Dạy học trực tuyến và chuyển đối số là tất yếu

“Trong bối cảnh hiện nay, đó là một lựa chọn tất yếu của nhà trường phổ thông và đại học. Lý do thứ nhất, dịch bệnh hiện nay làm cho việc tới lớp trở nên bất tiện, không thuận lợi. Lý do thứ hai là nó giúp thầy cô, sinh viên tiết kiệm được thời gian, không gian, tăng tính chủ động học tập và giảng dạy” – TS. Đặng Hoàng Giang, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, bày tỏ quan điểm.

Anh Huỳnh Lưu Đức Toàn, 30 tuổi, giảng viên Khoa Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học hành vi của Trường Quản lý Otto Beisheim (Đức), cũng nhận định dạy học trực tuyến và chuyển đối số trong giáo dục là một xu hướng tất yếu.

“Chúng ta nói về công nghệ 4.0. Ngoài việc đóng học phí bằng tiền điện tử ở các trường lớn thì tại sao không phải là học online?” – anh Toàn đặt vấn đề.

{keywords}
Giáo viên đứng lớp dạy trực tuyến ôn tập môn Vật Lý

Theo anh Toàn, gần đây có một nghiên cứu của Havard rằng thực ra con người khi buộc phải thay đổi trong dịch bệnh hay điều kiện bất thường, họ sẽ có khả năng thích nghi tốt hơn và đôi khi sẽ còn cho kết quả tốt hơn, “vì chúng ta chưa từng dám thử nghiệm nó bao giờ”.

“Trước đây, chúng ta ngại thử nghiệm nhưng trong dịch bệnh thì buộc phải làm. Và như vậy, biết đâu lại có những điều bất ngờ, thú vị”.

Do vậy, ở ngôi trường mà anh Toàn đang làm nghiên cứu sinh, các giảng viên xem đó là cơ hội. “Cơ hội để thử nghiệm những điều mà trước đây họ chưa thử” – anh Toàn cho biết.

Ví dụ, thay vì viết bài thì giảng viên cho sinh viên tham gia thị trường giả lập (do đội IT của trường xây dựng) và chấm điểm. Thay vì khó đánh giá trong làm việc nhóm trực tiếp thì giờ làm qua ứng dụng, có ghi chú lại biên bản họp nhóm nên từ đó có thể nhận biết rõ ràng ai tham gia và ai không.

Vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận thầy giỏi

Trong đợt bùng phát đầu tiên của dịch Covid-19, Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều trường học các cấp sớm ứng dụng hình thức dạy học trực tuyến. Với những diễn biến của dịch hiện nay, cùng những dự kiến của Bộ GD-ĐT đưa dạy học trực tuyến vào chương trình học chính thức, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định “Học trực tuyến, nếu có điều kiện đảm bảo, sẽ là một xu thế giáo dục hiện đại. Muốn xã hội học tập, học tập suốt đời thì phải thông qua học trực tuyến chứ không phải lúc nào cũng có thể ngồi trên lớp để học được”.

Khác với những quan điểm cho rằng học trực tuyến chỉ có thể triển khai thuận lợi ở những nơi có điều kiện, ông Thành lại cho rằng việc học trực tuyến nếu được đảm bảo sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là ở những địa phương vùng sâu vùng xa.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Nghệ An đã áp dụng việc học trực tuyến vào giảng dạy thì thấy kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của cả thầy và trò được nâng lên rõ rệt, chất lượng dạy và học vẫn được đảm bảo tốt.

{keywords}
Một buổi giảng dạy trực tuyến của Trường THPT Kim Liên, Nghệ An

Việc học trực tuyến ngoài thông qua các bài giảng trên Internet, học sinh cũng có thể học trên truyền hình.

Hiện tại, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở Nghệ An chiếm khoảng 80%. Đối với 20% còn lại chủ yếu là những học sinh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng Internet chưa đến được và học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

“Tới đây, kể cả không có dịch Covid-19, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với truyền hình tỉnh xây dựng một khung giờ dành riêng cho giáo dục, ví dụ học ngoại ngữ, ôn tập kiến thức các môn… và phát quanh năm. Điều này sẽ giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin nhanh và được học những người thầy giỏi.

Điều này rất ý nghĩa bởi nếu không có học trực tuyến, chỉ những học sinh ở vùng thuận lợi mới được tiếp cận với thầy giỏi. Còn giờ đây, mọi học sinh, kể cả học sinh vùng khó cũng được tiếp cận mà không phải di chuyển xa xôi” – ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho rằng phương thức này sẽ hiệu quả trong điều kiện cơ sở vật chất phải có và đồng bộ.

TS Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa Thông tin – Thư viện (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng nhận xét hiện nay có rất nhiều công nghệ, công cụ có thể hỗ trợ giáo viên, giảng viên và học sinh sinh viên học trực tuyến.

“Ví dụ đơn giản nhất là chúng ta có thể dùng Facebook, Zalo, Skype để chuyển tải bài giảng trực tiếp của giảng viên. Chúng ta có thể dùng điện thoại cá nhân - một smartphone đơn giản cũng có thể triển khai được bài giảng”.

Tuy nhiên, theo TS Hùng, để một trường đại học triển khai được một hệ thống E-learning thì phải có một giải pháp tổng thể về mặt hạ tầng công nghệ và một hệ thống platform phần mềm tích hợp. Platform này phải tích hợp tổng thể: giảng dạy trực tuyến, tương tác sinh viên, cho phép sinh viên trao đổi ý kiến của mình thông qua mạng, có thể trao đổi chat thông qua hệ thống messenger, giảng viên có thể chấm bài trực tuyến, trả bài trực tuyến, kiểm soát việc học của sinh viên trực tuyến là buổi hôm đó có lên lớp hay không…

Đồng quan điểm, anh Huỳnh Lưu Đức Toàn cho rằng việc dạy học trực tuyến hay chuyển đổi số thực ra cũng không có gì khó khăn lắm. “Vì chẳng qua người ta đang quen với cách truyền thống tương tác trực tiếp. Nhưng dạy kĩ thuật số linh hoạt hơn nhiều, chẳng hạn sinh viên có thể xem đi xem lại bài giảng hay chủ động thời gian học tập của mình”.

“Chủ trương thúc đẩy dạy và học trực tuyến đã có, giờ chúng ta chỉ kỳ vọng các quy chế, quy định về việc đánh giá kết quả học trực tuyến hoàn thiện hơn và việc học trực tuyến không chỉ áp dụng trong mùa dịch mà có thể triển khai trong điều kiện bình thường để giảm tải áp lực học tập. Học sinh có thể học ở nhiều nơi và đây cũng là xu thế của xã hội học tập” – ông Thành bày tỏ quan điểm.

Ngân Anh – Lê Huyền – Thúy Nga

Bộ Giáo dục dự kiến 3 hình thức dạy học trực tuyến

Bộ Giáo dục dự kiến 3 hình thức dạy học trực tuyến

Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo Thông tư Ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên để lấy ý kiến dư luận.