập phim mà mọi người được xem. Thời đại hiện nay thì tội phạm ngày càng tinh vi, thậm chí manh động, trang bị vũ khí nóng và sẵn sàng chống trả lại khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Quần chúng nhân dân ở trong địa bàn mà các đơn vị bộ đội biên phòng quản lý thì đa số nhận thức hạn chế, đòi hỏi lực lượng bộ đội biên phòng cũng như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải đan xen thực hiện tốt rất nhiều mặt công tác như tuyên truyền, vận động phải phù hợp với trình độ nhận thức, phong tục, tập quán của nhân dân. Phải có phương pháp đấu tranh và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt là lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm như bản thân mình.

Tuy nhiên, đối với niềm đam mê, cùng tinh thần quyết tâm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi cảm thấy không hề có sự áp lực và đó là niềm vinh dự khi có thể góp phần giữ bình yên cho quần chúng nhân dân vùng biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

>>> Bình chọn cho Trung úy Lương Văn Lợi vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu

Lê Quốc Hưng (33 tuổi): Nhiều người vẫn nói để giành được vinh quang thì phải khổ luyện, Hoàng có nghĩ hành trình của mình là khổ luyện không?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Như mình đã chia sẻ trước đó, hành trình của mình để đi được trên con đường vận động viên thì cũng đã phải rất khổ luyện miệt mài, thậm chí có khá nhiều nước mắt.

Nguyễn Thanh Long (45 tuổi): Chào Hiếu, con trai anh chuẩn bị vào đại học và cháu có sự quan tâm tới năng lượng mặt trời. Hiếu có thể chia sẻ dự đoán của em về tương lai của lĩnh vực này trong khoảng 10 năm tới được không? Em có thể cho lời khuyên về chọn trường đại học nào ở Việt Nam không vì hiện nay gia đình chưa đủ điều kiện cho cháu đi du học. Cảm ơn Hiếu.

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Dạ, chào anh Long. Theo như các số liệu em được biết, trong vòng 1 thập kỷ đến, năng lượng mặt trời sẽ là ngành rất hot và phát triển rất nhanh vì nhận được đầu tư rất nhiều từ các chính phủ và doanh nghiệp. Hơn nữa, nó không chỉ còn là việc giá trị kinh tế, mà còn là việc bảo vệ môi trường, nên ngành này chắc chắn sẽ không thể đi thụt lùi trong 10 năm nữa. Em chắc như vậy.

Mai Đức Long (15 tuổi): Em rất thích bơi lội nhưng bố mẹ em không đồng ý cho em theo con đường này vì cho rằng không có tương lai. Trước đây, bố mẹ anh có ngăn cản anh theo đuổi con đường bơi lội không ạ? Nếu có, làm sao anh có thể thuyết phục khiến bố mẹ đổi ý?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Anh may mắn khi được bố mẹ ủng hộ đi theo con đường này. Gia đình anh vốn sống bằng nghề chài lưới trên sông Gianh và nuôi bè cá lồng. Là con út, lại thích bơi lội nên bố hay cho anh theo sau trong những lần vớt rong về làm thức ăn cho đàn cá trắm. Thấy anh có đam mê bơi lội nên bố mẹ cũng rất ủng hộ. Hồi lớp 5, đang kỳ nghỉ hè, các chuyên gia bơi lội về địa phương tuyển, anh được chọn đi học rồi tập luyện luôn. Nhưng hồi đó anh chỉ nghĩ đăng ký bơi cho thỏa mãn chứ không thể hình dung có ngày mình trở thành vận động viên bơi lội.

Anh nghĩ rằng, nếu bố mẹ không đồng ý cho em theo con đường này, trước tiên em cứ nói mình xin được bơi để tập luyện nâng cao sức khỏe, sau đó rồi từ từ thuyết phục dần. Ngoài ra, em có thể xin theo học ở một trung tâm gần nhà, gần bố mẹ. Nếu thực sự có đam mê và nghiêm túc với điều đó, anh tin bố mẹ em sẽ thay đổi suy nghĩ.

Vân Hoa: Qua đọc thông tin, tôi được biết thời gian qua, anh Lợi còn tham gia công tác trực chốt phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp ngăn chặn nào khó nhất vậy anh?

Trung úy Lương Văn Lợi: Nhiệm vụ chính của bộ đội biên phòng là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đan xen trong đó có những vụ việc thuộc chuyên môn của tôi là phòng chống ma túy và tội phạm.

Trong những năm vừa qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên cương vị là Chốt trưởng, tôi đã tổ chức tuần tra, ngăn chặn 29 trường hợp có ý định vượt biên trái phép. Một vụ việc mà tôi cùng các chiến sĩ trong đội nhớ nhất là năm 2021, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về một người dân có ý định vượt biên trái phép sang Lào. Người dân này có mối quan hệ dân tộc và lấy vợ ở Lào. Khi tình hình dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, người dân này nhận được tin có người thân ở bên Lào mất nên có ý định vượt biên trái phép sang bên kia biên giới ngay trong đêm.

Khi đó Ban chỉ huy Đồn biên phòng chỉ đạo bằng mọi biện pháp phải ngăn chặn, không để người dân vượt biên sang Lào. Nhận lệnh của cấp trên, chúng tôi đã triển khai lực lượng, chốt chặn. Công việc đầu tiên là xác định người này đi đường nào cũng rất vất vả, khó khăn. Lần đó phải mất mấy tiếng và khoảng 2 giờ sáng mới tìm ra đối tượng. Thời tiết khi đó tôi còn nhớ rất lạnh.

Lúc phát hiện ra, người dân đó lại không biết tiếng phổ thông, do đó nếu nói tiếng phổ thông để thực hiện tuyên truyền, giải thích về các quy định pháp luật thì quần chúng không hiểu. Khi đó, trong đội thực hiện nhiệm vụ, chỉ có tôi và một đồng chí nữa biết tiếng Khơ Mú và tiếng Thái. Rất may nhờ vậy mới giải thích cho người dân hiểu được về việc làm trái phép xuất nhập cảnh và các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Thu Trà (21 tuổi): Em cần có tiêu chuẩn gì để được anh Hiếu nhận vào nhóm nghiên cứu?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào bạn, thường thì các ứng viên phải nộp hồ sơ và thành viên nhóm mình sẽ xem xét, so sánh hồ sơ đó với các bạn ứng viên khác.

Để tuyển vị trí nghiên cứu sinh tiến sĩ, mình tập trung vào: điểm trung bình tích lũy, ranking của trường ứng viên đang theo học hoặc tốt nghiệp, kinh nghiệm nghiên cứu và các thành tích đặc biệt. Do có rất rất nhiều hồ sơ khắp nơi trên thế giới gửi về, nên đòi hỏi cho các tiêu chi trên cũng khá cao.

Mình không tập trung vào điểm TOEFL and IELTS lắm, chỉ cần đạt so với quy định của bậc học là được. Do đó, 9.0 IELTS hay 6.5 IELTS đối với mình là như nhau vì cả 2 đều thỏa mãn anh văn đầu vào của ANU.

>>> Bình chọn cho Nguyễn Trọng Hiếu vào top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

{keywords}
 

Trần Đình Toàn (36 tuổi): Tuổi nghề của nhiều VĐV thường không cao. Hoàng đã lúc nào hình dung về tương lai của mình?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Đối với một vận động viên bơi lội, chuyện giải nghệ là bình thường, khi cơ thể của mình không còn đáp ứng được với những giáo án đã đề ra. Bản thân em cũng không cảm thấy sợ lắm với chuyện giải nghệ vì em đủ tự tin để xác định được cho mình hướng đi tương lai.

Trong thời gian tới, em sẽ cố gắng tiếp tục tập tuyện và thi đấu cho đến khi hết khả năng. Song song với đó, có thể trong thời gian tới, em sẽ tiếp tục học lên tại Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao và “chuyển nghề” từ vận động viên sang huấn luyện viên.

Mai Hòa (33 tuổi): Mình muốn hỏi Hiếu là khi gặp bế tắc trong nghiên cứu thì bạn làm thế nào?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Hòa, do mình may mắn làm trong một nhóm lớn với các nhà khoa học khác. Khi gặp bế tắc, mình thường hay trình bày vấn đề của mình trước nhóm để họ có thể cho mình lời khuyên và kinh nghiệm, chứ hiếm khi giữ ý tưởng cho riêng mình. Nếu mà trong nhóm không biết cách giải quyết thì mình tiếp tục tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp từ các nơi khác. Khi thẳng thắn nêu ra các vấn đề của mình, rất nhiều trường hợp đồng nghiệp sẽ có hướng giải quyết cho mình. Chưa bao giờ mình hoàn thành 1 công trình nào mà không có sự giúp đỡ của đồng nghiệp.

Lê Thu Hằng (30 tuổi): Chào anh Hiếu. Xin anh chia sẻ những thuận lợi và khó khăn của bản thân anh khi lập nghiệp ở nước ngoài? Nếu cho lời khuyên với những bạn trẻ muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống, anh sẽ khuyên điều gì đầu tiên?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Hằng, ở đâu cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Khi ra nước ngoài, nhất là các nước tiên tiến, thì mình sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các máy móc công nghệ cao, gặp những người đầu ngành trong lĩnh vực của mình, môi trường làm việc tốt..., từ đó có thể học hỏi nhiều và nhanh hơn. Về mặt khó khăn thì cũng rất nhiều: văn hóa, ngôn ngữ, khí hậu (nhiều nơi cực kỳ lạnh),... Quan trọng là mình biết mình muốn gì và có chấp nhận đánh đổi một vài thứ nào đó cho những thứ khác quan trong hơn hay không.

Với các bạn trẻ, theo mình hành trang đầu tiên khi ra nước ngoài là tính tự lập và quyết tâm.

Mai Quý Đức (23 tuổi): Giai đoạn nào với Hoàng là khó khăn nhất và cách em vượt qua ra sao?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Giai đoạn khó khăn nhất với em có lẽ là vào năm 13, 14 tuổi. Ở thời điểm ấy, em còn khá nhỏ nhưng đã phải thường xuyên xa nhà. Do thể hình thấp bé, sải tay hạn chế, em phải tập luyện gấp đôi, gấp ba người khác. Có đôi lúc, việc tập luyện rất khắc nghiệt và mệt mỏi khiến em suy sụp.

Tới năm 2015, em bắt đầu có chút thành quả đầu tiên trong sự nghiệp của vận động viên khi giành giải vô địch Đông Nam Á. Tuy nhiên, đó cũng là lúc việc luyện tập lại càng gian nan hơn do phải chuẩn bị để tham gia các giải đấu. Ngày nào, em cũng tập 4 tiếng buổi sáng, 4 tiếng buổi chiều, dù kiệt sức nhưng vẫn có bài tập cường độ cao. Mỗi ngày, em có thể bơi tới hơn 20km, tức 400 lượt trên bể 50m. Có khoảng thời gian tập luyện em đã khóc rất nhiều.

{keywords}
Nguyễn Trọng Hiếu trong phòng thí nghiệm ở Đại học Quốc gia Úc

Phạm Đức Chính (19 tuổi): Xin hỏi anh Hiếu, để có được thành tích như ngày hôm nay, bài học nào và người thầy nào khiến anh nhớ nhất?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Chính, lúc mới du học, khả năng tiếng Anh của mình chưa tốt vào thời điểm đó, ý kiến của mình thường không được đánh giá cao trong các buổi thảo luận nhóm với sinh viên bản xứ. Nói gì họ cũng cứ bác bỏ, làm mình rất quê và ấm ức mặc dù mình biết kiến thức của mình cũng không thua gì họ. Chuyện đó làm cho mình quyết tâm phải cải thiện vốn tiếng Anh của mình bằng mọi cách, làm viêc thật siêng năng, quyết không để thua các bạn sinh viên quốc tế trong nhóm mình.

Người thầy đáng nhớ nhất chắc là giáo sư hướng dẫn luận văn tiến sĩ của mình tại ANU (ĐHQG Úc) vì mình đã gắn bó với thầy được gần 10 năm nay rồi.

Trần Mạnh Hào (27 tuổi): Đạt được nhiều thành tích xuất sắc, hẳn nhiều trung tâm thể dục thể thao lớn trong nước mời gọi Hoàng về đầu quân, nhưng tại sao Hoàng vẫn ở lại với Quảng Bình?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Quảng Bình là nơi em sinh ra và lớn lên, do đó em vẫn muốn cống hiến cho sự nghiệp thể thao của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, để có được thành tích như hôm nay, em không bao giờ quên những bài học đầu tiên trên sông Gianh của thầy Hoàng Công Minh ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình. Không chỉ dạy kỹ thuật bơi lội, thầy Minh còn dạy em tình yêu quê hương, lòng kiên trì, nhẫn nại và niềm đam mê thể thao, để em không ngừng cố gắng vươn lên.

Em luôn nhớ tới việc mình sinh ra từ đâu, nhờ có ai mà mình đạt được những thành tích như hôm nay. Do đó, từ lúc em mới bước chân vào sự nghiệp bơi lội, đến nay là 11 năm, em vẫn muốn được tập luyện và thi đấu cho Quảng Bình.

Huỳnh Hồng Anh (39 tuổi): Chào Hiếu, theo bạn, cơ hội và trách nhiệm của các nhà khoa học trẻ với đất nước trong bối cảnh hiện nay như thế nào? Bạn có thể chia kinh nghiệm trong việc tập hợp và hướng dẫn các nhà khoa học để làm việc nhóm được không?

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào chị Hồng Anh, nước nào cũng cần có sự đóng góp của các nhà khoa học và đội ngũ trí thức trẻ. Xã hội càng phát triển thì cơ hội càng nhiều cho các nhà khoa học trẻ bởi vì việc tìm tòi, học tập kiến thức mới dễ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trách nhiệm đóng góp cho đất nước càng lớn khi cơ hội càng nhiều. Nếu không, đất nước mình sẽ khó bắt kịp được với thế giới vì họ không có dừng lại mà chờ mình.

Trên diễn đàn này thì rất khó để chia sẽ kinh nghiệm đầy đủ vì nó là cả 1 quá trình. Nhưng nói gọn lại là mình phải tạo dựng uy tín và vị trí vững vàng trước, sau đó mới có đủ sức đứng ra tập hợp và hướng dẫn các nhà khoa học khác được.

{keywords}
TS Nguyễn Trọng Hiếu đang giao lưu với độc giả VietNamNet

Mai Loan (39 tuổi): Nhiều phụ huynh hiện nay chú trọng cho con vào những trường tốp đầu, nổi tiếng. Từ một học sinh trường làng, anh đã có được những thành công hôm nay, theo anh điều quan trọng nhất để gặt hái thành công là gì? 

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào chị Mai Loan, thật ra, phụ huynh cũng có lý của họ, vì em cũng muốn con của em có được điều kiện tốt nhất. Môi trường tốt thì xem như đã được bước đầu rồi, không phải bắt đầu từ con số không lại. Như em, em cố gắng thật nhiều để được vào một ngôi trường tốp đầu của thế giới để có cơ hội phát triển nhiều hơn.

Bắt đầu từ lúc chưa có gì, theo em nghĩ, quan trọng nhất là cố gắng học hỏi, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của người đi trước. Khi đã lựa chọn thì quyết tâm đi theo con đường mình mong muốn theo đuổi. Có một mục tiêu trước, sau đó đi từng bước một để chinh phục nó. Nếu như thành công chưa đến ngay thì cũng không nản chí, không bỏ cuộc.

Nguyễn Long: Đã có một phút giây nào đó anh suy nghĩ đến chuyện công việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình chưa?

Trung úy Lương Văn Lợi: Trong thực tế, lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ thì anh em cũng có phương châm đó là nhận bất cứ nhiệm vụ gì cũng đều tận tâm, tận lực, thi hành nhanh chóng và chính xác.

Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tôi cũng từng nghĩ đến chuyện có thể ảnh hưởng tính mạng. Nhưng càng vì thế khi xác định việc thực hiện nhiệm vụ, cần phải hiểu rõ và nhận định đúng tình huống để đề ra phương pháp, biện pháp để đầu tiên là đảm bảo an toàn, xác suất thành công.

Đỗ Đức Long (21 tuổi): Là vận động viên phải dành phần lớn thời gian theo đuổi sự nghiệp thể thao, anh sắp xếp thời gian học tập thế nào ạ? Có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi vì phải gánh quá nhiều việc trên vai?

VĐV Nguyễn Huy Hoàng: Quả thực, việc tập luyện mệt mỏi với thời gian biểu khắt khe cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập. Nhưng anh luôn cố gắng học cách vượt qua vì xác định rằng, bên cạnh việc tập luyện thì việc học tập cũng cần được ưu tiên, do đó là “tấm vé” để đảm bảo cho con đường tương lai.

Trước đây, khi đầu quân cho Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM, anh có theo học ở một trường phổ thông năng khiếu. Sau đó, khi chuyển tới Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia ở Cần Thơ, anh học tại Trường GDNN – GDTX quận Bình Thủy. Thời gian đi học thường là buổi tối, anh sẽ học khoảng từ 5h30 – 9 giờ. Sau quãng thời gian đó, anh sẽ về nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục guồng quay tập luyện và học tập.

Thành (28 tuổi): Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã được hai năm và làm đảo lộn nhiều thứ, anh đã thích ứng với nó như thế nào? Anh có đúc kết gì về áp lực mà một người làm nghiên cứu phải trải qua? 

TS Nguyễn Trọng Hiếu: Chào Thành, trong lúc dịch bệnh, mình không thể gửi các sinh viên của mình đến các viện nghiên cứu đối tác để trao đổi và nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm của mình cũng bị giới hạn thời gian làm việc và số lượng người, làm chậm tiến độ các dự án đáng kể. Để thích ứng, nhóm mình phải sắp xếp thời gian biểu rất chặt chẽ để tận dụng thời gian vào phòng lab cho phù hợp và an toàn nhất. Hơn nữa, phương pháp họp trực tuyến cũng được tận dụng triệt để. Tất nhiên, cho dù làm cách nào đi nữa, thì cũng chỉ giảm tác động của dịch bệnh thôi, chứ không thể bằng lúc bình thường được.

Lan Ngọc: Khi đối mặt với những hiểm nguy và tội phạm, điều đầu tiên mà Lợi nghĩ đến là gì?

Trung úy Lương Văn Lợi: Khi đối mặt với những hiểm nguy, điều mà tôi cũng như các đồng đội nghĩ đến đầu tiên là cần phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi luôn tự nhủ tuyệt đối không vì sự khó khăn, hiểm nguy làm lấn át đi tâm lý, khiến mình chùn bước.

Nếu được chọn lại về công việc, bạn nghĩ sao?

Nếu được chọn lại, mình vẫn sẽ tiếp tục chọn làm sĩ quan biên phòng. Vì đó là mơ ước từ thời thơ ấu của mình. Hình ảnh người lính quân hàng xanh ăn sâu tiềm thức thời thơ ấu và cho đến bây giờ khi được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, tôi vẫn cảm nhận trọn niềm tự hào, vinh hạnh của bản thân khi làm công việc này.

Xin cảm ơn độc giả và các vị khách mời. Những câu hỏi còn lại của độc giả sẽ tiếp tục được chuyển đến TS Nguyễn Trọng Hiếu, VĐV Nguyễn Huy Hoàng và Trung úy Lương Văn Lợi. VietNamNet sẽ cập nhật trong các bài viết sắp tới.

Ban Giáo dục