Ngày 10/3, nguồn tin của PV cho hay, Thanh tra tỉnh Quảng Trị vừa ban hành “Kết luận về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng giai đoạn năm 2019 – 2020”.
"Một số đơn vị trường học chưa nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, gây thông tin trong dư luận, xã hội”, một phần kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Trị viết.
Hơn 2 năm, học sinh Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh phải “gánh” tiền ăn cho giáo viên. |
Cụ thể, trong quá trình thanh tra tại Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, Thanh tra tỉnh Quảng Trị phát hiện hàng loạt sai phạm trong công tác quản lí, thu chi tài chính. Đó là, tổ chức, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đảm bảo; Nguồn kinh phí các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bão lụt năm 2020 không được hạch toán vào nguồn thu khác của đơn vị, để ngoài sổ sách kế toán và chi tiêu tùy tiện...
Ngoài ra, đơn vị này chi hơn 32 triệu đồng tiền ngân sách để thanh toán tiền sửa chữa các thiết bị điện, nước không có chứng từ hợp lệ; Giáo viên, nhân viên nhà trường ăn trưa chung với học sinh bán trú nhưng nộp mức thấp hơn so với khẩu phần ăn, tổng số tiền nộp thiếu trong 2 năm là gần 27 triệu đồng.
Hiệu trưởng Lê Văn Quảng (ảnh nhỏ) cho rằng, để giáo viên nộp tiền ăn ít hơn học sinh vì “thương anh em”. |
Vì vậy, Thanh tra tỉnh yêu cầu Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh thu hồi nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lí của Thanh tra tỉnh số tiền hơn 32 triệu đồng chi phí sửa chữa điện nước chi sai và truy thu 29.690.000 đồng (gồm 26.890.000 đồng tiền ăn trưa do giáo viên, nhân viên nộp thiếu và 2.800.000 đồng tiền phục vụ ăn bán trú còn dư không đưa vào sổ sách) để trả lại cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.
'Do thương anh em giáo viên'
Sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Trị, nhiều phụ huynh có con em đang học tại Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh tỏ ra bức xúc.
Ông Lê Văn Quảng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lí của Thanh tra tỉnh số tiền hơn 30 triệu đồng chi phí sửa chữa điện, nước bị kết luận không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Đây là số tiền cá nhân của tôi bỏ ra để khắc phục.
Trong khi đó, để truy thu 29.690.000 đồng từ giáo viên bán trú để trả lại cho Ban đại diện cha mẹ học sinh thì phải chờ ngày giáo viên nhận lương”.
Theo ông Quảng, hiện nay, trường có khoảng 625 - 629 học sinh bán trú.
Mỗi học sinh bán trú phải nộp tiền ăn trưa mỗi buổi 13.000 đồng. Tổng tiền ăn bán trú các em phải nộp mỗi tháng là 208.000 đồng/16 buổi.
Trong khi đó, cùng ăn suất ăn bán trú với các em học sinh tiểu học nhưng 21 giáo viên bán trú của trường này chỉ phải đóng mỗi bữa ăn 6.250 đồng, chỉ gần bằng một nửa so với số tiền các em học sinh tiểu học phải đóng.
Ông Lê Văn Quảng cho rằng, sự việc kéo dài hơn 2 năm qua và đã được hội đồng nhà trường thông qua.
“Khi đưa ra lấy ý kiến giữa hội đồng, tôi nhận thấy lượng học sinh bán trú của trường đông nên quyết định giảm tiền đóng góp phần ăn cho các giáo viên. Việc này nói ra thì rất xấu hổ nhưng cũng do tôi thương anh em giáo viên”, ông Quảng bộc bạch.
Quang Thành
Điều chuyển hiệu trưởng vụ học sinh phải đóng tiền ăn gấp đôi giáo viên
Sau khi có kết luận nhiều vi phạm tại Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, ông Lê Văn Quảng - Hiệu trưởng trường này được điều động sang trường khác và tiếp tục giữ chức hiệu trưởng.
Diễn biến mới vụ 'lùm xùm' bữa ăn bán trú ở Trường Trần Thị Bưởi
Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi được bầu từ đầu năm học đã được thay bằng một ban đại diện mới sau khi để xảy sự việc về chất lượng bữa ăn bán trú.