Năm nay không phải năm đầu tiên Nguyễn Diệp Anh (sinh viên ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội) ở lại trực Tết. Kể từ năm thứ 3 đại học, cậu đã dần quen với việc không có kỳ nghỉ lễ trọn vẹn bên gia đình.
Vào những ngày này, các bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên phải làm việc gấp 2, 3 lần ngày thường bởi Khoa Cấp cứu bệnh viện liên tục tiếp nhận những bệnh nhân gặp tai nạn giao thông trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới.
Tuy vậy, số lượng sinh viên trực trong những ngày này không nhiều, chỉ khoảng 15 – 16 sinh viên/ tổ. Công việc của sinh viên là hỗ trợ các bác sĩ làm hồ sơ bệnh án, đo huyết áp, đo điện tim, băng bó cho bệnh nhân, phụ mổ, …
“Dịp Tết nào cũng vậy, cứ đến chiều ngày mùng 1 Tết và sang ngày mùng 2, số lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng lên đột biến. Số ca nặng cũng tăng lên nhiều hơn so với ngày thường. Khi đó, kíp trực sẽ phải làm việc rất vất vả và chịu nhiều áp lực hơn”.
Năm đầu tiên tham gia trực Tết, Diệp Anh cùng bác sĩ phải “căng mình trực chiến” cấp cứu.
“Em nhớ hôm đó có một bệnh nhân tình trạng rất nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Vì tâm lý còn nước còn tát nên người nhà tha thiết xin bác sĩ cứu giúp. Khi tiếp nhận trường hợp này, các bác sĩ ngay lập tức phải đặt ống thở.
Em được phân công đưa bệnh nhân đi chụp chiếu đồng thời cũng là người bóp bóng. Lúc chuyển bệnh nhân đi, bác sĩ dặn em rằng bệnh nhân có thể tự thở và cần duy trì việc theo dõi.
Khi đến phòng chụp X – quang, em cũng yên tâm ra ngoài phòng để bác sĩ siêu âm. Một lúc sau bác sĩ hớt hải chạy ra gọi em vào nói rằng bệnh nhân không còn thở nữa. Tại sao lại không để ý bệnh nhân?
Em vội đẩy nhanh bệnh nhân về khoa và xử lý ép tim. Do tình trạng bệnh diễn biến xấu nên bệnh nhân được đưa về nhà. Khi đó em cảm thấy lo cho bệnh nhân hơn việc sợ trách nhiệm. Đó cũng là một bài học cho em về trách nhiệm và sự cẩn trọng trong nghề”, Diệp Anh kể.
Với nhiều sinh viên Y, trực Tết là những kỹ niệm đáng nhớ trong suốt thời gian đại học.
Tại phòng Hồi sức cấp cứu trong những ngày Tết, có hàng chục bệnh nhân được theo dõi, người nửa tỉnh nửa mê vì đa chấn thương. Nhiều trường hợp một bệnh nhân vào cấp cứu đến gần chục người nhà cuống quýt chạy theo sau. Những điều này, theo Diệp Anh cũng là một áp lực rất lớn đối với các y bác sĩ.
Bước sang năm thứ 4, Diệp Anh được phân công đi trực Tết tại Bệnh viện Việt Đức. Một ngày, cậu tham gia hỗ trợ bác sĩ trên chục ca bệnh.
Diệp Anh nhớ rõ hôm đó là ngày mùng 2 Tết. Có một bệnh nhân là công an bị ngã cầu thang phải đưa vào viện cấp cứu gấp. Do đơn vị anh công tác khá xa nên quãng đường đi đến bệnh viện đã khiến tình trạng bệnh chuyển biến nặng.
Khi vào viện, bác sĩ chỉ định ép tim. Đó cũng là lần đầu tiên cậu thực hiện công việc này. Dù đã làm hết sức nhưng tim vẫn không thể đập trở lại. Cả nhóm cậu gồm 5 người cứ thế rưng rưng khóc vì bất lực.
“Bố của anh khi chứng kiến khung cảnh ấy đã đồng ý cho anh về. Bác đã đến bắt tay từng bác sĩ, từng sinh viên trong nhóm trực. Và bác đã khóc.
Hành động ấy khiến em nhớ tới tận bây giờ. Chưa có ai làm em khâm phục đến vậy”.
Mặc dù phải đón Tết xa gia đình nhưng Diệp Anh cho rằng, bản thân cậu thấy hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó cho mọi người chứ không có cảm giác thiệt thòi.
Đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân còn ở lại trong viện cũng là những kỷ niệm đẹp trong những ngày trực Tết của sinh viên Y.
Hoàng Ngọc Diệp (Sinh viên ngành Y đa khoa, Trường Đại học Y Hà Nội) cũng từng có 2 năm đón Tết trong viện. Diệp cho biết, ở viện vào những ngày Tết cũng có không khí ấm cúng như trong gia đình.
Ngoài việc lo cấp cứu và điều trị, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các lãnh đạo bệnh viện và khoa sẽ đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho bệnh nhân còn ở lại trong viện.
Buổi tối mùng 2, cả khoa sẽ chia ra theo ca trực. Các bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên cùng ngồi lại quây quần bên nồi lẩu. Cảm giác nhớ nhà hầu như không còn trong suy nghĩ của bất kỳ ai.
“Em vẫn nhớ cảm xúc xúc động mỗi khi chứng kiến cảnh bác sĩ kết thúc quá trình điều trị vẫn không quên chúc bệnh nhân và gia đình người bệnh một năm mới bình an và nhanh chóng hồi phục.
Bình thường, những lời chúc sức khỏe ngày Tết đã là đáng quý. Ở trong không gian bệnh viện, điều đó lại càng ý nghĩa hơn nhiều. Do đó, dù không được ăn Tết bên gia đình nhưng chứng kiến cảnh các y bác sĩ quên đi những câu chuyện của riêng mình để chữa bệnh cứu người, em vẫn cảm thấy sự ấm cúng và hạnh phúc”, Diệp kể.
Thúy Nga
Sinh viên Y khoa sẽ phải thi chứng chỉ hành nghề sau khi tốt nghiệp
Chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa có thể là yêu cầu bắt buộc để tham gia các hoạt động chuyên môn ở các cơ sở y tế.