Ngày 3/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GD-ĐT đã tới làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về việc định hướng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực tỉnh này giai đoạn 2021 – 2025.

Phát triển giáo dục toàn diện còn gặp khó

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, Nghệ An luôn coi giáo dục là ưu tiên và quan tâm đầu tư thỏa đáng, nhờ đó thời gian qua giáo dục Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả.

Giáo dục mũi nhọn của Nghệ An tiếp tục khẳng định nhóm đầu cả nước. Giáo dục phổ cập, toàn diện và vùng dân tộc, miền núi có những chuyển biến tích cực. Giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học phát triển tốt.

Vừa qua, thành phố Vinh được UNESCO công nhận trở thành “thành phố học tập toàn cầu”.

{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu đánh giá về giáo dục và đào tạo Nghệ An thời gian qua

Tuy nhiên, để phát triển toàn diện, giáo dục Nghệ An cần khắc phục một số khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 1.082 điểm trường lẻ và có 1.255 phòng học tạm, mượn. Về đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu.

Nếu năm 2020, Nghệ An được bổ sung 7.843 biên chế cho ngành GD-ĐT, thì từ năm 2021 - 2025 cần bổ sung 3.500 giáo viên (1.000 giáo viên mầm non, 2.000 giáo viên THCS, 500 giáo viên THPT).

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ mong muốn Bộ trưởng sẽ có định hướng, biện pháp, giải pháp, kế hoạch nhằm giúp tỉnh phát triển lĩnh vực GD-ĐT tốt hơn thời gian tới.

3 điểm “nghẽn” cần khắc phục

Tại cuộc làm việc, nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho giáo dục Nghệ An đã được thảo luận, trong đó có việc tính toán phát triển mô hình trường học bán trú tại các địa bàn khó khăn thuộc 5 huyện phía Tây Nghệ An nhằm giảm bớt số lượng điểm trường lẻ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gợi mở giải pháp cho 3 điểm "nghẽn" của giáo dục Nghệ An (về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp và nguồn nhân lực). Ông cho rằng, tỉnh Nghệ An cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, đề án đầu tư cơ sở vật chất và đề án phát triển nguồn nhân lực địa phương cho giai đoạn 5 năm tới; qua đó, nhìn nhận được bức tranh tổng thể và có kế hoạch gỡ dần qua từng năm. 

{keywords}

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Theo Bộ trưởng, nguồn nhân lực phải được chuẩn bị kỹ, từ xác định nhu cầu về nguồn nhân lực trong 5 năm tới, các nhóm ngành nghề cần đào tạo, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện.

Ví dụ, Nghệ An hiện còn thiếu hàng nghìn giáo viên. Việc này không thể giải quyết ngay mà phải qua từng năm, từ cơ sở dữ liệu nhu cầu về nhân lực sư phạm sẽ có tính toán sắp xếp, đặt hàng các trường đào tạo.

Sắp xếp các trường đại học

Nghệ An hiện có 6 trường đại học với gần 1.500 cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là tiềm năng lớn của tỉnh mà không phải địa phương nào cũng có được, vì vậy, không nên lãng phí nguồn nhân lực này.

Để phát huy, phát triển hệ thống giáo dục đại học, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Nghệ An nghiên cứu phương án quy hoạch, sắp xếp mạng lưới giáo dục đại học theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Bộ trưởng gợi mở, tỉnh Nghệ An nên cùng với Bộ GD-ĐT tập trung đầu tư cho Trường Đại học Vinh ngày càng tốt hơn, hướng tới trở thành trường đại học đa ngành, trọng điểm, tạo động lực phát triển cho Nghệ An nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung.

Bộ trưởng đề nghị chọn những ngành đã có gần nhau, để phát triển lên thành 5 trường đại học trực thuộc theo các nhóm: Khoa học cơ bản; Khoa học giáo dục; Kinh tế nông lâm – du lịch; Công nghệ kỹ thuật (viễn thông điện tử, vật liệu mới...) và Trường ĐH Sư phạm.

“Trước mắt cần xây dựng Đề án phát triển thành Đại học Vinh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, phù hợp với chiến lược của Bộ, trong đó cần cụ thể lộ trình thực hiện cho giai đoạn 2021-2025”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh Nghệ An khai thác, sử dụng tốt nguồn nhân lực, khi trên địa bàn có gần 500 tiến sỹ, hơn 1.000 thạc sỹ. Đây là tiềm năng lớn của tỉnh mà không phải địa phương nào cũng có được".

Thời Vũ

Hơn 1 triệu giáo viên cả nước tham gia nền tảng giáo dục số

Hơn 1 triệu giáo viên cả nước tham gia nền tảng giáo dục số

Kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới.