Ngô Minh Đức còn được biết tới là người sáng lập cộng đồng VNOI (Olympic Tin học Việt Nam) với nhiều thành viên là học sinh, sinh viên tham dự các kỳ thi lập trình quốc gia, quốc tế.

Cũng từ cộng đồng này, nhiều người Việt trẻ đã được kết nối cơ hội tới làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Đến với Google từ ngã rẽ bất ngờ

So với các bạn cùng thời, Đức thấy mình may mắn được tiếp xúc với máy tính và lập trình từ khá sớm.

“Tôi đến với học lập trình vì ban đầu muốn... lập trình được “game” của riêng mình. Tất nhiên, sau khi học một thời gian thì tôi nhận ra điều đó là khá khó, với các công cụ dạy và học những năm 90” – Đức chia sẻ.

Khi đó, khoảng 10 tuổi, Đức đã được theo học các lớp về tin học và lập trình Pascal cơ bản, tham dự kỳ thi Tin học Trẻ toàn quốc.

Thế nhưng thời điểm này, Internet chỉ vừa du nhập vào Việt Nam và chưa có nhiều sản phẩm hay công ty công nghệ lớn như bây giờ (Google thành lập năm 1999, Facebook năm 2004). Do vậy, đối với Đức, máy tính chỉ là một thú vui ngoài giờ học.

Năm 2004 mới là cột mốc đánh dấu sự gắn bó lâu dài của Đức với môn Tin học.

{keywords}
 Ngô Minh Đức

Năm đó, Đức đủ điểm vào lớp chuyên Toán và chuyên Tin của Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP.HCM.

“Tôi tính sẽ học lớp chuyên Toán vì khi học cấp 2, tôi rất thích môn học này và từng tham dự các kỳ thi học sinh giỏi. Thế nhưng, theo lời khuyên từ gia đình, tôi quyết định “rẽ” sang lớp chuyên Tin và phát hiện môn này rất thú vị”...

Ngoài ra, Đức cho rằng mình may mắn khi được học với những thầy cô giỏi và truyền cảm hứng, như cô Tâm dạy Toán những năm cấp 2, hay thầy Hùng dạy Tin học những năm cấp 3.

“Nếu không có gia đình và các thầy cô thì tôi không theo đuổi được niềm đam mê và tham gia làm việc trong lĩnh vực công nghệ sau khi tốt nghiệp”.

Tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Quốc gia Singapore, sau một thời gian làm việc ở thung lũng Silicon qua các công ty như Facebook, Addepar (một startup trong lĩnh vực tài chính công nghệ), Đức chuyển sang Google bởi cảm thấy cần học hỏi nhiều hơn. Ở đây, Đức là kỹ sư phần mềm thuộc bộ phận Google Ads, trong nhóm phụ trách sản phẩm quảng cáo trực tuyến qua công cụ tìm kiếm.

“Cách tổ chức công việc rất bài bản và tiêu chuẩn về kỹ thuật rất cao. Các đồng nghiệp của tôi đến từ khắp các quốc gia trên thế giới và họ đều vô cùng giỏi.

Trong bộ phận Google Ads của tôi, một đội ngũ nhỏ khoảng vài chục nhân việc phụ trách cả một sản phẩm với doanh thu hàng tỷ USD/năm là điều bình thường” - Đức chia sẻ.

“Chỉ đường” cho giới trẻ đến với các công ty công nghệ lớn

Trong thời gian học phổ thông, Đức nhận thấy, chủ yếu học sinh các trường chuyên, lớp chọn mới có cơ hội tiếp cận với các thầy cô giỏi trong bộ môn Tin học.

Cũng trong thời gian đó, một nhóm học sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội xây dựng một cộng đồng cho các học sinh khối chuyên Tin có tên là IOICamp. Cộng đồng này phát triển khá sôi nổi nhưng sớm ngừng hoạt động khi hết kinh phí.

Do vậy, năm 2008, khi là sinh viên năm thứ nhất, Đức đã cùng một vài người bạn thành lập một cộng đồng mới có tên là VNOI - Olympic tin học Việt Nam để học sinh, sinh viên đam mê lập trình/ thuật toán trao đổi và học tập.

{keywords}
 

Hiện tại, VNOI có khoảng 12.000 thành viên, độ tuổi từ 14-22. Nhưng Đức ước tính trong vòng 10 năm tới, con số này sẽ cao gấp nhiều lần.

“Trước đây, cộng đồng này chỉ dành cho học sinh, sinh viên nhưng bây giờ, các bạn đã ra trường đi làm, tôi muốn mở rộng VNOI, thêm hoạt động trao học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn, và giúp kết nối các thành viên với cơ hội thực tập, làm việc tại các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook...”.

Mùa hè năm nay, Đức còn tham gia dạy lập trình Scratch cho hơn 5.000 trẻ em đến từ hơn 30 quốc gia. Khóa học này nằm trong dự án STEAM for Vietnam của các kỹ sư, người Việt trẻ ở khắp nơi trên thế giới với mong muốn mang giáo dục Steam đẳng cấp quốc tế đến với học sinh Việt hoàn toàn miễn phí.

Những ngày này, Đức và các thành viên của dự án đang miệt mài để tháng 1/2021, STEAM for Vietnam ra mắt 3 khóa học miễn phí về nhập môn khoa học máy tính, tư duy máy tính và điều khiển Robot.

“Tôi rất biết ơn các thầy cô giáo đã dạy dỗ và truyền cho tôi niềm đam mê với các môn học này. Vậy nên, tôi luôn mong muốn được chia sẻ lại kiến thức và kinh nghiệm với các thế hệ đi sau. Và việc tham gia STEAM for Vietnam giúp tôi có cơ hội thực hiện mong muốn đó”.

Cứ theo đuổi thành tích nếu đam mê

Phần lớn con đường học tập, làm việc khá bằng phẳng và gặp nhiều thuận lợi – như Đức tự nhìn nhận, song Đức cho rằng bản thân mình đã cố gắng, nỗ lực không ngừng. 

“Khi còn học phổ thông, tôi thường tìm đọc thêm các tài liệu về Toán, Tin học và làm thêm nhiều bài tập ngoài yêu cầu của các thầy cô. Có những giai đoạn, ngày nào tôi cũng thức rất khuya chỉ để… học bài”.

{keywords}
Ngô Minh Đức (thứ 2 từ phải sang) tham dự kỳ thi Olympic tin học quốc tế tại Croatia năm 2007

Sau này khi đã ra trường và đi làm nhiều năm, Đức nhận ra là sự nỗ lực bền bỉ và lâu dài là điều quan trọng hơn.

“Khi đi làm, tôi thấy những kỹ năng mềm, như khả năng quản lý công việc, khả năng lãnh đạo, truyền thông với đồng nghiệp, làm việc hiệu quả trong một nhóm, kỹ năng thuyết trình, là những kỹ năng rất quan trọng, và chưa được dạy nhiều trên ghế nhà trường. Tôi mong các bậc phụ huynh chú ý phát triển cho con em mình những kỹ năng này”.

Bằng những trải nghiệm của bản thân, Đức bày tỏ: “Theo đuổi thành tích không có gì là không tốt, nhưng chỉ khi nào bạn đam mê và mong muốn đạt được thành tích để khẳng định năng lực của mình”.

Ngô Minh Đức từng giành Giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia Tin học năm 2006, Huy chương Đồng Olympic Tin học Quốc tế năm 2007 tại Croatia, 2 lần dự thi vòng chung kết kỳ thi lập trình ACM-ICPC tại Thuỵ Điển (2009) và Trung Quốc (2010).

Ngân Anh

Nghiên cứu sinh Việt ở Harvard và những 'đáng lẽ' của tuổi trẻ

Nghiên cứu sinh Việt ở Harvard và những 'đáng lẽ' của tuổi trẻ

Theo Cao Bảo Anh, nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard, để chinh phục học bổng, cần vượt qua những cái “đáng lẽ” của tuổi trẻ và kể lại câu chuyện của mình một cách mạnh mẽ và thuyết phục...