Trường Bồ Đề nằm ngay trên đường Trần Hưng Đạo, Phường 3, thị xã Quảng Trị. Trường do Hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị xây dựng vào năm 1959 bằng phong trào quyên góp gạo Bồ Đề từ đạo hữu và dân chúng. Đây là nơi khoảng hơn 1.000 học sinh theo học hệ đệ nhị (tương đương lớp 10-12 của hệ THPT ngày nay).

Trong mùa hè 1972 đỏ lửa, Trường Bồ Đề trở thành chốt chiến đấu của quân ta đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. Hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thị xã Quảng Trị (hay còn gọi là 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị), Trường Bồ Đề là căn nhà duy nhất còn sót lại ở nơi này.

Bà Lê Thị Nhàn, hiện trú tại Khu phố 5, (phường 5, TP. Đông Hà), cựu học sinh Trường Bồ Đề kể lại, thời đó địch làm mọi cách để cơ sở bí mật tại trường Bồ Đề bị bại lộ. Chúng áp giải, hành hạ nhiều học sinh của trường khi phát hiện hoạt động cách mạng.

“Có lần tôi chứng kiến một học sinh tên Tân vì hoạt động cách mạng bí mật đã bị địch bắt rồi áp giải đi tù 1 năm. Ngoài giam tù, chúng còn suốt ngày áp giải anh ra tra tấn ngay trước Trường Bồ Đề để làm gương cho những ai đang muốn hoạt động cách mạng bí mật.

Nhưng thanh niên thời ấy luôn có một lòng quyết tâm hoạt động cách mạng để cống hiến cho Tổ quốc, những hành động ấy của địch chỉ làm sục sôi thêm lòng căm thù giặc của chúng tôi”, bà Nhàn nhớ lại.

Theo ghi nhận, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trường Bồ Đề đang bị xuống cấp. Ngoài những vết tích do chiến tranh để lại thì những cột chống trụ, phần lõi thép của tòa nhà cũng đã nghiêng ngả.

{keywords}
{keywords}
Chứng tích của chiến tranh và thời gian ở ngôi trường Bồ Đề.
{keywords}
Góc nhìn từ tầng 2 của trường hướng ra đường Trần Hưng Đạo.

Vào năm 2018, tỉnh Quảng Trị đã có phương án gia cố, bảo quản, chống xuống cấp di tích Trường Bồ Đề với mức kinh phí là 7 tỷ đồng.

Ngôi trường là di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1986. Đến năm 2013, trường trở thành một phần trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Bảo Lâm

Ngôi trường chứng tích lịch sử ở Hà Tĩnh bị quên lãng?

Ngôi trường chứng tích lịch sử ở Hà Tĩnh bị quên lãng?

Được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia, nhưng di tích lịch sử Trường cấp hai Hương Phúc - nơi có 33 học sinh tử nạn bởi bom Mỹ đang xuống cấp trầm trọng.